HTX, người sống khỏe, kẻ ngắc ngoải: Già nua cũ kỹ
10:28 - 11/05/2015
Những mái đầu bạc trắng, những khuôn mặt cũ kỹ già nua là điều thường thấy ở các cán bộ HTX hiện nay.
Người nông dân trông mong vào HTX đích thực

Với nhiều người đứng tuổi, hợp tác xã (HTX) gợi lại thời bao cấp, thậm chí có nơi mang gam màu tối, nhưng HTX đúng nghĩa luôn là một hướng đi mà ngay cả những nước tiên tiến như Mỹ, Nhật, Israel vẫn đang mong muốn phát triển.

Loạt bài sẽ miêu tả lát cắt thực tế nhất về HTXNN phía Bắc hiện nay...

Ám ảnh một thời

Từ năm 1955-1958 miền Bắc bắt đầu bước vào công cuộc hợp tác hóa với những tiếng trống tiếng chiêng vang rền, với ngợp trời cờ quạt khẩu hiệu. Lứa đầu tiên của phong trào hợp tác gồm 45 HTX và khoảng 100.000 tổ đổi công ra đời.

Hồi đó, nông dân được tuyên truyền rằng vào HTX chẳng mấy chốc sẽ được đi giày làm ruộng, máy móc thay cho sức người, năng suất lao động sẽ cao ngang Liên Xô, Trung Quốc, làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu, học sinh đi học không mất học phí, bệnh nhân vào viện không mất viện phí, người già đã có viện dưỡng lão…

Một thiên đường được vẽ lên, từ đó chỉ một thời gian ngắn gần như cả triệu hộ nông dân miền Bắc ghi tên xin vào hợp tác.

Cũng nhiều người biết mười mươi vào HTX sẽ bị thiệt thòi. Ruộng tốt nhà mình sẽ phải gộp chung ruộng xấu nhà khác, trâu béo nhà mình sẽ phải gộp chung với trâu gầy của nhà khác, người chăm sẽ gánh việc thêm cho người lười.

Nhưng nếu làm ăn cá thể sẽ bị làng xóm khinh rẻ, cả gia đình sẽ bị quy vào tội chống đối lại con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội của đất nước, rầy rà to nên cứ vào cho yên chuyện.

Thoạt tiên là các HTX cấp thấp, những tư liệu sản xuất của nông dân góp vào còn được tính điểm, nhà nào có lắm trâu bò, ruộng đất mỗi vụ sẽ có thu nhập cao hơn hộ khác nhưng chỉ một thời gian, khi tiến lên HTX cấp cao, mọi thứ đều thành của chung, không còn phân biệt được người giàu kẻ nghèo nữa.

Sai lầm về bản chất, gượng ép về chủ trương, yếu kém trong quản lý, hình thức trong hoạt động, HTX bắt đầu lao dốc không phanh.

Đến khi khoán 100 rồi khoán 10 cởi trói người nông dân, họ nức nở khi lại được chia ruộng đất để làm ăn như xưa.

Hậu thời kỳ HTX kiểu cũ “cha chung không ai khóc”, “rong công phóng điểm” bừa bãi, người nông dân lại huy động mọi nguồn lực trong hộ gia đình từ công lao động, phân gio giống má để ra sức chăm chút cho những mảnh ruộng riêng nhà mình. Năng suất lúa tăng lên vùn vụt, nhà nhà ấm no.

Từ một nước đói kém phải ngửa tay xin viện trợ bo bo, mì hạt của khối xã hội chủ nghĩa, Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu gạo vào hạng nhất nhì thế giới.

Tuy nhiên thời nay, kinh tế hộ với đặc trưng manh mún, nhỏ lẻ đã làm suy giảm gần hết vai trò của nó từ sau hai cái mốc “phá rào” nổi tiếng là khoán 100 rồi khoán 10.

16-45-51_dsc_9707
Tài sản của HTX Tân Kỳ

Tại sao kinh tế hộ bị chững lại? Thứ nhất là hội nhập đòi hỏi chất lượng sản phẩm phải cao, số lượng sản phẩm phải đủ lớn trong khi kinh tế hộ lại nhỏ lẻ, manh mún, mỗi nhà làm một giống, một cách thức, sản phẩm ít, chất lượng không đồng đều.

Thứ hai là có những cái mà hộ cá thể không làm được hoặc không thể làm tốt như thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm thế nào, tìm chỗ tiêu thụ ở đâu.

Thứ ba là nguồn lực lao động của kinh tế hộ đã cạn kiệt. Trước đây làm nông nghiệp già trẻ, lớn bé bất kỳ khi nào nhàn rỗi đều có thể tranh thủ làm thêm. Gọi một cách mỹ miều đó là những lao động phụ. Giờ sản xuất đòi hỏi phải có trình độ chứ không phải đơn thuần cơ bắp nên lao động phụ trở nên không hợp thời.

Lý do cuối cùng là đầu vào của sản xuất cá thể là vật tư nông nghiệp do mua lẻ nên chất lượng lôm côm, giá cả đắt khiến đội giá thành sản phẩm lên cao, mất sức cạnh tranh.

Ở đồng bằng Bắc bộ, ruộng đồng manh mún, bình quân mỗi hộ chỉ có 3-5 sào ruộng. Thời buổi kinh tế thị trường, các doanh nghiệp không thể ký hợp đồng với hàng ngàn hộ nông dân để tiêu thụ sản phẩm được.

Liên kết bốn nhà theo Quyết định 80 cũng không ổn bởi lỏng lẻo ở khâu ký hợp đồng. Hễ rẻ thì nông dân bán hàng cho doanh nghiệp, đắt lại lén lút tuồn hàng ra ngoài mà không có chế tài nào xử phạt nổi một kẻ “trọc đầu”.

 Ký hợp đồng với UBND xã ư? Xã không phải đơn vị kinh tế để ký hợp đồng mà chỉ là đơn vị quản lý nhà nước. Thế nên rất cần một tổ chức như HTX để có thể gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp, để có thể nâng cao giá trị của sản xuất nông nghiệp.

Chỉ có HTX được tổ chức bài bản mới giúp mua được vật tư đầu vào như giống, phân, thuốc BVTV với giá sỉ, với chất lượng đồng đều đảm bảo và đầu ra của sản phẩm được tiếp cận thị trường một cách tốt hơn. Tuy nhiên, lý thuyết là thế nhưng thực tế vẫn còn rất nan giải.

Chất xám ra đi, tóc bạc ở lại

Trình độ của lãnh đạo HTX đang trở thành một vấn đề đầu tiên phải nhắc tới.

Chủ nhiệm thời nay đầu vào phải nắm vững kỹ thuật, đầu ra phải tìm kiếm nơi tiêu thụ chứ không còn đơn thuần tính công điểm như xưa. Những mái đầu bạc trắng, những khuôn mặt cũ kỹ già nua là điều thường thấy ở các cán bộ HTX hiện nay.

16-45-51_dsc_9688
Lãnh đạo HTX Minh Đức toàn người già

Chất xám cũng như nước thường chảy chỗ trũng chứ không chảy ngược về chỗ cao. Bởi đơn giản thu nhập từ nông nghiệp hiện nay vừa thấp vừa bấp bênh nhất là ở những HTX “bình mới, rượu cũ” tồn tại từ trước chứ không phải mới thành lập do nhu cầu của cuộc sống cần liên kết lại.

Nhiều Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm HTX hoạt động không phải với tâm thế mong muốn phát triển HTX mà chỉ nhăm nhăm tìm một cái ghế bên UBND xã để chuyển sang nếu còn trong độ tuổi.

Đã qua rồi cái thời mà những nhân sự tốt nhất, được đào tạo bài bản nhất được cử về HTX như trường hợp của Chủ nhiệm HTX Hợp Thịnh (Vĩnh Phúc) Phùng Quang Hùng mà sau này phát triển lên đến chức Chủ tịch UBND tỉnh.

Đó là những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Dưới bàn tay chèo lái của Chủ nhiệm Phùng Quang Hùng, HTX Hợp Thịnh đã liên kết với các vụ, viện nghiên cứu giống để làm thành công cây ngô đông trồng trên nền đất ướt mang lại hiệu quả kinh tế cao, áp dụng rộng rãi khắp miền Bắc, được cả nước biết tiếng.

Nói chuyện về nhân lực của HTX ngày nay, ông Nguyễn Văn Tuyển - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Minh Đức (huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) giọng không khỏi ngán ngẩm.

Trình độ học vấn cao nhất của những người trong HTX ông cũng chỉ là lớp 7 trong khi đó người trẻ nhất xấp xỉ 50 tuổi, già nhất là kế toán - một ông cụ đã 68 tuổi suốt ngày nằng nặc đòi xin kiếu, phải vận động chán chê mới chịu ở lại.

Nói một cách công bằng, không phải đơn vị không có nguồn chất xám dự trữ. Trước đây, nguyên Chủ nhiệm HTX, ông Nguyễn Mạnh Trung có trình độ trung cấp được đi học tại chức đại học. Tưởng về để phục vụ HTX nhưng cuối cùng ông này lại chuyển sang làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã.

Cũng tương tự như thế, HTX Nông nghiệp Tân Kỳ (huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) toàn U60, U70 trong Ban quản trị. Hỏi chuyện, các ông, các cụ đều bảo rằng chỉ có tuổi già không biết làm gì thì làm ở HTX cho đỡ buồn, đỡ hụt hẫng chứ mấy đồng lương thế này cánh trẻ mới nghe thấy đã chạy tuột cả dép.

Nông dân đồng bằng Bắc bộ do đất đai ít nên toàn phải “chân le, chân vịt” vừa làm nông nghiệp vừa làm thêm cả công nghiệp, dịch vụ. Làm ngoài để lấy tiền tiêu còn làm nông nghiệp để lấy thóc ăn. Không cái gì toàn tâm, toàn ý cả.

Không bán được lúa (mà lượng bán cũng chẳng được bao lăm) cũng chẳng chết ai vì đã có các nghề khác gánh đỡ. Không gắn với HTX cũng tự sống được vì toàn tự sản tự tiêu, đa số không thấy được nhu cầu liên kết lại để sản xuất hàng hóa, để tìm kiếm thị trường - yếu tố HTX kiểu mới làm tốt nhất.

 

DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo