Bàng hoàng, xót xa và lo lắng là tâm trạng chung của rất nhiều nông dân ở Nam Định mà chúng tôi đã gặp. Sau khi bão số 1 đi qua, toàn bộ vốn liếng "gửi gắm" nơi ao đầm, ruộng đồng đều bị "xóa sổ".
|
Nông dân ở xã Xuân Châu (Xuân Trường, Nam Định) xót xa vớt những con cá chết. Ảnh: V.T |
Bão ập bất ngờ
Có mặt tại những vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm của tỉnh Nam Định ở xã Giao Phong, Giao Thiện, Giao Xuân, Bạch Long (Giao Thủy); xã Xuân Vinh, Xuân Hòa (Xuân Trường); Văn Lý (Hải Hậu) thời điểm này đập vào mắt chúng tôi là khung cảnh đổ nát, hoang tàn đến tê tái lòng người.Theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm về khu lồng bè nuôi cá lồng của gia đình ông Trần Anh Tráng, xã Xuân Châu (Xuân Trường, Nam Định). Trước mặt tôi là cảnh tan hoang, những lồng bè xiêu vẹo, lưới rách tả tơi.
Ông Tráng buồn rầu kể: Khoảng 22 giờ, ngày 27.7, bão bắt đầu đổ bộ vào. Gió thổi từ đằng đông lùa vào rất mạnh. Trước đó chúng tôi nghe báo bão số 1 sức gió chỉ cấp 6 – 7, giật cấp 8 – 9. Nhưng khi bão vào sức gió rất mạnh nên chúng tôi không kịp trở tay. “Đến khoảng 3 giờ sáng ngày 28.7, 100 cái lồng của chúng tôi đã bị những con sóng to quá đầu người nhấn chìm, rồi ép bẹp dúm lại. Những mối hàn bong ra, dây neo cũng bị giật đứt và cả 100 cái lồng đã bị sóng đánh trôi về phía thượng nguồn”- ông Tráng đau xót nói.
“Không phải là lồng bè bị trôi theo dòng nước, mà bị đánh trôi ngược, đủ biết lực gió mạnh như thế nào. Sáng hôm qua (28.7), bão ngớt, chúng tôi đi tìm, thì thấy các lồng bè bị trôi dạt vào bờ, có lồng trôi xa nhất cách khoảng 7km” – ông Tráng cho biết thêm.
Theo ông Tráng, 100 lồng bè cá bị trôi, mất trắng này là tài sản của ông và ông Phan Đình Chiểu, ông Phan Văn Cảnh chung nhau và đã nuôi được 6 năm nay. Vị trí lồng bè nằm ở xã Vũ Đoài (Vũ Thư, Thái Bình). “100 lồng bè chúng tôi đang nuôi khoảng 200 tấn cá. Chỉ sau một đêm, gia sản hơn 30 tỷ đồng đã bị đổ xuống sông, đau xót quá” – ông Chiểu rầu rĩ.
Không chỉ có vậy, ông Tráng còn có 40 lồng bè chung với ông Nguyễn Văn Tung và ông Trần Anh Tuấn, ở xã Xuân Châu nữa. Trong đó có 9 lồng bị cuốn trôi mất trắng, 16 lồng bị nhấm chìm, hư hỏng, tổng thiệt hại khoảng 60 tấn cá thịt (cá lăng, diêu hồng), thiệt hại khoảng 4 tỷ đồng và khoảng 30 vạn cá giống, thiệt hại khoảng 900 triệu đồng.
"Mất tất cả rồi"
Trao đổi với chúng tôi, hầu hết hộ bị thiệt hại về thủy sản do bão số 1 gây ra đều thất thần, cay đắng. “Thông tin dự báo bão rất sơ sài khiến chúng tôi chủ quan dẫn tới thiệt hại do bão quá nặng nề” – bà Thục, vợ ông Tráng nói.
Rời Xuân Trường, chúng tôi tìm về các xã Giao Phong, Giao Thiện, Giao Xuân, Bạch Long… (Giao Thủy). Tại đây có đến hàng trăm chiếc lều trông coi tôm, ngao bị bão đánh sập tan hoang. Ông Phan Văn Thực – Trưởng phòng NNPTNT huyện Giao Thủy cho biết, tính đến chiều 29.7, huyện Giao Thủy có 500 lều chòi bị sập đổ, tốc mái. 500ha ngao bị sóng đánh tràn hết ngao ra biển. 400ha nuôi tôm trong đê, bị sóng nước san phẳng, tôm cá trôi ra biển hết và khoảng 1.200ha diện tích nuôi tôm, cua tự nhiên, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Cửu ở xã Giao Xuân, một trong các hộ bị thiệt hại lớn về ngao cho hay: “Diện tích nuôi ngao của cả vùng đều nằm ngoài bãi. Bình thường các bãi sẽ được ngăn với nhau bởi một hàng rào lưới. Nhưng khi bão vào, sóng đánh tung hết, ngao các bãi của các hộ lẫn lộn vào nhau, rồi bị cuốn trôi tuột ra biển hết. “Chỉ còn hơn tháng nữa là ngao của gia đình tôi có thể thu hoạch được. Vậy mà đành ngậm ngùi trắng tay” – ông Cửu than thở.
Bà Phạm Thị Dầu- Phó Chủ tịch UBND xã Giao Xuân cho biết, cả xã có tới 300ha nuôi ngao gần như mất trắng, 40ha nuôi tôm, cá thiệt hại ước tính 50% và còn nhiều thiệt hại khác chưa thống kê được hết.
Tại xã Giao Phong, Bạch Long và thị trấn Quất Lâm, hàng trăm hộ dân nuôi tôm trong đê bỗng chốc trắng tay như hộ ông: Trần Văn Tẩy, Cao Văn Tranh, Cao Văn Ba, Cao Văn Đề, Nguyễn Văn Quyết… Chỉ tay về phía những vuông tôm nước lênh láng, ông Đề mếu máo: “Sóng đánh vào, nước san phẳng tất cả các vuông tôm với nhau. Không biết trong ao của mình còn sót lại con nào không. Bao nhiêu vốn liếng tôi dốc hết vào đây rồi. Giờ tôi mất tất cả rồi, lấy gì mà sống đây?”.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường: Bằng mọi cách phải cứu lúa
Ưu tiên trước mắt hiện nay là phải tập trung cứu các diện tích lúa bị ngập úng tại các tỉnh Nam Định, Thái Bình. Hai tỉnh này là những khu vực trọng điểm về trồng lúa của Bắc Bộ, do đó nếu không ứng cứu kịp thời sẽ ảnh hưởng đến năng suất của khu vực này. Yêu cầu Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Cục Trồng trọt cử ngay người xuống hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp kỹ thuật cụ thể để khôi phục lúa sau ngập úng và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để bà con làm theo.
|