Đảm bảo an toàn thực phẩm: Nâng cao nhận thức của người sản xuất và tiêu dùng
12:36 - 31/08/2016
(TNNN) - An toàn vệ sinh thực phẩm đang là mối lo của cả xã hội. Đã đến lúc các bộ, ban ngành Trung ương và địa phương cùng mọi người dân cần chung tay đẩy lùi thực phẩm bẩn, đồng thời tăng cường sự quản lý đối với hệ thống phân phối lưu thông thực phẩm an toàn.
Ảnh minh họa

Theo kết quả giám sát trên diện rộng trong 6 tháng đầu năm 2016, tỷ lệ mẫu thịt lợn phát hiện chất cấm salbutamol chiếm 0,42%; mẫu rau chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng 3,98%; mẫu thịt chứa hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng 1,3%, mẫu thủy sản các loại chứa hóa chất, kháng sinh, chất cấm vượt ngưỡng chiếm 5,3 %.

Hiện có 294 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, thí điểm xác nhận 85 cơ sở kinh doanh sản phẩm chuỗi. Tuy nhiên, sản xuất, kinh doanh nông - lâm - thủy sản nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết, được đầu tư hạn chế rất khó để tuân thủ đầy đủ và duy trì điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm.

Luật An toàn thực phẩm ban hành năm 2010 đến nay đã qua hơn 5 năm triển khai. Mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương  có nhiều nỗ lực trong tổ chức thực hiện như ban hành đầy đủ các văn bản quy định của pháp luật; tuyên truyền, chỉ đạo và tổ chức kiểm tra liên tục và rộng rãi nhưng nhiều vụ việc vi phạm quy định về an toàn thực phẩm vẫn liên tiếp được phát hiện. Kết quả giám sát phát hiện thực phẩm không đạt yêu cầu quy định an toàn vẫn còn ở mức cao. Công tác quản lý an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập.

Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra một số giải pháp cho tình trạng trên thông qua sự đóng góp của các bộ, ngành. Đó là:

Một là, đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là của chính quyền địa phương:
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về ATTP trên địa bàn; ưu tiên bố trí đủ nguồn lực cho công tác này; xác định việc bảo đảm ATTP là một tiêu chí xây dựng nông thôn mới, khu dân cư văn hóa.
Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp chỉ đạo và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, thực hiện nhiệm vụ quản lý ATTP của cơ quan nhà nước cấp dưới; kiên quyết xử lý cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý.

Các địa phương tập trung chỉ đạo xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản thực phẩm an toàn; thúc đẩy áp dụng rộng rãi mô hình VietGAP và hình thành hệ thống phân phối thực phẩm an toàn; kết nối người tiêu dùng với thực phẩm an toàn.

Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh, kiểm tra đột xuất về ATTP đối với ngành hàng được phân công, xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm và các cơ quan, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý ATTP.

Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ, công an các địa phương nắm chắc tình hình các tuyến, địa bàn trọng điểm về vi phạm ATTP, điều tra, khởi tố một số vụ án điểm trong lĩnh vực ATTP theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Sớm có phương án kinh phí cho công tác quản lý ATTP theo hướng cho phép các địa phương chủ động sử dụng toàn bộ số tiền phạt vi phạm ATTP và có kinh phí tăng cường từ ngân sách nhà nước bảo đảm đáp ứng yêu cầu công tác này, đặc biệt là kinh phí cho kiểm nghiệm, xử lý tiêu hủy thực phẩm không an toàn. Trước mắt, ứng trước từ ngân sách cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm 2016.

Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện ATTP:

Các cơ quan báo chí tăng cường các bài viết, chuyên mục về ATTP; tăng cường đưa tin, tuyên truyền khách quan, trung thực, kịp thời về thực phẩm an toàn, nhất là các điển hình sản xuất, chế biến, lưu thông thực phẩm an toàn và các vụ việc vi phạm ATTP.

Ba là, phát huy vai trò của nhân dân trong việc đấu tranh, phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm quy định về bảo đảm ATTP:

Các bộ, ngành, chính quyền các cấp thực hiện hiệu quả Chương trình phối hợp vận động và giám sát bảo đảm ATTP giữa Chính phủ và Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tập trung thực hiện tại một số địa bàn trọng điểm và địa phương theo sự thống nhất với Mặt trận Tổ quốc.

Các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Công an cùng Bộ đội biên phòng và các địa phương có cơ chế phù hợp (như đường dây nóng) để tiếp nhận phản ánh của nhân dân, báo chí về vi phạm ATTP và xử lý nghiêm, kịp thời; có hình thức tôn vinh, khen thưởng đối với cá nhân phát hiện và cung cấp thông tin về sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn.

Bốn là, tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến rõ nét trong năm 2016 một số vấn đề sau đây:

Việc nhập khẩu, sản xuất, sử dụng các chất, thuốc trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm; tập trung xử lý dứt điểm việc sử dụng salbutamol, vàng ô, kháng sinh trong sản xuất, chế biến thực phẩm.

Bộ Y tế siết chặt quản lý việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm chức năng, bảo đảm vệ sinh an toàn, vệ sinh trong ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp.

Bộ Công thương siết chặt quản lý việc ngăn chặn nhập lậu rượu giả, nước giải khát không truy xuất được nguồn gốc.UBND tập trung kiểm tra, xử lý dứt điểm các điểm nóng về an toàn thực phẩm đang được dư luận và xã hội quan tâm trên địa bàn.
 
 
 
Hoài Nam
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo