Nông dân bức xúc trước vấn nạn phân bón giả
18:29 - 27/09/2016
(TNNN) - Từ nhiều năm nay, tình trạng sản xuất, buôn bán phân bón giả, phân bón kém chất lượng đang ngày càng có chiều hướng diễn biến phức tạp. Vấn nạn này đã gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân cũng như các doanh nghiệp sản xuất phân bón làm ăn chân chính.
Cần phải giám sát chặt chẽ các cơ sở sản xuất và kinh doanh phân bón để đảm bảo quyền lợi của người nông dân

Theo con số thông kê của Bộ Nông nghiệp & PTNT, hiện nay trên thị trường có tới 50% là phân bón giả hoặc phân bón kém chất lượng. Điều này cũng đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến ngành nông nghiệp nói chung. Ước tính thiệt hại do phân bón giả, kém chất lượng khoảng 2,6 tỷ USD mỗi năm. Con số này gần bằng 1/10 dự trữ ngoại hối của Việt Nam.


 
Đó là chưa kể đến những tác động lâu dài trong các năm sau đó vẫn còn tiếp tục ảnh hưởng đối với con người và xã hội. Trung bình mỗi năm, ngành Quản lý thị trường trong cả nước bắt giữ hơn 3.000 vụ phân bón giả, kém chất lượng. Chỉ tính riêng trong năm 2015, các cơ quan chức năng đã phát hiện và tịch thu tới hơn 1.000 tấn phân bón giả ở nhiều nơi trên cả nước. Tuy nhiên, theo ý kiến của rất nhiều nông dân, đó mới chỉ là con số bề nổi, đang còn rất nhiều vụ việc vi phạm khác vẫn chưa bị phát hiện.


 

Có thể nói, phân bón chiếm khoảng 50% chi phí đầu vào trong lĩnh vực trồng trọt và cũng là yếu tố rất quan trọng, quyết định đến năng suất, chất lượng của nông sản. Tuy nhiên, để phân biệt được đâu là phân bón thật, đâu là phân bón giả lại không phải việc làm dễ dàng. Từ thực tế trên cho thấy, đây vẫn đang là vấn đề nhức nhối đối với các cơ quan quản lý và mỗi khi nhắc đến tình trạng này, bất cứ người nông dân nào cũng bày tỏ sự lo lắng, bức xúc vô cùng.


 

Tại Nghệ An và Yên Bái, có những loại phân lân khi đem bón vào gốc cây mà tới tận ba tháng sau vẫn thấy còn nguyên hạt, không tan. Cũng tại Nghệ An, hơn 100 tấn phân NPK được bán cho dân trồng mía, vậy mà khi đem sử dụng lại làm cây mía cháy hết lá, gây thiệt hại nặng nề cho người dân. Phải tới khi cơ quan chức năng lấy mẫu đi kiểm tra thì kết quả mới vỡ lẽ rằng thành phần dinh dưỡng cao nhất chưa đến 10% so với mức được công bố trên bao bì.
 


Hay sự việc mới đây nhất, có tới 20 tấn phân bón giả vừa bị bắt giữ tại tỉnh Lâm Đồng. Các đối tượng xấu đã thu mua một số mặt hàng phân bón có uy tín, sau đó đem chia nhỏ và pha trộn với nhiều loại hóa chất không rõ nguồn gốc rồi đem đóng vào bao thành những thương hiệu riêng để bán kiếm lời… Hoặc vào thời điểm năm ngoái, ngành nông nghiệp của tỉnh Tây Ninh sau khi lấy 7 mẫu phân bón đem đi xét nghiệm, cũng đã phát hiện có tới 4 mẫu không đạt tiêu chuẩn.


 
Thêm vào đó, trong quá trình kiểm tra, kiểm soát đối với lĩnh vực phân bón hiện nay còn cho thấy có rất nhiều bất cập. Chẳng hạn như đối với ngành nông nghiệp, vốn am hiểu về nông nghiệp và gần gũi với bà con nông dân hơn cả thì lại chỉ được giao quản lý có 10% tỷ lệ phân bón. Trong khi đó, ngành Công thương, hiện được giao quản lý đến 90% lại không có chuyên môn về lĩnh vực này. Tất cả đang tạo ra những kẽ hở khiến cho nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng mặc sức hoành hành.

 

 

Theo ông Đỗ Thanh Lam- Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết, hiện nhu cầu về phân bón của nước ta đang rất lớn nên có nhiều đối tượng xấu tìm mọi cách sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng nhằm trục lợi. Bức xúc khi phải thừa nhận tình trạng phân bón giả, kém chất lượng còn biểu hiện ở việc ghi nhãn mác hết sức mập mờ, dễ gây hiểu lầm, “sản xuất bằng cuốc, xẻng mà ghi là công nghệ Mỹ”- Ông Lam nói.

 
Thủ đoạn phổ biến là các cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ sử dụng nguyên liệu sản xuất từ đất sét, xỉ than, bột đá… những thứ không nằm trong thành phần phân bón và không hề có tác dụng gì. Đáng lo ngại hơn, có một số nơi thậm chí còn dùng cả những chất gây hại cho đất, cây trồng để phối trộn thành phân NPK; sau đó cho đóng bao bì, dán nhãn mác của các nhà sản xuất đã có tiếng để lừa người tiêu dùng.

 
TS Nguyễn Đăng Nghĩa- Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới mạnh dạn chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân khiến cho thực trạng phân bón giả hoành hành là do các cơ quan nhà nước, cơ quan quản lý chưa có những cải cách triệt để. Chẳng hạn như: Chưa có quy định cụ thể nào ghi rõ phân bón kém chất lượng bao nhiêu phần trăm thì được xem là phân bón giả.


 
Mặc dù cũng đã có Nghị định quy định mức xử phạt đối với những hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón giả. Tuy nhiên, do mức xử phạt quá nhẹ, không đủ sức răn đe, trong khi lợi nhuận kiếm được từ việc làm gian dối này quá cao. Do đó, những người làm phân bón giả sẵn sàng nộp phạt vì tiền thu lợi được từ việc bán phân bón giả còn cao hơn gấp nhiều lần so với số tiền bị phạt.

 
Một thực tế, trong những năm gần đây, thông qua việc kiểm tra đột xuất chất lượng những loại phân bón đang sản xuất và lưu hành trên thị trường, Bộ Nông nghiệp & PTNT cũng đã phát hiện có đến gần 50% số mẫu phân bón không đạt chỉ tiêu chất lượng như đăng ký và công bố ghi trên nhãn bao bì.


 
Tình trạng phân bón giả, kém chất lượng không chỉ gây thiệt hại cho nông dân mà ngay cả những doanh nghiệp sản xuất phân bón chân chính cũng bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng. Để giải quyết triệt để vấn nạn này, trước hết, các doanh nghiệp sản xuất phân bón cần tăng cường việc đầu tư máy móc, thiết bị nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ thương hiệu của mình. Đồng thời, từng bước dần xóa bỏ các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, sản xuất hàng giả kém chất lượng.

 
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường việc kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón trên thị trường hơn nữa. Đặc biệt, phải xử lý thật nghiêm các trường hợp vi phạm, kinh doanh, buôn bán phân bón giả, kém chất lượng. Các đơn vị truyền thông, đoàn thể cần tăng cường công tác tuyên truyền để giúp hội viên, nông dân nhận biết được hàng thật - hàng giả cũng như tác hại của phân bón giả, kém chất lượng...


 
Bà con nông dân cũng nên thường xuyên truy cập vào trang web của Bộ Công thương tại địa chỉ “Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương” để nghiên cứu, tìm hiểu những loại phân bón, các nhà máy sản xuất có uy tín hoặc trực tiếp liên hệ với nhà máy để có thông tin trước khi mua. Mỗi khi mua và sử dụng phân bón đều cần chú ý việc phải lưu lại hóa đơn, bao bì. Theo TS. Nguyễn Đăng Nghĩa còn có lời khuyên hiệu quả đối với bà con nông dân: Không nên bón hết lượng phân mua mà cần phải để lại một ít cùng với vỏ bao bì, nhãn mác để phòng khi xảy ra sự cố còn có bằng chứng.

 
Được biết mới đây, Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị định có chế tài mạnh đối với các cơ sở vi phạm trong lĩnh vực sản xuất phân bón giả và đại lý kinh doanh, trong đó có việc tước giấy phép hoạt động sản xuất kinh doanh. Mong rằng thời gian tới, vấn nạn này sớm được khắc phục để người nông dân giảm bớt được gánh nặng và những nỗi lo.
 

 

Anh Thơ
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo