Hàng trăm ha cây ca cao ở tỉnh Trà Vinh đến giai đoạn thu hoạch lại phải đốn bỏ hoặc để cây, trái tự chết khô. Tình trạng này đang khiến hàng chục tỷ đồng vốn đầu tư của nhà nông mất trắng.
Ca cao chết khô, dân kêu khổ
Những ngày này, về huyện Cầu Kè (Trà Vinh), phóng viên NTNN ghi nhận nhiều vườn ca cao không được chăm sóc, thậm chí có vườn rất nhiều cây đã chết khô. Bà con cho biết, nhiều vườn ca cao tại địa phương đang bị bỏ bê do nhiều vụ liền người dân không có lãi nên không muốn đầu tư tiếp.
|
Nhiều vườn ca cao ở xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè chết khô vì không được chăm sóc. Ảnh: Huỳnh Xây |
Theo số liệu của Phòng NNPTNT huyện Cầu Kè, năm 2010 diện tích trồng ca cao của huyện đạt tới trên 150ha nhưng đến nay chỉ còn 56ha, tập trung rải rác ở các xã như: Hòa Tân, Phong Phú và Châu Điền. Bà Thạch Thị Chân, ấp Chông Nô 3, xã Hòa Tân cho biết, năm 2009, gia đình bà được Nhà nước hỗ trợ 200 gốc ca cao đêrể trồng xen trong 1ha vườn dừa. Hai năm sau cây cho trái nhưng giá bán rất thấp, chỉ từ 1.500 - 2.000 đồng/kg trái tươi, càng về sau thương lái càng thu mua ít hơn. “Từ năm 2012 đến nay, mỗi lúc đến mùa thu hoạch lại không thấy thương lái đến thu mua nên gia đình đành để ca cao chín trên cây, không thu hái, chăm sóc. Dần dần cây cũng chết khô. Từ 200 gốc ban đầu, hiện gia đình tôi chỉ còn 15 gốc ca cao” – bà Chân cho hay.
Cũng như nhiều hộ dân ở huyện Cầu Kè, một số hộ trồng ca cao ở huyện Tiểu Cần (Trà Vinh) thông tin, năng suất cây ca cao của địa phương không bằng ở tỉnh khác nên người trồng không có lợi nhuận, thậm chí thua lỗ.
“Khoảng năm 2008-2009, gia đình tôi mua 500 cây ca cao giống nhưng năng suất chỉ bằng 30-40% so với các hộ trồng ca cao ở tỉnh Bến Tre. Do vậy, đến năm 2013, tôi đành bấm bụng chặt bỏ hết số ca cao đã trồng” - ông Đoàn Văn Phước, ấp Nhơn Hòa, xã Tân Hòa (huyện Tiểu Cần) nói với giọng buồn thiu.
Nhiều nông dân các xã Đức Mỹ, Đại Phước, Nhị Long, Nhị Long Phú, Bình Phú, Huyền Hội… cũng than khổ vì trót đầu tư trồng ca cao mà không thu được lợi nhuận.
Hệ lụy do trồng theo phong trào
Những năm 2005-2008, phong trào trồng cây ca cao tại tỉnh Trà Vinh phát triển ồ ạt. Bên cạnh diện tích trồng theo mô hình thực nghiệm của Sở Khoa học và Công nghệ, nhiều đơn vị khác như Hội Cựu chiến binh, Phòng Công Thương, Phòng Nông nghiệp… cũng “tăng cường” vận động dân, lập dự án trồng ca cao.
|
Nhiều vườn ca cao ở xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè chết khô vì không được chăm sóc. Ảnh: Huỳnh Xây |
Trong đó, có cả những địa phương phát triển diện tích ca cao khi chưa có quy hoạch. Điển hình như tại huyện Càng Long, năm 2008, nhiều đơn vị “đua nhau” hỗ trợ người dân trồng khoảng 16.000 cây giống, trong khi chưa có quy hoạch vùng trồng.
Ông Trương Văn Đệ - Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Cầu Kè cho biết: “Thực tế, thời gian qua nhiều diện tích trồng ca cao không mang lại hiệu quả cao do người dân trồng dàn trải, không trồng tập trung theo vùng và không gắn kết với đơn vị thu mua. Để mô hình cây cao có hiệu quả, người dân phải trồng tập trung, có quy mô và phải sử dụng cây giống có chất lượng, kỹ thuật chăm sóc tốt”.
Thạc sĩ Trang Tửng - Trưởng phòng Kỹ thuật (Sở NNPTNT tỉnh Trà Vinh) khuyến cáo: “Thực tế, cây ca cao mang lại lợi nhuận kinh tế cao, giúp nông dân tận dụng được diện tích đất kém hiệu quả để trồng xen canh nhưng khi trồng cây ca cao, nông dân cần phát triển gắn với nơi thu mua, chế biến. Việc lựa chọn giống trồng ca cao cũng cần cân nhắc kỹ do hiện nay có 12 giống ca cao khác nhau”.
Theo số liệu thống kê từ Sở NNPTNT tỉnh Trà Vinh, những năm 2005-2008, toàn tỉnh có khoảng 1.000ha ca cao nhưng đến cuối năm 2015 chỉ còn 462ha. Hiện nhiều nông dân ở các huyện như: Cầu Kè, Càng Long, Tiểu Cần đang tiếp tục chặt bỏ hoặc để cây ca cao tự chết khô.