Có hay không cá nhiễm độc ở Hà Tĩnh tuồn ra thị trường?
10:54 - 02/08/2016
Hai ngày nay dư luận Hà Tĩnh lại nóng thông tin một sản lượng lớn cá biển bị nhiễm độc cadimi. Nhiều luồng ý kiến cho rằng không ít cá bị nhiễm độc đã bị tuồn ra thị trường thời gian qua. Thực hư sự việc này thế nào?
Khoảng 2 tấn cá nục, cá trích, bạc má đánh bắt trong 20 hải lý chưa được kiểm nghiệm VSATTP chuẩn bị xuất bán ra Bắc

Niêm phong hơn 8 tấn

Sau khi tiếp nhận các mẫu cá do Chi cục VSATTP tỉnh Hà Tĩnh gửi, Viện kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia nhanh chóng xét nghiệm và trả kết quả tại công văn số 609, ngày 8/7/2016.

Theo đó, trong 5 mẫu gửi kiểm nghiệm có 3 mẫu hàm lượng cadimi vượt giới hạn cho phép theo QCVN 8-2:2011/BYT, nghĩa là cá nhiễm độc từ biển. Cụ thể, hàm lượng cadimi trong mẫu cá gai xồ là 0,29mg/kg; trong mẫu cá gai nhỏ là 0,084mg/kg và trong mẫu cá mu là 0,14mg/kg.

Căn cứ kết luận của Viện kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia, ngay sau đó, Chi cục VSATTP Hà Tĩnh tiến hành niêm phong hơn 8 tấn cá tại 4 kho đông lạnh gồm: Kho Cty CP XNK thủy sản Nam Hà Tĩnh (Kỳ Anh) hơn 1,44 tạ; kho HTX Thiên Phú, xã Thạch Kim (Lộc Hà) 1,1 tấn; HTX Hùng Mạnh, xã Thạch Kim niêm phong 6,7 tấn và kho đông lạnh Sang Liên, xã Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên 1,1 tạ.

18-45-36_2
Khoảng 2 tấn cá nục, cá trích, bạc má đánh bắt trong 20 hải lý chưa được kiểm nghiệm VSATTP chuẩn bị xuất bán ra Bắc

 

Ông Trần Xuân Dâng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết, để xác định mức độ độc hại của cá biển sau sự cố môi trường, tháng 4/2016, UBND tỉnh đã giao Sở Y tế và các ban ngành lấy mẫu cá để xác định mức độ độc hại. Sau khi có kết quả kiểm nghiệm, ngày 11/7/2016, Sở Y tế có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh xin ý kiến về việc xử lý hải sản bị ô nhiễm.

Vấn đề dư luận quan tâm là trước khi nhận được kết quả xét nghiệm tại sao Chi cục VSATTP lại không tiến hành niêm phong? Liệu khi có kết quả thì lượng cá nhiễm độc đã bị tuồn đi tiêu thụ hay chưa?

Ông Dâng trả lời rằng: “Về nguyên tắc là phải niêm phong, nhưng không đủ kho để chứa và cũng không có kinh phí để thu gom toàn bộ số cá trên”. Còn ông Phan Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục VSATTP Hà Tĩnh nói: “Chưa có kết quả kiểm định nên chưa thể niêm phong vì nếu như cá không độc hại thì sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu và công việc làm ăn của dân”. 

18-45-36_7
6,7 tấn cá nhiễm độc cadimi đang được niêm phong tại HTX Hùng Mạnh

 

18-45-36_8
Kết quả kiểm nghiệm cá nhiễm độc cadimi

 

 

Nói về nguy cơ nhiễm độc từ ăn các loại cá trên, ông Phan Văn Hùng nói: “Tôi nghĩ mỗi ngày mỗi người ăn vài lượng cá có nhiễm chất cadimi thì không gây độc hại. Chỉ khi mỗi người ăn 8 - 9 lượng cá có nhiễm cadimi thì mới gây độc hại".

Tiếp tục lý giải về số lượng cá nhiễm độc niêm phong, ông Hùng cho hay, ngày 1/8 Chi cục đã đi kiểm tra tại các kho đông lạnh có sản lượng cá bị nhiễm cadimi. Hiện tất cả hàng niêm phong đang được lưu giữ tại kho chờ quyết định của UBND tỉnh để tiêu hủy và đền bù thiệt hại cho các chủ kho đông lạnh.

Vấn đề đặt ra ở đây là ngoài số lượng cá đang được niêm phong chờ xử lý tại các kho đông lạnh, trước đó, trong thời gian gần 3 tháng (từ tháng 4 tháng 7) sản lượng cá chưa được kiểm nghiệm các chủ cơ sở vẫn xuất bán ra thị trường liệu có đảm bảo không bị nhiễm độc(?!). Vấn đề này có lẽ là kẽ hở mà các cơ quan chức năng Hà Tĩnh đã không tính đến.

Cá đánh bắt trong 20 hải lý chưa kiểm nghiệm vẫn tuồn ra thị trường

Tại một số cơ sở đông lạnh khác trên địa bàn xã Thạch Kim, chúng tôi khá ngạc nhiên khi giữa tâm bão cá nhiễm độc thì không ít cơ sở đông lạnh vẫn xuất hàng mà không hề có bất kỳ một giấy tờ kiểm nghiệm VSATTP nào từ cơ quan chức năng.

Ông Trần Văn Toàn, chủ cơ sở đông lạnh Toàn Tứ, thôn Xuân Phượng (Thạch Kim) thật thà nói: “Cá tươi chúng tôi thu mua dưới tàu thuyền lên không kiểm nghiệm VSATTP gì cả, cũng không có cơ quan chức năng nào đến hỏi han gì. Vài tháng nay bình quân mỗi ngày tôi xuất bán 1 - 2 tấn cá ra các tỉnh phía Bắc như Nghệ An, Thanh Hóa”.

18-45-36_5
Gần 100 tấn hàng trong kho đông lạnh của hộ ông Toàn 3 tháng nay không bán được lô nào

 

Ông Toàn chia sẻ thêm, sau khi xảy ra hiện tượng cá chết có một số đoàn đến lấy mẫu cá đông lạnh trong kho của gia đình ông đi kiểm nghiệm cho kết quả an toàn. Tuy nhiên, lo ngại cá bị nhiễm độc nên cứ nói đến cá đông lạnh bạn hàng từ chối ngay. Họ bảo chỉ thu mua cá tươi như cá nục, cá trích, bạc má...

Khi được hỏi: Ông có lo ngại cá mới đánh bắt về bị nhiễm độc không?, ông Toàn trả lời: “Cá nhiễm độc hay không chúng tôi không biết nhưng cá này chủ yếu đánh ở vùng biển Cửa Sót, trong phạm vi 20 hải lý. Nói thật bây giờ cá bán ra ngoài Bắc chứ bán trong tỉnh không ai mua cả”.

Ông Toàn cũng cho hay, sau thời điểm cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm nghiệm hồi tháng 4, cơ sở của ông bỏ ra gần 4 tỷ đồng thu mua thêm gần 100 tấn cá bảo quản tại kho. Trong suốt 3 tháng qua cơ sở không bán được tấn cá đông lạnh nào, trong khi đó mỗi tháng phải chi trả 10 – 12 triệu đồng tiền điện, dẫn đến khó khăn chồng chất.

Khoảng 16h ngày 1/8, gần chục lao động thuộc cơ sở Toàn Tứ đang phân loại cá trích, cá nục, cá bạc má ra các khay nhựa để bốc lên xe chuẩn bị chuyển hàng ra Bắc. Ước chuyến hàng này xuất bán tầm 2 tấn cá và cũng không ai dám chắc số cá trên không bị nhiễm độc (?!).

Trong một diễn biến khác khi kiểm tra kho đông lạnh Sang Liên, xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên), cơ quan chức năng xác định thời điểm lấy mẫu có 4 tấn cá, tuy nhiên sau khi có kết quả số cá trên bị nhiễm độc, thực hiện niêm phong thì sản lượng trong kho chỉ còn lại 1,1 tạ.

THANH NGA
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo