Làm thế nào tăng giá trị cho gạo Việt?
15:28 - 05/05/2015
(Cổng ĐT HND) –Trong những năm vừa qua, các chính sách của Chính phủ đối với ngành lúa gạo nhằm nâng cao vị thế của người nông dân và sức cạnh tranh của ngành chưa tác động toàn diện lên chuỗi giá trị mà chỉ tập trung vào một vài tác nhân cụ thể khiến tính hiệu quả rất hạn chế, tạo ra cơ cấu thị trường với nhiều bất cập.
Kể từ cuối thập kỷ 1980 đến nay, ngành lúa gạo của Việt Nam đã phát triển liên tục theo định hướng gia tăng sản lượng. Nếu trong thập niên 1990, sản lượng tăng một phần nhờ mở rộng diện tích trồng lúa, từ 6.042,8 nghìn ha năm 1990 lên 7.666,3 nghìn heta năm 2000, thì từ năm 2000 trở lại đây, chủ yếu dựa vào tăng năng suất trên diện tích đất canh tác thay đổi không đáng kể (7.899,4 hecta năm 2013). Mở rộng diện tích trồng vụ 3 ở vùng duyên hải và đầu nguồn sông Mekong được xem như là một trong những tác nhân quan trọng giúp tăng sản lượng lúa của Việt Nam,  bù đắp cho khuynh hướng giảm diện tích do công nghiệp hoá và đô thị hoá.
 
Sự gia tăng sản lượng lúa gần như liên tục trong suốt hơn 2 thập kỷ qua đã giúp Việt Nam không những đảm bảo an ninh lương thực trong nước mà còn liên tục là một trong 3 nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Cụ thể, từ mức xuất khẩu 1,99 triệu tấn năm 1995, sản lượng gạo xuất khẩu đã tăng lên mức 3,48 triệu tấn năm 2000 và 8,02 tấn vào năm 2012. Kim ngạch xuất khẩu gạo đã tăng từ mức 854,6 triệu USD năm 1996 lên mức 3.678 triệu USD vào năm 2012.
Tình hình sản xuất và xuất khẩu lúa gạo Việt Nam hiện nay
Ở Việt Nam, vùng sản xuất lúa quan trọng nhất cả nước là ĐBSCL (chiếm 56% sản lượng); tiếp đến là ĐB sông Hồng (chiếm 16%) và khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (chiếm 15% sản lượng). Diện tích đất trồng lúa ở khu vực ĐBSCL chiếm hơn 50% tổng diện tích lúa trên cả nước, nhưng số hộ trồng lúa ở đây chỉ chiếm 16% tổng số hộ trồng lúa. Do vậy, diện tích đất trồng lúa bình quân mỗi hộ ở khu vực ĐBSCL là khoảng 1,29ha, cao hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước là khoảng 0,44 ha. Khu vực ĐBSCL cũng là nơi cung cấp hơn 95% sản lượng lúa xuất khẩu của cả nước.
 
Tuy nhiên hiện nay, diện tích đất trồng lúa ở khu vực ĐBSCL có xu hướng thu hẹp lại so với các thập niên 1980-1990. Thay vào đó, diện tích đất thâm canh 3 vụ tăng lên rõ rệt. Diện tích đất trồng lúa đã giảm từ 2,2 triệu ha năm 1980 xuống còn khoảng 1,9 triệu ha năm 2010. Tuy nhiên, tổng diện tích trồng lúa đã tăng từ 2,9 triệu ha năm 1980 lên hơn 4 triệu ha năm 2010. Trong đó, diện tích đất trồng 3 vụ/năm tăng từ 23.000 ha năm 1980 lên 529.270 ha năm 2010. Vụ Đông Xuân cung cấp khoảng gần 50% tổng sản lượng lúa trong năm của ĐBSCL.
 
Thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam là châu Á (chiếm 59%) và châu Phi (chiếm 24%). Trong những năm gần đây, tỉ trọng các hợp đồng chính phủ (G2G) có xu hướng giảm dần. Năm 2007, tỷ trọng hợp đồng G2G chiếm 70% trong lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Tỷ lệ này giảm xuống còn 42,7% năm 2009 và đến năm 2012, 2013 chỉ còn chưa đến 20%. Tuy nhiên, có một điểm đáng mừng là tỷ trọng gạo thơm, gạo chất lượng cao xuất khẩu của Việt Nam đang ngày càng tăng.
 
Cùng một chủng loại gạo xuất khẩu nhưng gạo Thái Lan thường có giá cao nhất và gạo Việt Nam có giá thấp nhất. Chẳng hạn cùng là gạo hạt dài chất lượng cao, nhưng của Thái Lan vào tháng 7/2012 có giá 592USD/tấn, trong khi của Việt Nam chỉ có 415 USD/tấn. Tương tự, gạo thơm Hom Mali của Thái Lan có giá 1.025USD/tấn, còn gạo thơm của Việt Nam 5% tấm chỉ có giá 625 USD/tấn.
 
Làm thế nào tăng giá trị gạo Việt Nam
Các hộ nông dân sản xuất lúa gạo lớn, nhưng chủ yếu là quy mô nhỏ. Họ bán tới 93% lúa tươi tại ruộng cho các thương lái. Do có quy mô nhỏ, không có kho chứa, ít vốn, họ dễ bị các thương lái ép giá và thường chịu nhiều rủi ro nhất khi có biến động bất lợi trên thị trường (giá cả đầu vào sản xuất, giá lúa gạo bán ra). Sự thiếu vắng của các hình thức tín dụng vi mô khiến cho họ bị phụ thuộc nhiều vào các đại lý cung ứng đầu vào, hoặc tạm ứng của các môi giới/thương lái quen thuộc.
 
Quyết định sản xuất của nông dân hoàn toàn dựa trên kinh nghiệm, thiếu sự gắn kết với doanh nghiệp xuất khẩu, và họ hầu như không có khả năng mặc cả giá trên thị trường. Một số nhỏ nông dân tham gia cánh đồng lớn/hợp đồng nông sản với doanh nghiệp xuất khẩu nhưng thể chế bảo vệ lợi ích của nông dân còn chưa phát triển (các cơ chế xử lý khi có phát sinh trong hợp đồng, thiếu người đại diện hợp pháp của nông dân).
 
Theo kinh nghiệm của hai quốc gia Ấn Độ và Thái Lan, người nông dân Việt Nam chỉ có thể tiếp cận trực tiếp hơn đến các cơ sở xay sát hoặc các nhà xuất khẩu nếu như họ có thể: tăng quy mô diện tích qua việc tích tụ ruộng đất; tổ chức sản xuất thành các nhóm (formal group) có pháp nhân  hoặc các hợp tác xã; trực tiếp giao dịch với các cơ sở xay xát và nhà xuất khẩu thông qua sàn giao dịch hoặc qua các hợp đồng nông sản.
 
Với thực trạng về phân tán quyền sử dụng đất nông nghiệp và chính sách về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của Việt Nam hiện nay (dưới 6 ha ở đồng bằng Nam bộ và ĐBSCL), rõ ràng trong trung hạn 5-10 năm tới, khả năng nâng cao vị thế  qua tăng qui mô quyền sử dụng đất là rất khó khả thi.
 
Tuy nhiên, mở rộng diện tích canh tác vẫn là một lựa chọn hàng đầu của người nông dân. Có hai cách để các hộ nông dân ĐBSCL giải quyết vấn đề này: hoặc thông qua việc thuê lại ruộng đất của các hộ nông dân khác không có nhu cầu hoặc khả năng canh tác, hoặc mở rộng “chui” quyền sử dụng đất thông qua người khác đứng tên hộ.
 
Con đường qua các tổ nhóm chính thức hay hợp tác xã có thể là một giải pháp nhưng từ kinh nghiệm thực tiễn của Việt Nam cũng như tại Ấn Độ và Thái Lan, hình thức tổ chức này cũng chỉ là thứ yếu trong giao dịch mua bán lúa. (Ở Thái Lan hiện nay, hình thức này chỉ chiếm khoảng 6% tổng lượng lúa giao dịch).
 
Con đường thứ ba hiện đang được hiện thực hoá một phần thông qua chính sách khuyến khích/bắt buộc các doanh nghiệp xuất khẩu hình thành các cánh đồng lớn. Trong hướng đi này, quyền quyết định chủ yếu phụ thuộc vào các nhà xuất khẩu chứ không phải nông dân. Các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ thực sự làm điều này nếu họ thấy việc thu mua qua hợp đồng nông sản mang lại lợi nhuận cao hơn cách thu mua gạo qua qua thương lái hiện tại. Nếu không, việc hình thành cánh đồng lớn chỉ là hình thức để thoả mãn điều kiện trở thành doanh nghiệp xuất khẩu.
 
Trong những năm vừa qua, ngành lúa gạo có lẽ là một trong những ngành nhận được sự quan tâm nhiều nhất của Chính phủ. Một loạt các chính sách được ban hành tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới hành vi của các chủ thể trên thị trường lúa gạo. Mục tiêu của các chính sách đều hướng đến nâng cao vị thế của người nông dân trong chuỗi giá trị ngành lúa gạo cũng như giúp cho ngành lúa gạo có khả năng cạnh tranh cao hơn so với các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên kết quả vẫn giậm chân tại chỗ.
Ảnh minh họa

 
Hoàng Hải
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo