Doanh nghiệp đột nhiên bỏ liên kết với người trồng cà phê sạch giữa chừng
Thông qua các đại lý thu mua nông sản trên địa bàn huyện Đắk R’lấp, Chi nhánh Công ty TNHH Armajaro Việt Nam tại Đắk Nông thực hiện liên kết với các hộ dân ở xã Quảng Tín để sản xuất cà phê sạch. Tuy nhiên từ cuối năm 2015 đến nay, công ty này đã đột nhiên chấm dứt...
Tuy nhiên từ cuối năm 2015 đến nay, công ty này đã đột nhiên chấm dứt liên kết mà không hề có bất cứ thông báo nào cho người dân.
|
Hàng trăm hộ dân liên kết trồng cà phê sạch với công ty Armajaro phải tự tìm cách tiêu thụ sản phẩm |
Ông Nguyễn Duy Thanh, Khuyến nông viên xã Quảng Tín cho hay: Năm 2012, Chi nhánh Công ty TNHH Armajaro Việt Nam tại Đắk Nông thực hiện liên kết với khoảng 200 hộ dân ở xã để sản xuất cà phê theo hướng an toàn.
Hằng năm, công ty này đều tổ chức các lớp tập huấn nhằm phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật cho bà con. Công ty cũng đã vận động nhân dân thành lập các nhóm, tổ có trả lương cho người đứng đầu nhằm củng cố sự liên kết với nông hộ. Đến vụ thu hoạch thì bà con được công ty hợp tác với các đại lý thu mua với giá cao hơn so với thị trường khoảng 400 đồng/kg cà phê nhân.
Qua thực tế liên kết, họ đã hướng dẫn chúng tôi sản xuất cà phê theo các chuẩn quốc tế như 4C, UTZ, VietGAP; trong đó chú trọng tới yếu tố an toàn, bảo vệ môi trường. Mỗi hộ dân tham gia liên kết phải có sổ nhật ký nông hộ, trong đó ghi hết toàn bộ từ bón phân, thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, chi phí…
Nhưng chỉ sau 2 năm thực hiện việc thu mua đúng theo cam kết thì cuối năm 2015 đến nay, công ty bỏ liên kết, không mua sản phẩm cà phê của các hộ tham gia liên kết. Nhiều lần, tôi đã gọi điện cho cán bộ, người mà thường xuyên xuống nhà dân để bàn các công việc liên kết nhưng đầu dây bên kia báo không liên lạc được.
Được biết, những năm trước công ty Armajaro đã thành lập các đại lý thu mua cà phê trên địa bàn các xã Quảng Tín, Nhân Cơ với giá cao hơn thị trường. Thế nhưng, nhiều đại lý mới gắn bảng hiệu được vài tháng thì không thu mua nữa.
Theo lời giới thiệu của chủ một đại lý thu mua ở Quảng Tín, chúng tôi liên lạc với một người tên Bình, Q.Trưởng Chi nhánh Công ty Armajaro tại Đắk Nông tại thị xã Gia Nghĩa. Qua điện thoại, ông Bình cho biết, đơn vị có một nguồn tài trợ cho hoạt động hợp tác liên kết cùng nông dân bị cắt. Do không còn kinh phí nữa nên công ty ngưng hợp tác. Đơn vị đã thông báo với nông dân, trả lương cho các nhóm trưởng đến tháng 9/2015.
Tuy nhiên, theo các hộ dân tham gia liên kết, phía công ty không hề có kế hoạch thông báo ngưng thu mua. Cụ thể, niên vụ cà phê năm 2015, hàng trăm hộ nông dân vẫn sản xuất bình thường, tuân thủ đúng theo các quy trình hướng dẫn của công ty. Việc công ty ngưng liên kết không gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân, nhưng đã gây mất niềm tin cho hàng trăm hộ dân, hàng trăm tấn cà phê sạch, nông dân phải bán giá không như ý.
Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Trọng Tài, Chủ tịch UBND xã Quảng Tín cho hay: Việc công ty Armajaro tổ chức liên kết sản xuất cà phê sạch với nông dân trong xã không hề thông qua các cấp chính quyền địa phương. Họ thông qua một số đại lý thu mua nông sản đóng trên địa bàn huyện, tổ chức hội thảo rồi kêu gọi liên kết sản xuất theo kiểu tay đôi giữa nhà nông và doanh nghiệp.
Chúng tôi cũng đã tìm hiểu, người nông dân tham gia liên kết trồng cà phê sạch có nhận được sự hỗ trợ về KHKT, tiến bộ các quy trình sản xuất cà phê bền vững… Người dân cũng không bị thiệt hại nhiều khi doanh nghiệp ngưng thu mua nên không phản ánh lên chính quyền xã. Tuy nhiên đây là một bài học cho xã trong công tác quản lý địa bàn. Sau này, khi có doanh nghiệp vào hợp tác thì chính quyền phải là bên thứ 3 bảo vệ quyền lợi cho bà con chứ không thể để doanh nghiệp thích thì vào làm không thích thì ra như trường hợp của Chi nhánh Công ty Aramajaro được.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó phòng NN huyện cho biết thêm: Ngày 30/11 vừa qua, Phòng NN huyện đã có văn bản tham mưu cho UBND huyện về kế hoạch rà soát lại tất cả các dự án liên kết sản xuất nông nghiệp với nông dân trên địa bàn huyện. Qua rà soát, những dự án nào không mang tính bền vững, bảo đảm quyền và lợi ích cho người dân sẽ bị xem xét loại bỏ. Ngoài ra, các doanh nghiệp muốn đến địa phương thực hiện các dự án nông nghiệp, liên kết sản xuất phải nhất quyết có sự thông qua của chính quyền các cấp, nếu không sẽ bị xử phạt, kiên quyết không cho doanh nghiệp triển khai.