Do mưa lũ kéo dài nên các vùng trồng hoa phục vụ Tết Nguyên đán trên địa bàn tỉnh Phú Yên bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hiện, hoa mai rất thưa nụ; lay ơn thì ngập lũ, trốc gốc, nhiều khả năng sẽ chết úng,... Nhà vườn đang đứng ngồi không yên vì khả năng thất thu vụ hoa Tết năm nay là rất cao.
Mai thưa nụ, quất mất giá
Năm nay, mưa lũ xuất hiện muộn và kéo dài nên ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của các loại hoa. Nhiều nhà vườn trồng hoa, cây cảnh ở phường 9, các xã Bình Kiến, Hòa Kiến (TP.Tuy Hòa) đang đứng ngồi không yên vì mai rất thưa nụ. Bà Nguyễn Thị Sâm (phường 9) cho biết: “Hơn 500 gốc mai của gia đình đậu nụ rất thưa. Mặc dù đã tăng cường cắt tỉa và phân thuốc nhưng nụ vẫn không đậu thêm được, các nụ đã đậu thì không thấy phát triển mà cứ đen và khô lại”.
Còn tại xã Bình Kiến, một trong những vựa mai lớn của TP.Tuy Hòa, các nhà vườn trồng mai có thâm niên ở đây cũng đành “bó tay” trước tình trạng này. Ông Năm Hợi (thôn Liên Trì 1) cho biết: “Năm nay, vợ chồng tôi cũng chăm sóc mai theo đúng kỹ thuật và bón phân thuốc theo từng giai đoạn sinh trưởng nhưng cây lại đậu nụ thưa thớt, chỉ đạt 1/3 so với năm ngoái. Nguyên nhân do thời tiết những tháng cuối năm có mưa nhiều và kéo dài, cây bị “no” nước dài ngày nên ảnh hưởng đến việc ra nụ”.
Ông Năm Hợi cho hay: “Năm ngoái, vào giờ này, tôi đã bán được cả trăm chậu nhưng năm nay, thương lái đến xem mai đều chê cây không có nụ và bỏ đi. Hiện, vườn mai hơn 1.000 gốc của gia đình tôi chưa bán được chậu nào. Bây giờ chỉ còn hy vọng duy nhất là tính toán và định ngày giờ lặt lá sao cho mai nở đúng dịp Tết để bán mai hoa, gỡ lại ít vốn đầu tư phân thuốc, công cán trong năm qua”.
Trong khi hoa mai “điếc” nụ thì năm nay các vườn quất được chăm sóc kỹ cho trái dày và to. Tuy nhiên, cây quất lại mất giá vì ít thương lái về mua. Bà Lê Thị Lan, chủ một vườn quất ở xã Bình Kiến, cho biết: “Năm ngoái, khoảng giờ này, vùng hoa cây cảnh Bình Kiến đã nhộn nhịp thương lái dạo vườn mua mai, quất. Còn năm nay, chẳng thấy ai cả, thỉnh thoảng có được một vài người ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum tìm đến mua nhưng trả giá rất thấp. Năm ngoái, những chậu quất 2 năm tuổi có giá 180.000 đồng, năm nay chỉ còn 160.000 đồng/chậu. Mặc dù biết bị thương lái ép giá nhưng tôi vẫn phải bán để gỡ gạc tiền phân, thuốc, chăm sóc”.
Ông Nguyễn Chí Phương, Chủ tịch UBND xã Bình Kiến, cho biết: Toàn xã có khoảng 45ha trồng hoa và cây cảnh, tập trung ở 3 thôn Liên Trì 1, Liên Trì 2 và Phú Vang. Mùa Tết năm nay, các nhà vườn dự kiến đưa ra thị trường khoảng 100.000 chậu quất từ 1-2 năm tuổi và hơn 2.000 chậu mai đủ các cỡ. Tuy nhiên, hiện hoa mai không đạt chất lượng, trong khi đó, quất lại đang rớt giá, nhà vườn rất khó khăn.
Người trồng lay - ơn khốn đốn
Trong đợt lũ muộn vừa qua, vùng trồng hoa màu rộng 45ha ở xã Bình Ngọc bị nhấn chìm trong nước. Nhiều diện tích hoa lay - ơn bị xói lở, trơ củ giống trên ruộng. Ông Nguyễn Thanh Hà, ở thôn Ngọc Phước 2, cho biết: “Năm nay, gia đình trồng 2 sào hoa lay - ơn đỏ vuông, vàng và nhung. Sau hơn 1 tháng xuống giống, cây đã ra được 3 lá, đang phát triển khá tốt. Nhưng đợt lũ này làm hoa ngã rạp dưới ruộng, nhiều luống bị nước xoáy cuốn trôi đất làm củ giống nằm trơ trên mặt ruộng. Để trồng 2 sào lay ơn này, gia đình phải đầu tư hơn 20 triệu đồng tiền củ giống, chưa kể tiền cày, công cán, phân thuốc. Gia đình đang dùng đất đắp lại những luống lay - ơn trơ gốc, dựng lại những cây ngã rạp, mong hoa sống lại để cứu vớt ít vốn”.
Theo những nông dân trồng lay - ơn ở Bình Ngọc, mỗi sào lay - ơn, người trồng phải đầu tư hơn 10-15 triệu đồng tiền củ giống. Mọi năm, cứ sau ngày 23/10 âm lịch là người trồng an tâm xuống giống vì không còn lũ lụt. Nhưng nay, đến gần giữa tháng 11 âm lịch vẫn xuất hiện lũ, nhà vườn chỉ biết… khóc. Ông Huỳnh Văn Sự, nhà vườn trồng lay - ơn ở đây, cho biết: “Bây giờ, bà con chỉ còn cách bơm nước tưới, dội bớt bùn nhét trong các kẽ lá lay - ơn để hạn chế úng. Tuy nhiên, những luống hoa lay ơn đã bị ngập nước lũ thì dù có sống cũng rất khó ra hoa và hoa sẽ không đạt chất lượng”.
Theo Phó chủ tịch UBND xã Bình Ngọc Lê Văn Phiện, đợt lũ lụt vừa qua, xã có 42ha đất sản xuất của người dân bị ngập lụt, trong đó, có 25ha hoa lay - ơn và 17ha rau màu các loại. Ước tính thiệt hại của người trồng hoa lay - ơn khoảng 5 tỷ đồng, rau màu 0,5 tỷ đồng.