(TNNN) - Theo thống kê của Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh, vài năm trở lại đây, đồng bào các dân tộc trên địa bàn mở rộng diện tích trồng cây hồ tiêu một cách ồ ạt, tự phát. Nguyên nhân do giá hồ tiêu tăng cao liên tục, thậm chí có lúc tăng đến 200.000 đồng/kg nên đã thu hút đông đảo người dân. Việc bất chấp sự may rủi cũng như cả những khuyến cáo của các cơ quan chức năng đã khiến cho người trồng tiêu phải nhận trái đắng.
|
Bà con nông dân cần thực hiện tốt các biện pháp canh tác để chủ động phòng trừ sâu bệnh cho cây hồ tiêu |
Điều đáng lo ngại là tại địa bàn các huyện như: Krông Năng, Ea H’leo, Cư Kuin… người dân đang trồng xen hồ tiêu trong vườn cà phê với mật độ khá dày, thậm chí là phá bỏ cả vườn cà phê, cao su… để trồng tiêu. Do người dân tự phát đem cây vào trồng ở những vùng đất không thuận lợi, không chủ động được về nguồn nước đã khiến cho tiêu rơi vào tình cảnh khô hạn, chết hàng loạt.
Diện tích hồ tiêu bị khô hạn, thiếu nước tưới tập trung nhiều nhất là ở huyện Ea H’Leo, với trên 512 ha; tiếp đến là các huyện: Krông Ana, Cư Kuin, Krông Năng. Đối với Đăk Lăk, đây cũng được xem là năm đầu tiên toàn tỉnh có diện tích hồ tiêu bị khô hạn, thiếu nước tưới xảy ra trên diện rộng. Qua kiểm tra bước đầu tại các vùng tiêu bị khô hạn cho thấy, phần lớn diện tích hồ tiêu đều trồng ở những nơi không chủ động được nguồn nước, toàn bộ các vườn tiêu đều sử dụng nước từ giếng đào, giếng khoan…
Theo các gia đình trồng tiêu ở huyện Ea H’Leo, vốn đầu tư vào trồng cây hồ tiêu khá lớn, khoảng từ 400 triệu đồng trở lên cho 1 ha diện tích. Trong đó bao gồm tiền để cải tạo đất, đào hố, trụ cho đến mua tiêu giống, phân bón lót… Vì vậy, việc khô hạn, thiếu nước tưới để vườn tiêu chết khô đã dẫn đến thiệt hại khá lớn về kinh tế đối với đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
Ông Châu Văn Lượm- Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Năng cho biết, trên địa bàn huyện có khoảng 25.000 ha trồng cà phê. Tuy nhiên, do hạn hán, rồi giá cả không ổn định nên bà con từng bước thay thế bằng các loại cây trồng khác, trong đó có hồ tiêu. Nguyên nhân là bởi giá tiêu hạt đang ổn định, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn trồng cà phê. Điều này cũng phần nào lý giải vì sao diện tích tiêu trên địa bàn huyện tăng khá nhanh trong thời gian vừa qua; hiện đã đạt 3.200 ha và dự kiến đến cuối năm 2016 tăng lên 3.500 ha.
Tại huyện Cư Mgar cũng đang trong tình cảnh tương tự. Ông Nguyễn Văn Minh- Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Quy hoạch đến năm 2020, toàn huyện có 3.000 ha trồng tiêu. Thế nhưng hiện nay, theo con số thống kê chưa đầy đủ thì diện tích trồng tiêu đã lên đến gần 7.000 ha và vẫn đang tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Mặc dù ngành nông nghiệp đã có những khuyến cáo đối với bà con để giảm bớt rủi ro, thiệt hại trong việc phát triển nóng cây tiêu. Tuy nhiên cho đến nay, chính quyền các huyện vẫn không thể kiểm soát được. Do người dân chỉ chăm chăm chạy theo giá cả thị trường, cộng thêm với tâm lý cứ cây nào cho thu nhập cao thì sẽ đổ xô trồng theo khiến cho cơ quan chức năng không thể ngăn cản.
Nghiêm trọng hơn là việc bà con do chạy theo phong trào nên rất chủ quan khi đưa cả những giống tiêu không rõ nguồn gốc vào trồng đại trà. Bên cạnh đó, do không tuân thủ quy trình kỹ thuật, chủ yếu trồng trên cây trụ chết, trên vùng đất dễ bị ngập nước… khiến cho cây dễ bị lây nhiễm dịch bệnh, nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm. Từ đó, gây ra thiệt hại lớn đối với người nông dân.
Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, tính chung trên địa bàn toàn tỉnh hiện đã có tổng số hơn 1.822 ha diện tích trồng cây hồ tiêu bị nhiễm bệnh. Trong đó: Diện tích tiêu bị nhiễm bệnh vàng lá chết nhanh là hơn 507 ha; vàng lá chết chậm 1.038 ha; rệp sáp hại rễ 73,6 ha, bệnh tuyến trùng bị 191,4ha... Diện tích hồ tiêu bị bệnh tập trung chủ yếu ở các huyện Cư M’gar, Ea H’leo và thị xã Buôn Hồ.
Theo các chuyên gia nông nghiệp khuyến cáo, đúng như tên gọi của bệnh chết nhanh, khi mắc bệnh này, cây tiêu đang xanh tốt bỗng “ủ rũ” như thiếu nước, lá héo dần nhưng vẫn còn xanh, bứt khá dai; sau đó mới trở nên úa vàng nhưng không kịp rụng, chết khô cùng dây tiêu. Khi kiểm tra phần gốc tiêu bị bệnh thì thấy rễ bị thối đen, đặc biệt là phần cổ rễ, ngửi thì có mùi hôi nhẹ. Các dấu hiệu héo rũ xuất hiện nhanh trong vòng từ 7- 10 ngày; cây tiêu chết hẳn vài tuần sau đó.
Khi cây tiêu bị bệnh chết nhanh, gần như không thể cứu chữa được nữa, vì lúc này nấm đã tấn công vào phần rễ, thân từ trước đó 2- 3 tháng. Do đó, việc chữa trị cho cây tiêu dù tốn kém nhưng không mang lại nhiều hiệu quả.
Nguyên nhân của bệnh tiêu chết nhanh chủ yếu là do sự tấn công của 5- 7 chủng nấm đồng loạt, nhưng gây hại mạnh nhất là chủng nấm Phytophthora. Các loại nấm này sẽ tấn công vào tất cả các bộ phận trên cây tiêu (lá, đốt, chùm quả, rễ ngầm trong đất…) thông qua các vết thương hở do quá trình canh tác hoặc các vết đốt do rệt sáp, nốt sần do các loại tuyến trùng trên rễ.
Mặt khác, nấm bệnh còn có thể thẩm thấu xâm nhập vào các tế bào vỏ rễ của cây mặc dù cây không hề bị tổn thương hay có vết thương hở (điển hình là ở các vùng rễ tiếp giáp với mặt đất) để gây hại. Sau 5- 7 ngày, nấm và vi khuẩn có hại sẽ tấn công phá hủy bộ rễ, quá trình dẫn nước và chất dinh dưỡng lên thân tiêu bị ngừng hẳn dẫn đến tiêu chết đột ngột và khó có thể phục hồi được.
Bệnh chết nhanh trên cây tiêu thường xuất hiện trong mùa mưa hoặc sau một đợt hạn kéo dài bỗng gặp trận mưa lớn. Cơ chế sẽ là từ cây tiêu bị nhiễm bệnh lây lan dần sang các cây khác thông qua dòng nước mưa hoặc các dụng cụ làm việc như kéo cắt cành, cuốc, xẻng…
Do đó, để chủ động phòng trừ sâu bệnh cho cây hồ tiêu, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân cần thực hiện tốt các biện pháp canh tác như: Chọn đất thoát nước tốt; làm đất kỹ, dọn sạch tàn dư thực vật; thường xuyên cắt tỉa những cành vô hiệu, cành lươn, cành sát mặt đất để tạo độ thông thoáng cho vườn cây.
Bên cạnh đó, cần làm vệ sinh vườn sạch sẽ, thu gom tàn dư cây bệnh đi tiêu hủy để tránh việc lây lan. Nên trồng các loại cây họ đậu giữa những hàng tiêu; không nên trồng xen cây họ cà, bí đỏ… Người dân cũng cần chú ý khi thiết kế rãnh thoát nước trong các hàng tiêu, xung quanh vườn hồ tiêu; phá bỏ các bờ ngăn nhằm giúp thoát nước nhanh trong mùa mưa, tránh để ứ đọng nước trong bồn…
Trước thực trạng tiêu chết hàng loạt gây thiệt hại đối với bà con nông dân như thời gian vừa qua, các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh cần tăng cường quản lý chặt diện tích hồ tiêu. Đồng thời, khuyến cáo và hướng dẫn cụ thể cho bà con về giống, chất đất phù hợp với cây tiêu cũng như các biện pháp kỹ thuật trong quá trình chăm sóc, tránh tình trạng ồ ạt trồng theo phong trào.