Lý Sơn mất mùa hành, tỏi: Cần hỗ trợ nông dân tìm giải pháp
13:46 - 31/08/2016
(TNNN) - Những năm qua, cây tỏi và cây hành tím của Lý Sơn được xem là loại cây trồng truyền thống, mang lại nguồn thu nhập khá lớn cho hàng ngàn nông dân của đảo. Do có những đặc tính phù hợp với vùng đất nơi đây, hai loại cây này được người dân huyện đảo rất coi trọng, xem như nguồn kinh tế chủ lực và làm nên thương hiệu cho địa phương.
|
Vụ hành, tỏi năm nay của dân đảo Lý Sơn bị thiệt hại nặng do mất mùa |
Tuy nhiên, trong vụ tỏi Đông- Xuân vừa qua, người nông dân đã phải đối diện với một mùa tỏi thua lỗ nặng nề, nguyên nhân do nhiều yếu tố bất lợi như: Mất mùa, sụt giảm sản lượng, ảnh hưởng của dịch bệnh và sự bất thường của thời tiết. Được biết, đã có khoảng 70% diện tích trồng tỏi bị thối gốc, chết khô do dịch bệnh.
Do tỏi bị mất mùa nặng, cá biệt còn có những vùng mất trắng, tổng sản lượng tỏi của toàn huyện thu hoạch được tính ra chỉ bằng 1/3 sản lượng của niên vụ trước. Người nông dân bị thiệt hại rất nhiều, thậm chí có hộ lên đến hàng trăm triệu đồng, nhiều gia đình đang rơi vào cảnh trắng tay.
Cây tỏi từ lúc trồng cho đến khi thu hoạch mất thời gian khoảng từ 5- 6 tháng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nông dân sẽ chỉ trồng được một vụ tỏi/năm. Như vậy, nếu bị mất mùa nghĩa là người dân sẽ mất gần nửa năm không có thu nhập gì. Ngoài giá trị kinh tế, cây tỏi còn được ví như “vàng trắng”, là cây trồng đặc sản nổi tiếng của vùng không chỉ ở trong nước mà ở cả nước ngoài.
Theo UBND huyện Lý Sơn, hiện toàn đảo có 336 ha tỏi, năng suất trung bình trước kia đạt khoảng 60 tạ/ha. Ngoài nghề đánh bắt xa bờ, nhiều hộ dân trên đảo vẫn đang sinh sống nhờ vào nghề trồng tỏi. Có hơn 60% bà con nông dân sản xuất nông nghiệp, trong đó, tỏi là cây trồng chủ lực và đem lại nguồn thu chính phục vụ đời sống người dân. Bên cạnh việc bị thiệt hại nặng về kinh tế, nông dân còn lo lắng về chất lượng cây giống cho vụ sau vì trong số tỏi ít ỏi vớt vát được thì phẩm chất rất kém, không thể dùng làm giống được.
Mất mùa tỏi, đời sống nhiều hộ nông dân ở Lý Sơn đang gặp khó khăn, hiện nay bà con lại đang bắt tay vào chuẩn bị làm đất cho vụ tỏi mới. Nhiều hộ đang băn khoăn và lo lắng vì không biết phải xoay sở vốn thế nào để có thể đảm bảo đầu tư ban đầu. Bà con cho biết, chỉ riêng vấn đề mua giống tỏi tại địa phương, mỗi sào cần tới 70 kg tỏi giống với giá 120.000 đồng/kg, tức là hơn 8 triệu đồng/sào tỏi. Do mất mùa nên hiện nay vấn đề tỏi giống để đáp ứng nhu cầu trồng cho vụ tới cũng đang hết sức nan giải.
Theo lão nông Dương Hiền (70 tuổi), ở thôn Tây- xã An Hải buồn rầu cho biết, gắn bó với huyện đảo gần hết cả cuộc đời nhưng chưa năm nào ông phải chứng kiến một mùa tỏi mà hầu như đám nào cũng bị thiệt hại lên tới hơn 50%. Nhà ông có bốn sào tỏi, trung bình cũng cho thu về được gần 2 tấn/ vụ. Vậy mà đến vụ này, gia đình chỉ thu được có hơn 500 kg, đã thế lại toàn tỏi bị hỏng củ rất khó bán.
Nhiều nông dân trồng tỏi lâu năm trên đảo cho rằng, việc tỏi năm nay mất mùa không chỉ diễn ra ở một hộ hay một cánh đồng mà hầu như khắp cả đảo, nhà ai cũng bị mất mùa nặng thế này. Nơi được xác định là thiệt hại nặng nề nhất là đảo Bé thuộc xã An Bình.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện, vụ năm nay, toàn đảo Bé xuống giống 25 ha tỏi, song sản lượng thu hoạch chỉ bằng 1/3 niên vụ trước. Theo những nông dân có kinh nghiệm cho hay, việc tỏi Lý Sơn năm nay mất mùa xuất phát từ thời điểm đầu mùa vụ, khi xuất hiện nhiều đợt sương muối và dịch rầy nâu hoành hành.
Thêm vào đó, tình hình nắng hạn kéo dài suốt khoảng thời gian đầu năm cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các loại bệnh tuyến trùng rễ và các loại sâu bệnh phát triển mạnh trên diện rộng. Việc phòng trừ sâu bệnh do đó càng gặp thêm nhiều khó khăn.
Đối với người dân ở Lý Sơn, lâu nay, việc trồng tỏi chỉ biết dựa vào những kinh nghiệm truyền thống. Do đó, cách thức áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho cây tỏi theo đúng quy trình khoa học còn gặp rất nhiều hạn chế. Chính vì lẽ đó, khi thấy dịch bệnh rầy nâu tấn công, bà con vô cùng lúng túng và không biết phải làm như thế nào.
Khó khăn của người dân càng thêm chồng chất khi vừa qua vụ tỏi phải chịu cảnh mất mùa thì nay lại đến lượt vụ hành tím đang trồng cũng bị sâu bệnh, đặc biệt là hiện tượng dòi đục lá gây hại. Người dân đang cố tìm mọi cách để mong diệt trừ được sâu bệnh trên hành, tỏi nhằm thoát cảnh mất mùa nhưng vẫn chưa tìm được giải pháp cụ thể nào.
Với gần 100 ha hành được trồng mới thì đã có tới 50% diện tích xuất hiện sâu bệnh gây hại, trong đó có 5 ha bị hư hại ở mức độ nặng. Hai loại sâu bệnh gây hại chủ yếu là dòi đục lá và sâu xanh da láng. Dù đã tìm đủ mọi cách để phòng trừ nhưng hiện người dân vẫn chưa thể ngăn chặn triệt để được nạn sâu bệnh gây hại trên đồng.
Theo ông Ngô Văn Hồng- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lý Sơn cho biết, thời gian trước Tết, huyện cũng đã mời một số kỹ sư ở tỉnh An Giang và Công ty Khử trùng Việt Nam về nghiên cứu và hướng dẫn bà con loại trừ bệnh trên tỏi, nhưng vẫn không ăn thua. Nguyên nhân là do vụ tỏi vừa qua xuất hiện loại bệnh rầy mới, có khả năng gây bệnh nhanh, chỉ sau một đêm mưa hoặc sương là cả ruộng tỏi đã vàng lụi. Đến nay, điều khiến nông dân lo lắng nhất chính là vẫn chưa có thuốc đặc trị để trừ loại rầy mới này.
Nhìn thành quả lao động của mình đến ngày thu hoạch gần như mất trắng, người nông dân chỉ còn biết than ngắn thở dài. Thế nhưng, mặc dù bị mất mùa nhưng giá bán của hành, tỏi hiện nay trên thị trường vẫn không hề tăng. Điều này càng khiến nhiều nông dân thêm lo lắng về những vụ mùa tỏi tiếp theo trước cảnh dịch bệnh và sự thay đổi bất thường của thời tiết.
Theo bà Phạm Thị Hương- Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn cho biết, huyện sẽ gấp rút chỉ đạo các phòng chức năng khảo sát, đánh giá và đưa ra số liệu thống kê cụ thể, chính xác về diện tích thiệt hại trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, mau chóng xác định bệnh mẫu trên cây trồng để có hướng phòng trừ hiệu quả. Ngoài ra, huyện cũng sẽ tuyên truyền, vận động nông dân tiếp tục trồng hành, tỏi trong vụ mùa tới kết hợp trồng xen canh với các cây hoa màu khác như lạc, ngô… để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng này.
Vũ Thanh