Hơn 3.000 hộ dân Xóm Chài khắc khoải chờ đợi một dự án để an cư
15:29 - 18/01/2017
Đứng bên đây bến Ninh Kiều - TP Cần Thơ nhìn sang bên kia sông, những đợt sóng lăn tăn đẩy về hai phía mỗi khi một chiếc sà lan hay một chiếc ghe tam bản rẽ sóng ra sông Hậu, có vẻ rất công bằng.
Xóm tàu du lịch bên Xóm Chài nhìn sang bến Ninh Kiều Cần Thơ

Hồi xưa ở Xóm Chài, khi những dãy nhà quay mặt vô con đường mới đổ bê tông như bây giờ, nhiều chuyên gia du lịch ngày nay nói nếu những ngôi nhà mở cửa hướng ra sông, đêm xuống thì cả hai bên sông sẽ đẹp mê hồn.
 

Những đổi thay

Hơn chục năm qua làn sóng đô thị lan rộng, rộng lắm nếu nhìn từ tòa tháp Vinpearl Cần Thơ mới khai trương ngay ngày lễ Noel đón chào năm mới. Nhưng có vẻ như làn sóng ấy vẫn chưa đến Xóm Chài. Hơn 3.000 gia đình sống ở bên này bờ sông, dù đã nối hai chiếc cầu Quang Trung, cầu Hưng Lợi nhưng vẫn có khoảng cách không thể đo đếm được.

Xóm Chài chạy dài từ vàm sông đến cuối xóm hơn 2 cây số. Nổi danh trong xóm có chủ lò tương Hữu Hưng Long, các chủ trại ghe Hiệp Lợi, Hiệp Ký… Nhưng dễ nhớ nhất vẫn là Xóm Chài bởi nó gắn bó hình ảnh sông nước dọc ngang và những câu chuyện đời người hào hiệp tại vàm sông này.

Ông Tư Vân, họ Lê, làm nghề đóng đáy cả đời ở Xóm Chài, cùng ông Sáu Cao, Tư Lùn… cả một đời người làm nghề hạ bạc. Người trong xóm vẫn còn nhớ ông Tư Chài ở xóm đáy dáng người “tiên phong đạo cốt” giỏi nghề chài lưới, giỏi bắt cá hô ở vàm sông, loài cá Mekong nặng cả trăm ký… và là ân nhân không biết bao nhiêu người hụt chân, đuối nước khi qua vàm sông này. Người ta nói ngày xưa, ghe tàu qua lại ngang qua vàm, lỡ bị chìm, cầu cứu thì bất kể trời lạnh tái tê, ông Tư hớp một chén nước mắm rồi nhảy ùm xuống sông lo cứu người. Cuộc đời ông Tư ra tay giúp người hoạn nạn, “Lục Vân Tiên” sông nước, chẳng việc gì phải tính công. Cách sống trượng nghĩa ấy lan qua những thế hệ khác, nhưng tới thời nay thì cái Xóm Chài này bắt đầu xuất hiện… số đông con cháu không biết bơi!

21-58-17_nhung-chiec-tu-co-con-li-o-xom-chi-nh-hd
Những chiếc tàu cào còn lại ở Xóm Chài

 

Chuyện xưa thầm nghĩ. Hóa ra thử thách đầu sóng ngọn gió lại tạo ra những phản ứng tinh thông trong con người ông Tư, ông sáu… Người ta nói ngày xưa, Xóm Chài rộn ràng lắm nhờ xóm đáy, xóm lưới, lò tương, trại đóng tàu… và ngay cả nhóm chèo đò qua lại hai bờ sông cũng rộn ràng.

Bây giờ, con đường trải bê tông, chạy xe máy dễ dàng nhưng tìm lại xóm cà, xóm củi, xóm giỏ, lò tương, hãng nước mắm… chỉ nghe lò tương, hãng nước mắm đóng cửa, mấy ụ tàu, trại đóng tàu ghe im lìm, hoang phế, cỏ mọc điên dại, um tùm… lớp con cháu đã bỏ nghề. Dân xóm chài chuyển nghề mưu sinh: Thợ hồ, thợ điện, “thầy thông”, “thầy ký”, “PG” hay tìm cái sạp nào đó bên chợ Cần Thơ bán hàng. Dẫu biết thay đổi là lẽ đương nhiên khi luồng gió “đô thị hóa” tới bến Ninh Kiều lan qua bên kia sông.
 

Khắc khoải

Bây giờ còn sót lại ông Chín (Hồ Văn Chín) làm nghề vá lưới ở vàm sông, đã ngoài 60 tuổi rồi, mỗi ngày kiếm một hai trăm ngàn đồng từ tôm cá đã khó nên ông Chín giã từ nghề hạ bạc vì “bà cậu” cho ngày càng ít. Đọng lại trong ký ức của ông là tháng mười âm lịch nước rút, bắt đầu mùa đóng đáy, cào lưới tôm lóng, tôm càng xanh kéo dài tới ra Giêng. Qua tháng hai đến tháng tư, đầu mùa mưa là mùa tép bạc. Nghề hạ bạc có lời dạy “Bà cậu cho tới đâu, ăn tới đó” nên đóng đáy, thả lưới, giăng câu chứ không dùng điện giết chết, dùng cào để tận diệt.

21-58-17_nh-chin-lm-nghe-v-luoi-o-xom-chi-nh-hd
Anh Chín làm nghề vá lưới ở Xóm Chài

 

Miếu Bà được dân làng chài xây dựng trên trăm năm nay, lưu giữ tập tục thờ cúng tổ tiên, nhắc nhở nhau thời cha ông khẩn hoang, lập ấp và truyền dạy cách sống có trước, có sau. Nào có ai ngờ sông Hậu, sông Cần Thơ hết cá tôm. Cái thời chỉ cần lấy rổ xúc cá ở mé sông thôi, ăn mệt nghỉ, đã không còn nữa!

Có lúc nhìn ra vàm, ghe cào mấy chục chiếc, tận diệt cá tôm. Trúng thất vô chừng, tận lực cào kéo ròng rã nhưng kiếm được hai ba trăm ngàn đồng là may mắn. Điềm báo trước khi con người cố sức đánh bắt mọi thứ vì cuộc mưu sinh cho hôm nay, không để dành cho ngày mai.

Nguồn nước bây giờ nhiễm bẩn, năm ngoái “thượng điền tích thủy, hạ điền khan”, nước mặn lấn vô tới Bùng Binh Bến Bạ, cách vàm sông Cần Thơ này không xa. Rồi một ngày nào đó, may mắn không đến nữa, rủi ro bó tay bó chân; lớp bụi thời gian sẽ che lấp ký ức một thời phồn thực, cái thời dân hạ bạc ra sông thả lưới, giăng câu, trở về đầy cá tôm cho người nhà chở qua chợ bán rồi đặt lưng xuống sàn nhà ngáy, không cần lo nghĩ.

Xóm Chài còn đó những ngôi nhà thấp, vật liệu tạm. Mỗi khi dân Xóm Chài nghe ai đó nói Nhà nước có dự án, lại dò hỏi liệu có cơ may nào giúp xóm hạ bạc thoát cảnh nhà cửa chật hẹp, tù túng để một phần da thịt của thành phố khoát lên mình chiếc áo mới? Tới khi nhìn thấy trước mặt, bờ sông kè đá bê tông cứ tưởng nhịp sống “đô thị hóa” đang đặt gót hài son lên Xóm Chài. Nhưng rồi dự án an cư, lạc nghiệp “chợt đến, vội đi” trong khi những nhà thầu phân lô bán nền cứ chực chờ hối thúc với niềm đam mê “đất sạch”.

Con số hơn 3.000 hộ dân và giải pháp phá băng bất động sản bế tắc trong một thời gian dài khiến tương lai Xóm Chài cứ mở ra, xếp lại, chưa cải sửa được hiện trạng nơi ăn chốn ở. Bởi vậy Xóm Chài mãi khắc khoải chờ đợi một dự án đích thực để mang lại sự an cư.
 

Khao khát cuộc đời mới

Thầy giáo Đinh Công Triều, thuộc lớp người cao niên ở Xóm Chài, nói bây giờ Xóm Chài có tên mới: phường Hưng Phú, quận Cái Răng. Dấu tích chốn cũ dấu xưa là miếu Bà và trường tiểu học Mỹ Hưng, nhà cửa chen chúc mọc lên, trải rộng từ miếu Bà tới chân cầu Quang Trung. Vào ngày rằm tháng Giêng hàng năm, lễ hội Cầu An, tống phong được tổ chức ở đầu vàm, nơi có miếu Bà thờ Bà Cậu được xem là lớn nhất khu vực này. Dân chài cầu mong ơn trên độ trì qua cơn sóng gió. Còn bà con gần xa tề tựu về cúng bái, cầu phước, xua tà, khấn vái được an cư lạc nghiệp. Một thoáng đô hội vượt sông, đò ngang, đò dọc xuôi ngược xáo động, cũng khấn vái, cầu nguyện được cơ hội nào đó cho Xóm Chài mai kia.

21-58-17_thy-dinh-cong-trieu-o-xom-chi-hd
Thầy Đinh Công Triều ở Xóm Chài

 

Đã hơn 40 năm, Xóm Chài vẫn là bức tranh tương phản giữa một bên sông phố xá Ninh Kiều náo nhiệt, lộng lẫy, thênh thang còn một bên trầm mặc, im lìm.

Chợ hoa tết, mọi năm rộn ràng bên kia sông gợi lên những ước mơ nhập cuộc của dân Xóm Chài. Có ai thấu cảm những lo nghĩ của dân hạ bạc, những di dân “tản cư” tránh bom đạn hội tụ ở vàm sông này, nương tựa vào nhau, tìm kiếm, tận hưởng thanh bình.

Thầy Triều từng đếm bước tới trường tiểu học Mỹ Hưng, vẫn từ đây nhìn sang bên kia sông nói rằng: Hồi xưa dân Xóm Chài chở rau, chở cá qua chợ Cần Thơ bán, nay lại xách giỏ qua chợ Tân An (bên kia sông) mua con cá, mớ rau chở về. Người dân Xóm Chài ẩn nhẫn chờ cuộc tái định cư hàng loạt trong tương lai như vậy. Ông khao khát một cuộc đời mới của Xóm Chài từ tầm nhìn tinh tường, sứ mệnh cao cả để khi Cần Thơ sáng danh đô thị lớn, sầm uất thì ánh sáng thông tuệ lan tới bên này sông, để cuộc sống được hiểu không chỉ là cái nền đất tái định, thả nổi một cuộc mưu sinh không còn chỗ để đặt những dòng thơ an nhiên lên đó nữa:

“Xóm Chài ẩn nét duyên thôn nữ

Gió thổi lồng bay áo túi hồng

Cô lái đò ngang cười chúm chím

Thầm trêu hàn sĩ lúc sang sông”

(Thi sĩ Kiên Giang)

HỮU ĐỨC
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo