Phường Ninh Hà, TX Ninh Hòa có diện tích ao nuôi lên đến gần 500ha. Hiện nhiều ao bỏ trống, máy sục đảo oxy nằm chỏng chơ trong ao đã cạn nước như báo hiệu một mùa thất bát.
Chuyện tưởng như đùa, nhưng đó là những tâm sự từ đáy lòng của người nuôi tôm thẻ chân trắng ở Khánh Hòa hiện nay khi nuôi tôm ngày càng khó khăn.
Nghề nuôi tôm thẻ chân trắng phát triển khá rầm rộ từ những năm thập niên 90 trở về trước. Khi đó người có tiền mới đầu tư nuôi tôm và chỉ có nuôi tôm mới nhanh chóng đổi đời. Thế nhưng từ năm 2001 trở về sau, tôm nuôi phát sinh dịch bệnh và có chiều hướng lao dốc...
Trúng là trời cho, trượt là... trò chơi
Phường Ninh Hà, TX Ninh Hòa có diện tích ao nuôi lên đến gần 500ha. Hiện nhiều ao bỏ trống, máy sục đảo oxy nằm chỏng chơ trong ao đã cạn nước như báo hiệu một mùa thất bát. Ông Huỳnh Bé có thâm niên nuôi tôm gần 20 năm thở dài ngao ngán. Ông cho biết, nuôi tôm bây giờ như mua vé xổ số. Nếu được mùa người nuôi sẽ như trúng số độc đắc, còn thất bại như kẻ trắng tay.
Ông Bé tâm sự nuôi tôm bây giờ khó lắm
“Nguyên nhân do người nuôi tôm liên tục thua lỗ. Dịch bệnh hoành hành kéo dài từ năm này sang năm khác mà không có hồi kết nên người nuôi chán nản bỏ ao hoặc cho người khác thuê mướn. Gia đình tôi trước năm 2009 nuôi tôm thâm canh quy mô lớn, nhưng càng nuôi càng lỗ rồi cạn vốn phải chuyển sang nuôi quảng canh. Nếu có sự cố cũng chỉ mất vài triệu bạc, còn lời cũng đủ kiếm được ngày công lao động, chứ giờ cũng không biết việc gì để làm”, ông Bé tâm sự.
Nhiều người nuôi tôm thua lỗ phải rời ao bỏ đi tứ xứ kiếm việc khác để mưu sinh, nhưng cũng có người luôn ấp ủ làm giàu. Chỉ cần có người thông báo cho thuê ao đã có người khác nhảy vào. Ông Trần N cho biết vừa mới thuê 7 sào (2 ao) với giá 9 triệu đồng/năm của người chủ trước.
“Do vừa thả nuôi nên tôi không biết kết quả như thế nào. Nhưng thấy những hộ xung quanh vừa rồi nuôi tôm chết quá trời vì dịch bệnh nên tôi cũng e ngại”, ông N chia sẻ.
Ông Trần Quang Chính, Chủ tịch UBND phường Ninh Hà chia sẻ, địa phương vẫn chưa tìm ra được giải pháp nào khả thi để giúp người nuôi tôm. Nhiều năm trước xã đều khuyến cáo người nuôi thả giống có nguồn gốc nhưng tôm vẫn chết. Các ao nuôi tự phát nên hệ thống kênh mương không có ao cấp, thoát riêng biệt. Hiện chỉ có vùng Công Xi là được quy hoạch nhưng cũng chưa được đầu tư bài bản. Muốn có vùng nuôi an toàn phải đầu tư quy hoạch rõ ràng nhưng kinh phí lớn hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng... |
Theo một cán bộ UBND phường Ninh Hà, toàn phường có gần 500ha ao nuôi tôm, trong 5 năm gần đây số hộ thắng là rất ít. Năm nay họ đã thả đến vụ thứ 2, tuy nhiên chỉ có 10/300 hộ có lãi và lãi cũng không nhiều.
Không tin tưởng con giống
Khảo sát cho thấy người nuôi nơi đây chủ yếu thả giống trôi nổi trên thị trường chứ không thả giống có nguồn gốc, uy tín như được cơ quan chức năng và chính quyền địa phương khuyến cao.
Ông Huỳnh Bé cho biết, do liên tục thua lỗ nên người nuôi giờ cụt vốn, hết tiền xoay sở để đầu tư. Hơn nữa bà con cũng không tin tưởng giống, tôm thả nuôi được vài tuần chết như thường.
“Cty nói tôm chất lượng chúng tôi biết vậy chứ kiểm nghiệm được đâu. Nếu tôm chất lượng kháng được bệnh thì tại sao thằng cháu của tôi vừa thả nuôi chưa được 1 tháng đã chết sạch, thiệt hại hàng chục triệu đồng”, ông Bé ngao ngán nói.
Còn anh Phạm Huỳnh Hoan, cùng tổ dân phố với ông Bé cũng nuôi tôm ở khu vực Hòn Hoải bức xúc: “Từ trước đến nay tôi thả nhiều loại giống của các Cty. Trong quá trình nuôi thấy con giống như nhau cả, chưa chắc giống nào tốt hơn giống nào.
Nhiều người thả nuôi giống tôm trôi nổi nhưng rất đạt, nhưng cũng có người thả tôm chất lượng thì lại chết. Vừa rồi tôi thiệt hại gần 30 triệu đồng giống của Cty có uy tín nên cũng khó hiểu nguyên nhân”.
Nhiều hộ nuôi thua lỗ vì tôm dịch bệnh
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, cán bộ phụ trách sản xuất nông nghiệp phường Ninh Hà cũng thừa nhận những năm qua nhiều người nuôi tôm ở địa phương thả giống trôi nổi là có lý do, bởi họ thiếu vốn đầu tư cộng với các Cty có khuyến mãi...
Cũng theo bà Hương, hệ thống kênh mương cấp thoát nước trong nuôi trồng cũng chưa được quy hoạch chi tiết. Khi có hộ nuôi tôm bị dịch bệnh xả thẳng ra môi trường kéo theo các hộ khác bị “dính” theo. Ngoài ra việc nuôi tôm thất bát còn do biến đổi khí hậu, nắng nóng kéo dài, ô nhiễm môi trường nước...
Rời Ninh Hà, chúng tôi hiểu được nỗi lòng của người nuôi tôm, cũng như câu nói ông Chủ tịch phường, nuôi tôm giờ đây hộ lãi nhiều nhất đến trăm triệu là giỏi lắm rồi, bởi nuôi quảng canh thì chỉ được có thế thôi...