Nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long mong ngóng lũ về
18:29 - 27/09/2016
(TNNN) – Từ xưa tới nay, đối với những người dân sống ở miền Tây Nam bộ, hiện tượng lũ hàng năm vốn là qui luật được thiên nhiên ưu đãi cho riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Thế nhưng, trong vài năm trở lại đây, dù đã vào mùa nước nổi nhưng nước trên sông Tiền, sông Hậu vẫn chảy êm ả. Việc chưa thấy có dấu hiệu của mùa nước nổi khiến người dân lo lắng, đứng ngồi không yên.
Lũ chưa về, người dân nghèo An Giang giảm sút thu nhập vì không khai thác được nguồn lợi thủy sản


Hậu quả của việc lũ không về không chỉ làm thất thu nguồn lợi thủy sản mà thu nhập của người nông dân, đặc biệt là nông dân nghèo cũng bị giảm sút theo, sản lượng lúa và cây ăn trái đều bị ảnh hưởng. Nghiêm trọng hơn, lũ không về còn làm cho tình trạng xâm nhập mặn nơi đây diễn ra sớm hơn và tiến sâu vào nội địa giống như diễn biến của mùa khô vừa qua.

 
Sau một năm chờ đợi, mong mỏi mà không có nước lũ, hiện người nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long đang kỳ vọng trong năm 2016 này, lũ sẽ tràn đồng để cung cấp thêm lượng phù sa cho đất. Lũ về, có thêm nguồn nước để vệ sinh đồng ruộng và phát triển nuôi trồng thủy sản cũng như khai thác các nguồn lợi mà thiên nhiên ban tặng.


 
Thông thường, cứ vào khoảng đầu tháng 8, dòng nước màu đỏ đục từ thượng nguồn sông Mê Kông bắt đầu đổ về thông qua trục chính là sông Tiền và sông Hậu. Sau đó, dòng nước cứ len lỏi chảy theo các nhánh sông tràn lên, phủ khắp những cánh đồng mênh mông vừa được thu hoạch xong. Lũ về, không chỉ mang nặng phù sa mà còn mang theo rất nhiều tôm, cá, rau đặc sản. Bởi vậy, đối với nhiều nông dân nghèo, ít ruộng đất thì hiện tượng thiên nhiên lũ về đồng nghĩa với sự no đủ vì nó đem theo rất nhiều nguồn lợi để khai thác.

 

Trước đây, hoạt động sản xuất trong mùa nước nổi ở hai địa phương đầu nguồn là tỉnh An Giang và Đồng Tháp đã tạo ra giá trị hơn 5.000 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho gần triệu lao động của địa phương chỉ trong 3- 4 tháng mùa lũ. Vậy mà, vài năm nay do lũ không có nên hiệu quả của các mô hình sản xuất mùa nước nổi cũng theo đó giảm mạnh.


 
Ông Nguyễn Ngọc Hè- Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT thành phố Cần Thơ cho biết: Trong năm nay, theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, nhiều khả năng vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ vẫn phải tiếp tục đón thêm một năm lũ nhỏ. Nếu những năm trước, khi lũ về đúng thời điểm thì ngay sau thu hoạch vụ lúa Hè- Thu, bà con sẽ tiến hành lấy nước phù sa vào đồng ruộng để vụ lúa Đông- Xuân sau đó được trúng mùa. Thế nhưng, vụ lúa Đông- Xuân năm nay được tiên đoán gặp nhiều khó khăn hơn, đồng ruộng không được ngâm nước nên côn trùng, sâu bọ sẽ xuất hiện nhiều, chi phí sản xuất cao đồng nghĩa với lợi nhuận của người nông dân sẽ giảm...


 
Tại các huyện vùng đầu nguồn như Hồng Ngự, Tân Hồng, Tam Nông của tỉnh Đồng Tháp, rất nhiều cánh đồng khô cạn cho thấy chưa có dấu hiệu báo lũ về. Ông Đoàn Ngọc Anh ở xã Tân Thành A- huyện Tân Hồng buồn rầu: Lúa vụ Thu- Đông ở vùng biên giới đầu nguồn này đã sắp thu hoạch rồi thế mà nông dân chờ mãi vẫn chưa thấy nước lũ về. Lũ không về thì cũng không có nguồn lợi thủy sản, người nông dân sẽ thiệt trăm bề.

 

Cùng nỗi lo lắng như trên, bà Trịnh Mỹ Lệ cũng ở Tân Thành A cho biết: Bà con ở miền ngoài thường hay lo lắng về lũ chứ ở miền Tây thì ngược lại, ai cũng mong ngóng lũ về. Nhất là vào những năm lũ lớn thì nguồn cá, tôm sẽ càng dồi dào, điều này giúp cho người dân vùng lũ có thêm thu nhập. Thế nhưng, kể từ sau trận lũ lớn năm 2011 thì mấy năm nay liên tục xuất hiện lũ nhỏ. Tình hình này khiến bà con nông dân sẽ mất đi nguồn thu nhập trong suốt mấy tháng mùa lũ.


Đối với huyện Tam Nông của tỉnh Đồng Tháp, được xem là vùng chuyên canh nuôi tôm càng xanh trong mùa lũ cả chục năm nay, rất nhiều người dân nơi đây đã đổi đời, trở nên khấm khá với nghề này. Nhờ sự phù hợp với tập tính sinh sống của con tôm càng xanh nên cứ năm nào nước lũ về nhiều thì tôm cũng lớn rất nhanh. Từ thắng lợi trong những năm trước, bà con nuôi tôm trong vùng đang đầu tư tiền của, mạnh dạn mở rộng diện tích nuôi.


 
Ông Nguyễn Văn Hiền, một hộ nông dân nuôi tôm ở thị trấn Tràm Chim- huyện Tam Nông chia sẻ: Sau 6 năm gia đình áp dụng mô hình luân canh lúa– tôm càng xanh, ông nhận thấy đây là mô hình rất hiệu quả, vừa tăng thu nhập cho nông dân, lại ít tốn kém trong chi phí sản xuất. Lí giải điều này bởi cứ sau vụ tôm, cây lúa sẽ phát triển rất tốt nhờ hấp thu được các chất dinh dưỡng có trong đất do các thức ăn thừa, chất thải từ vụ nuôi tôm phân hủy để lại. Điều này còn góp phần làm giảm bớt được chi phí bón phân và phun thuốc trừ sâu.

 

Thế nhưng suốt 3 năm nay, người nuôi tôm nơi đây đang lâm vào tình cảnh thua lỗ nặng. Mùa lũ 2016, rất nhiều hộ nông dân vẫn quyết định đánh liều tiếp tục đầu tư với mong ước có thể gỡ được phần nào vốn. Theo kinh nghiệm của các hộ dân, năm nào lũ về nhỏ, nước chỉ ngập ngang đầu gối thì nuôi tôm sẽ rất chậm lớn, thêm vào đó, người nuôi còn phải chi tốn nhiều tiền thức ăn hơn, gấp 2- 3 lần so khi với nước lũ về nhiều. Do đó, bà con nuôi tôm đang mong lũ về mạnh hơn để tránh được thiệt hại cho vụ tôm đang thả nuôi.


 
Không chỉ có người nông dân Đồng Tháp mà những nông dân ở khắp các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ… cũng đang từng ngày ngóng đợi lũ về. Theo nông dân Lê Văn Tèo ở xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ, thời gian qua, các ngành chức năng đã cho đầu tư hệ thống đê bao khép kín đối với những vùng được quy hoạch sản xuất lúa Thu- Đông nên nông dân không còn lo bị thiệt hại nữa. Bây giờ, người dân vùng lũ đang mong chờ lũ về để nuôi trồng thủy sản, rồi giăng lưới, bắt cá… nhằm tăng thêm thu nhập.

 

Bình Thủy
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo