Hội Nông dân Hà Nội vận động hội viên sản xuất nông nghiệp an toàn
16:43 - 20/09/2016
(TNNN)- Chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) đang là vấn đề quan tâm của toàn xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của con người và nòi giống dân tộc. 
Hội Nông dân Hà Nội vận động hội viên sản xuất nông nghiệp an toàn (Ảnh minh họa, nguồn Internet)

Thực phẩm bẩn rất đa dạng về chủng loại, từ rau, củ, quả tồn dư quá mức thuốc bảo vệ thực vật; thịt gia súc, gia cầm tươi sống được nuôi bằng thức ăn pha trộn chất tăng trọng, tạo nạc; thực phẩm công nghệ dùng chất phụ gia trái quy định để chế biến, bảo quản cho đến thức uống hằng ngày như “cà-phê bắp rang”; sữa đậu nành pha bằng bột béo, chất tạo mùi không rõ nguồn gốc...
 
 
Thực phẩm bẩn, không an toàn vẫn lưu thông trên thị trường không phải do người sản xuất không nhận thức được mối nguy hại của nó, nhưng vì lợi nhuận, có khi do bị thương lái thúc ép và cả từ suy nghĩ tiêu cực, vô trách nhiệm với cộng đồng, xã hội cho nên họ vẫn làm ra các sản phẩm như vậy.
 
 
Không hiếm hộ nông dân có vườn rau không sử dụng hóa chất; đàn gà, vịt nuôi theo kiểu truyền thống để riêng cho gia đình mình dùng, còn rau xanh có sử dụng hóa chất, gia súc, gia cầm nuôi bằng thức ăn có chất độc hại thì bán ra thị trường. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, kiểm soát vệ sinh ATTP từ khâu sản xuất đến lưu thông chưa thật nghiêm; khi phát hiện thì mức xử phạt chưa đủ sức răn đe... cũng làm cho thực phẩm bẩn có cơ hội lan tràn.
 
 
Trong khi đó, công tác truyền thông giáo dục để người dân nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số cơ quan quản lý Nhà nước chưa có biện pháp đủ mạnh để xử lý một cách hiệu quả các hành vi vi phạm; điều này đã khiến người dân không khỏi lo lắng, bức xúc.
 
 
Với vai trò, trách nhiệm của mình, trong những năm qua các cấp Hội Nông dân Thành phố Hà Nội đã tổ chức thực hiện công tác An toàn thực phẩm ngày càng thiết thực, hiệu quả. Nông dân Hà Nội mỗi năm cung cấp hàng triệu tấn lương thực và trên 600.000 tấn rau và thực phẩm các loại. Ngoài ra nguồn rau và thực phẩm các loại của các tỉnh đưa vào thị trường Hà Nội ước khoảng 360.000tấn/ năm. Hàng năm, Hội đã xây dựng kế hoạch, tổ chức phát động thi đua tới 100% cơ sở Hội về công tác đảm bảo ATTP. Tích cực tham gia hưởng ứng “Tháng hành động vì chất lượng Vệ sinh ATTP”. Tổ chức tuyên truyền về tác dụng của ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên Bản tin hàng tháng và trang Website của Hội.
 
 
Xây dựng mô hình rau hữu cơ, sản xuất theo phương pháp Việt GAP như Hội Nông dân: Sóc Sơn, Đông Anh, Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì, Thạch Thất, Ứng Hòa… Chỉ đạo các cấp Hội phát huy vai trò, trung tâm nòng cốt, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện cam kết đảm bảo ATTP, không sản xuất, chế biến, tiêu dùng các sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, đồng thời thực hiện các quy định của Luật ATTP.
 
 
Trong những năm qua, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức được 729 buổi tuyên truyền với 80.360 lượt người tham dự, Hội Nông dân Thành phố phối hợp với Chi cục An toàn thực phẩm tổ chức trên 200 lớp tập huấn kiến thức và Luật ATTP cho 24.000 lượt cán bộ, hội viên, nông dân. Trung tâm trợ giúp nông dân đã tổ chức được 69 lớp với 6.900 cán bộ, hội viên tham dự tập huấn với nội dung “Xây dựng, quản lý, bảo vệ, phát triển nhãn hiệu nông sản và làng nghề” cho 100% các đơn vị quận, huyện, thị hội. Trung tâm dạy nghề tổ chức 38 lớp cho 1.330 hội viên nông dân tham dự tập huấn về chăn nuôi thú y, thủy sản, trồng rau an toàn, cây ăn quả, trồng lúa chất lượng cao... Đồng thời tổ chức được trên 100 lớp cho 12.000 cán bộ, hội viên nông dân tham dự với nội dung tuyên truyền hàng Việt Nam đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng.
 
 
Từ các hoạt động thiết thực, hiệu quả mang lại là thói quen, nếp sống của mỗi gia đình, cộng đồng xã hội trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo điều kiện cho cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền về  ATTP, góp phần nâng cao sức khoẻ cho gia đình và cộng đồng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội của Thủ đô.
 
 

Thế Hiệp
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo