Cá đông lạnh 'đóng băng', 'trùm hải sản' mấp mép bờ vực phá sản
15:29 - 22/09/2016
Theo thống kê chưa đầy đủ của xã Thạch Kim, toàn bộ 13 hộ kinh doanh cá đông lạnh của xã đều đang ôm những khoản nợ khổng lồ. Hộ ít vay 2 - 3 tỷ đồng, hộ nhiều lên đến hơn 10 tỷ. Họ đang đứng bên bờ vực phá sản vì cá đông lạnh “đóng băng” gần 6 tháng nay.
Hơn 4 tỷ đồng tiền hàng của ông Toàn mỗi tháng phải gánh hàng chục triệu đồng tiền lãi, tiền điện

Bị tẩy chay vì mang tiếng "cá Hà Tĩnh"

Cảng Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) là nơi quy tụ nhiều kho đông lạnh nhất tỉnh Hà Tĩnh. Chừng một năm về trước nơi đây nhộn nhịp kẻ bán, người mua từ sáng tinh mơ đến khuya muộn. Ngày ngày, những chuyến xe chất đầy cá, mực hối hả chuyển hàng đến nhiều vùng quê trong và ngoài tỉnh tiêu thụ.

Từ vùng quê nghèo khó mặn chát vị biển những ngôi nhà hai tầng, ba tầng khang trang, bề thế mọc lên san sát, đường sá đi lại được bê tông sạch đẹp nhờ lợi nhuận hoạt động kinh doanh thủy hải sản.

Đùng một cái nhịp sống hối hả bị dập tắt vì sự cố Formosa xả thải ra môi trường. Hải sản tươi sống rớt giá thảm hại chứ chưa nói đến kinh doanh đông lạnh. Những ông “trùm” từng được mệnh danh “đại gia”, vốn liếng hàng chục tỷ đồng nay cũng đứt gánh giữa đường, mấp mé bờ vực phá sản.

Chiều mưa tầm tã. Ngồi bó gối trong ngôi nhà nhỏ cũng là kho chứa hàng chục tấn cá nằm im lìm từ mấy tháng nay, ông Nguyễn Minh Bình, chủ kho đông lạnh Bình Minh không nén nổi tiếng thở dài: “Cá “đóng băng” cả mấy tháng nay, không xuất được cũng chẳng dám nhập. Giờ biết lấy chi trả lãi ngân hàng, trả tiền điện hàng tháng đây?”.

Vợ chồng ông Bình trước đây làm nghề buôn bán cá nhỏ lẻ ở cảng cá Cửa Sót, sau nhiều năm làm lụng vất vả cũng dắt lưng được chút vốn liếng. Hai vợ chồng bàn bạc với nhau thế chấp nhà cửa vay thêm ngân hàng mở kho đông lạnh. Thế nhưng, kho hoạt động chưa được bao lâu thì sự cố môi trường biển ập đến khiến gia đình ông lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.

“Để xây dựng cơ sở đông lạnh này, tôi phải đem toàn bộ tài sản đi thế chấp vay 2,3 tỷ đồng từ Ngân hàng Công thương. Vẫn không đủ, tôi vay bên ngoài hơn 1 tỷ nữa với lãi suất gấp đôi lãi ngân hàng. Bây giờ tính ra mỗi tháng gia đình tôi phải trả hơn 20 triệu tiền lãi và khoảng 10 triệu tiền điện, trong khi nghề chính “chết yểu”, nghề phụ không có. Cứ ngồi nhìn vào kho thế này, kiếm bữa ăn qua ngày còn khó lấy tiền đâu mà trả lãi ngân hàng chứ”, ông Bình buồn bã.

17-19-46_1
Dù đã được chứng nhận an toàn nhưng hơn 1.000 tấn cá đông lạnh ở Thạch Kim vẫn không thể bán được

 

Ngồi bên cạnh, vợ ông Bình tiếp lời: “Khi chưa xảy ra sự cố Formosa, đường về Thạch Kim tấp nập xe cộ ra vào mua bán từ 4 giờ sáng. Riêng cơ sở của vợ chồng tôi bình quân ngày bán từ 2 - 2,5 tấn cá, thu về hàng trăm triệu đồng. Ấy vậy mà giờ ngồi cả ngày chẳng có một bóng người đến mua, vợ chồng chỉ nhìn nhau than ngắn thở dài”.

Hiện trong kho của gia đình ông Bình tồn đọng khoảng 80 tấn cá gồm: 20 tấn cá gai và 60 tấn cá nhập khẩu từ Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… Theo ông Bình, cá nhập khẩu từ các nước đều đảm bảo an toàn nhưng vì ảnh hưởng của sự cố môi trường nên hễ nói đến cá xuất từ Hà Tĩnh là bạn hàng tẩy chay ngay.

Bán buôn không được, người dân chuyển sang bán lẻ tại các chợ đầu mối: “Sau khi được Chi cục VSATTP Hà Tĩnh lấy mẫu đi xét nghiệm và công nhận cá đảm bảo an toàn nhưng đem ra chợ bán người ta nói “tem này mua đâu chả được”. Vợ chồng tôi lại ngậm ngùi đưa cá trở về cất lại kho”, vợ ông Bình ngán ngẩm.

17-19-46_4
Ông Nguyễn Minh Bình hiện đang gánh số nợ hơn 3,3 tỷ đồng

 

Chung cảnh ngộ, chị Trần Thị Hoa, Chủ nhiệm HTX Hùng Mạnh cho biết, HTX có gần 10 tấn cá xác định nhiễm độc từ biển nhưng đã 6 tháng trôi qua, cơ quan chức năng vẫn chưa tiến hành giải quyết đền bù khiến HTX lỗ nặng. Cơ chế vận hành của kho đông lạnh phải bán ra mua vào liên tục, nhưng do sự cố, hơn 40 tấn cá của HTX đảm bảo an toàn vẫn nằm im lìm trong kho vì thị trường ế ẩm.

 

Số phận 13 chủ kho đông lạnh khác ở xã Thạch Kim hiện đều rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, không có lối thoát.

 

Gặp khó vì 'thương' ngư dân

Theo thống kê chưa đầy đủ của xã Thạch Kim, toàn bộ 13 hộ kinh doanh cá đông lạnh của xã đều đang ôm những khoản nợ khổng lồ. Hộ ít vay 2-3 tỷ đồng, hộ nhiều lên đến hơn 10 tỷ.

Ông Trần Văn Toàn (SN 1959), người có thâm niên hơn 10 năm kinh doanh cá đông lạnh thở dài: “Khi sự cố môi trường xảy ra, lãnh đạo tỉnh xuống vận động chúng tôi thu mua cá cho dân chúng tôi rất sẵn lòng. Nhưng đến bây giờ mới thấm cái khổ, mình cứu bà con nhưng không ai cứu mình”.

Trước khi Formosa xả thải đầu độc biển, kho Toàn Tứ thu mua 60 tấn cá các loại, sau khi có chỉ đạo từ tỉnh Hà Tĩnh, ông Toàn thu mua thêm hơn 70 tấn cá, mực chống ế cho dân. Những tưởng hàng sẽ xuất bán được, không ngờ thương lái quay lưng với hải sản Hà Tĩnh, 137 tấn cá của ông nằm chất kho từ bấy đến nay.

Ông Toàn cho hay, để đầu tư, duy trì kho đông lạnh 10 năm qua, gia đình ông phải “cắm” 4 cái sổ đỏ, mượn thêm anh em bạn bè 3 cái nữa mới vay được 2,6 tỷ đồng từ Ngân hàng NN-PTNT. Năm 2015, 2016 để có vốn thu mua cá ông vay lãi ngoài thêm 2 tỷ với lãi suất 1,3%. Kết quả buôn bán lời đâu chưa thấy, hiện hơn 4 tỷ tiền hàng của gia đình ông đã “đóng băng” trong kho hơn 6 tháng ròng.

“Lãi ngân hàng có thể xin chậm nhưng mỗi tháng 15 triệu đồng tiền lãi vay bên ngoài thì bất di bất dịch, dù không làm ra cũng phải vay nơi này đập nơi kia”, ông Toàn nói.

Hiện bình quân mỗi tháng ngoài tiền vay lãi ngoài 15 triệu đồng, cơ sở Toàn Tứ còn phải đóng 20 triệu tiền điện và gần 18 triệu đồng tiền lãi ngân hàng.

Khi nói về lộ trình trả nợ ông Toàn cười chua chát: “Tôi chỉ gắng để lấy mấy cái bìa đỏ mượn của anh em, bạn bè về chứ bìa của mình dễ mà đến nước ngân hàng đến xiết nợ lắm”.

17-19-46_3
Ngoài tẩy chay cá đông lạnh, việc xuất bán cá tươi ở Thạch Kim nói riêng, Hà Tĩnh nói chung cũng đang cực kỳ khó khăn

 

Bi đát hơn ông Toàn, chủ cơ sở đông lạnh Hải Phượng là anh Nguyễn Hồng Phượng đánh cược một phen vay 10 tỷ đồng kinh doanh hải sản. Cơ sở này thường xuyên cung cấp hàng sỉ, lẻ cho các nhà hàng từ Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đến Cửa Lò (Nghệ An) và các tỉnh phía Bắc. Trước đây, bình quân mỗi ngày ngoài nhập sỉ cho các nhà hàng, cơ sở Hải Phượng còn bán lẻ hàng tấn cá, mực, thu về trên 200 triệu đồng. Tuy nhiên, sau sự cố môi trường cả mấy tháng liền hàng hóa không có khách hàng nào đoái hoài đến.

Hiện tại, kho đông lạnh gia đình anh Phượng vẫn còn tồn đọng 40 tấn mực và 50 tấn cá, với tổng vốn gần 10 tỷ đồng. Theo anh Phượng, sau khi xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt, tỉnh có chủ trương chỉ đạo doanh nghiệp thu mua cá cho ngư dân để ổn định tình hình. Gia đình anh vay thêm 2 tỷ đồng mua cá giúp dân, tuy nhiên số cá này hiện không bán được và tỉnh cũng chưa có chính sách hỗ trợ gì. Tình trạng này kéo dài khiến các kho đông lạnh vốn đã ngắn vốn nay càng bi đát hơn.

Với số tiền vay hơn 10 tỷ đồng, mỗi tháng anh Phượng đang phải trả gần 100 triệu tiền lãi. Vấn đề nan giải là giờ khả năng trả lãi cũng không có chứ chưa nói gì đến trả nợ gốc.

“Nhìn nhà khang trang đầy đủ tiện nghi vậy nhưng tôi “cắm” ngân hàng từ lâu rồi. Sắp tới cá không bán được, ngân hàng đến xiết nợ cả gia đình không biết sống ở đâu”, khuôn mặt anh Phượng hiện rõ vẻ lo lắng.

THANH NGA - TÂM ĐAN
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo