Chăn nuôi, thủy sản Thanh Hóa chưa xứng với tiềm năng
17:33 - 16/01/2017
Bên cạnh những mặt đạt được, công tác chăn nuôi – thú y, thủy sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn tồn tại một số vấn đề, đặc biệt là nuôi trồng thủy hải sản…

Có chuyển biến

Ngày 14/1, Sở NN-PTNT Thanh Hóa tổ chức hội nghị tổng kết công tác chăn nuôi - thú y, thủy sản năm 2016; triển khai kế hoạch, nhiệm vụ năm 2017.

Ông Nguyễn Viết Thái, PGĐ Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho biết, năm 2016, ngành chăn nuôi - thú y và thủy sản đối mặt với nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh. Song được sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh, cùng sự nỗ lực của ngành nông nghiệp, công tác thú y và thủy sản vẫn đạt được những kết quả tích cực.

12-23-07_2
Ông Nguyễn Đức Quyền nhấn mạnh nông nghiệp Thanh Hóa phải nâng cao cả về chất lượng lẫn số lượng để tương xứng với tiềm năng

 

Về lĩnh vực chăn nuôi - thú y, công tác tiêm phòng trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ tiêm phòng đạt 103% kế hoạch; kiểm dịch được khoảng 48% lượng gia súc, gia cầm vận chuyển nội tỉnh, 90% lượng gia súc, gia cầm vận chuyển ra ngoài tỉnh và 95% lượng gia súc, gia cầm đi qua các trạm động vật đầu mối giao thông.

Về lĩnh vực thủy sản, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng đạt 151.399 tấn, tăng 7,8% so với cùng kỳ; giá trị đạt 4.685,7 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu đạt 102,25 triệu USD, tăng 142,6% so với cùng kỳ.

Năm 2017 ngành chăn nuôi - thú y tiếp tục tập trung tăng cường công tác giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời tình hình dịch bệnh; bảo đảm hoàn thành tốt công tác tiêm phòng vacxin; tổ chức thực hiện nghiêm túc kế hoạch về quản lý, vận chuyển, giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm trên địa bàn.

Đối với thủy sản, phấn đấu giá trị sản xuất đạt 4.983 tỷ đồng; tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng đạt 157.400 tấn; diện tích nuôi trồng đạt 19.000ha.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh, ngành chăn nuôi cần định hướng cụ thể để tăng tổng đàn, tăng số lượng vật nuôi có giá trị; đẩy mạnh phát triển trang trại, gia trại và củng cố chăn nuôi nông hộ; thu hút đầu tư và tập trung tháo gỡ khó khăn để triển khai một số dự án lớn. Đối với thủy sản, phải tập trung tăng số lượng tàu khai thác thủy sản có công suất lớn; có kế hoạch chuyển đổi nghề cho đội ngũ ngư dân chuyên đánh bắt ven bờ; đẩy mạnh chăn nuôi an toàn gắn với VSATTP...
 

Mật độ nuôi ngao quá dày

Năm 2016, tình hình nuôi trồng thủy hải sản đối mặt với nhiều khó khăn. Sau sự cố cá lồng chết hàng loạt tại sông Bạng (Tĩnh Gia) và sông Bưởi (Thạch Thành), những ngày qua dư luận lại hướng sự quan tâm đến tình hình ngao chết bất thường tại nhiều địa phương ven biển.

12-23-07_4
Mật độ nuôi quá dày là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngao chết hàng loạt
 

Theo ghi nhận của PV NNVN, toàn tỉnh có khoảng 1.500ha nuôi ngao thì trên 1/3 diện tích đã xuất hiện tình trạng ngao chết bất thường, trong đó nhiều khu vực ngao chết trắng bãi.

Điều đáng quan ngại là tình hình trên chưa cho thấy dấu hiệu dừng lại mà đang có chiều hướng lan rộng ra những vùng nuôi khác. Cụ thể, không chỉ Hậu Lộc và Hoằng Hóa, mới đây nhất tại huyện Nga Sơn đã phát hiện có thêm 120ha nuôi ngao gặp phải tình cảnh tương tự.

Quá trình phân tích các mẫu ngao, bước đầu cơ quan chức năng xác định việc ngao chết hàng loạt không phải do dịch bệnh. Lý giải thêm về vấn đề này, ông Cao Thanh Thọ, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản, Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho biết: “Vừa qua Sở NN-PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành phối hợp với các đơn vị chức năng, UBND huyện Hậu Lộc kiểm tra, đánh giá tình hình ngao chết tại vùng nuôi của xã Đa Lộc. Kết quả cho thấy mật độ ngao nuôi thương phẩm quá dày, bình quân 1.000 con/m2, ngoài ra bãi nuôi có tỷ lệ bùn cao, không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật. ”.

Theo ông Thọ, thông thường từ lúc thả ngao giống đến khi thu hoạch chỉ kéo dài tối đa 18 tháng, nhưng với việc các hộ dân tiến hành nuôi mật độ dày gấp 3 - 4 lần cho phép (chỉ khuyến cáo thả 250 - 300 con/m2) nên thời gian bắt buộc đẩy lên từ 24 - 30 tháng, mức độ rủi ro cũng tỷ lệ thuận theo. Nuôi quá dày không những kéo dài thời gian sinh trưởng mà tốc độ phát triển của ngao cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, theo kết quả phân tích mẫu phẩm sống, ngao tại các vùng nuôi gầy gò, ốm yếu, sức đề kháng không cao.

Những ngày qua, Sở NN-PTNT tập trung chỉ đạo Chi cục Thú y, Phòng NTTS, Ban Quản lý nguồn lợi ven bờ vì sự phát triển bền vững thường xuyên phối hợp với UBND các huyện, xã tổng hợp tình hình, thống kê thiệt hại. Đồng thời hướng dẫn các hộ nuôi thu gom, xử lý ngao chết bằng cách chôn lấp cách xa khu vực nuôi, tránh gây ô nhiễm sang các vùng nuôi khác. Đối với ngao đạt kích cỡ, khuyến cáo người dân triển khai thu hoạch sớm, với những bãi nuôi có mật độ dày cần phải san thưa hoặc di chuyển ngao đến vùng nuôi có các yếu tố môi trường ổn định.

Sau khi nghe báo cáo, đánh giá của đơn vị chuyên ngành và chính quyền địa phương, ông Nguyễn Đức Quyền chỉ đạo Sở NN-PTNT phải đấu mối với các đơn vị liên quan, khẩn trương xác minh nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngao chết hàng loạt vừa qua.

 

VIỆT KHÁNH
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo