Tiêu, điều yên tâm; cà phê, gạo vẫn khó
11:00 - 30/04/2015
Quý 1, XK nông sản nước ta giảm nhiều về giá trị, bởi các mặt hàng chủ lực sụt giảm về mạnh về lượng. Trong những tháng tới, liệu XK những nông sản chủ lực có sáng sủa hơn?
Chế biến nhân điều XK

Điều – sức mua vẫn tốt

Quý 1 năm nay, trong khi XK nhiều mặt hàng nông sản chủ lực sụt giảm mạnh, thì hạt điều vẫn tăng trưởng khá tốt.

Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cho biết, ước tính trong quý 1, nước ta đã XK được gần 58 ngàn tấn nhân điều, giá trị xấp xỉ 410 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái thì lượng XK tăng 14,76%, giá trị tăng 32,37%. Giá nhân điều XK loại W320 đạt mức bình quân 3,62 USD/Lb, cao hơn 8,35% so với cùng kỳ 2014.

Tuy nhiên, trong qúy 2 này, XK nhân điều Việt Nam vào một số thị trường quan trọng sẽ trở nên khó khăn do ảnh hưởng bởi tỷ giá. Ở thị trường quan trọng hàng đầu là EU, do đồng euro mất giá sâu khiến khả năng tiêu thụ nhân điều yếu hẳn đi. Tại thị trường Úc, đồng đô la của nước này cũng đang mất giá mạnh, gây khó khăn cho các nhà NK nông sản …

Dù vậy, theo nhận định của nhiều doanh nhân ngành điều, cơ hội để đẩy mạnh XK nhân điều vẫn rộng mở.

Ông Tạ Quang Huyên, GĐ Cty CP Hoàng Sơn 1 (Bình Phước), cho biết: “Các thị trường tiêu thụ nhân điều hiện đang gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi tỷ giá, hiện chỉ chiếm khoảng 17% thị trường nhân điều toàn cầu”. Điều này có nghĩa rằng, những thị trường chiếm tới 83% thị trường điều toàn cầu vẫn đang tiêu thụ một cách bình thường. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là các thị trường Mỹ, Trung Quốc, Trung Đông …

Những ngày gần đây, giao dịch nhân điều đã sôi động hơn nhờ khách hàng từ Mỹ, Trung Đông cần mua nhân điều phục vụ cho đợt kinh doanh xuân – hè 2015 hay đáp ứng nhu cầu trong tháng ăn chay Ramadan của đạo Hồi (từ 17/6- 17/7). Khách hàng Trung Quốc vẫn đều đặn mua nhân điều Việt Nam qua đường chính ngạch lẫn tiểu ngạch.

Một số thị trường tuy nhu cầu tiêu thụ không lớn nhưng lại có thể XK với giá cao như Nhật Bản. Ông Thanh nhận định, XK nhân điều trong thời gian tới nhìn chung vẫn sẽ thuận lợi do sức mua trên thị trường thế giới vẫn tốt.

Trong khi đó, đối thủ lớn nhất của ngành chế biến điều Việt Nam trên thị trường thế giới là Ấn Độ lại đang gặp phải nhiều khó khăn. Việc nước này tăng lương cho người lao động thêm 35% trong năm nay, khiến chi phí sản xuất tăng cao. Bên cạnh đó, Chính phủ Ấn Độ đã đưa nhân điều ra khỏi danh mục các mặt hàng được khuyến khích XK của nước này, nhằm gia tăng tiêu thụ trong nước.

Vì vậy, sức cạnh tranh trên thị trường nhân điều thế giới của ngành điều Ấn Độ đang bị ảnh hưởng nặng nề. Bằng chứng là nếu như những năm trước đây, các công ty Ấn Độ khi thu mua điều thô châu Phi thường lựa hạt tốt đưa về nước này chế biến, còn hạt xấu hơn thì bán lại cho các công ty Việt Nam, thì năm nay, họ đưa cả hạt chất lượng tốt tới nước ta.

Một doanh nhân ngành điều cho hay, nhiều DN chế biến điều Ấn Độ đang đẩy mạnh đầu tư, chế biến điều ở Việt Nam do chi phí thấp hơn và dễ thâm nhập hơn vào các thị trường tiêu thụ, nhất là thị trường Trung Quốc vốn đang gia tăng mạnh mẽ việc sử dụng nhân điều.

Riêng với thị trường nội địa, mức tiêu thụ nhân điều vẫn còn rất khiêm tốn. Người tiêu dùng trong nước vẫn chủ yếu mua nhân điều về sử dụng vào những dịp lễ tết, ít mua trong ngày thường.

Nguyên nhân chính vẫn do người tiêu dùng trong nước chưa biết được những giá trị dinh dưỡng rất tốt của hạt điều và cách sử dụng hạt điều hàng ngày (ăn liền hoặc chế biến thực phẩm).

Chính vì vậy, trong thời gian tới, ngành điều sẽ phối hợp với Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giá trị dinh dưỡng cũng như cách sử dụng hạt điều cho người tiêu dùng cả nước.

Hồ tiêu cao giá nhờ tiểu ngạch

Thị trường hồ tiêu năm nay có những nét khác biệt so với những năm trước. Trước hết, là giá tiêu do nông dân bán ra đang tăng rất mạnh. Đầu tháng 4, giá tiêu đen mà nông dân bán ra đã ở mức 175.000đ/kg, cao hơn cùng kỳ năm ngoái từ 25.000-35.000đ/kg.

Như vậy, có thể thấy những năm trước, vào lúc đầu vụ, giá tiêu thường chưa cao, sau đó mới tăng dần lên trong những tháng cuối năm. Còn năm nay, giá tiêu đã lên cao ngay từ đầu vụ.

06-14-04_nh-2-bi-thi-truong-so-30-4-2015
Nông dân trồng tiêu yên tâm vì giá cao

Giá tiêu của nông dân bán ra tăng cao như trên, chủ yếu do nhu cầu mua tiêu Việt Nam của thương nhân Trung Quốc. Năm nay, ở các vùng trồng tiêu trọng điểm, các DN Trung Quốc sang mua tiêu rất nhiều.

Họ đưa tiêu về Trung Quốc chủ yếu qua đường tiêu ngạch, phần vì tránh được mức thuế cao nếu nhập qua đường chính ngạch, phần khác nhờ đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai đã hoàn thành giúp cho vận chuyển nông sản qua cửa khẩu Bát Xát (Lào Cai) được dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, trước những thông tin cho rằng tiêu bị mất mùa, nông dân trồng tiêu đã tích cực gia tăng trữ tiêu trong các kho của DN, chờ khi giá cao mới bán, cũng góp phần đẩy giá tiêu tăng cao ngay từ đầu vụ.

Hiện nay, chi phí lưu kho với hạt tiêu khá thấp. Thậm chí để thu hút nguồn tiêu nguyên liệu, nhiều DN còn không tính chi phí lưu kho. Nông dân trồng tiêu lại đang ngày một giàu lên nên không cần phải bán ngay khi vừa thu hoạch. Họ cứ việc mang tiêu vào trữ trong kho của DN và được DN tạm thanh toán ngay 70% giá trị của chỗ tiêu vừa cất trữ (tính theo giá thị trường thời điểm đó).

Khi nông dân chốt giá bán lượng hạt tiêu đó cho DN, sẽ lấy giá lúc bán để tính lại phần giá trị đã tạm ứng và phần giá trị được nhận còn lại. Với cách tồn trữ này, cả nông dân và DN đều được lợi. Nông dân thì bán được tiêu khi thấy giá tốt, DN huy động được nguồn tiêu nguyên liệu trong dân.

Một thực trạng đáng lưu ý trong XK hạt tiêu hiện nay là, vừa qua, đã có những DN do chỉ xuất thô nên có nhiều lô hàng bị trả lại bởi không đảm bảo về ATTP, có DN xuất 10 lô thì 8 lô bị trả lại.

Đầu ra cho hạt tiêu và các sản phẩm từ hạt tiêu nhìn chung vẫn đang tốt, bởi nhu cầu sử dụng tiêu trên thế giới vẫn đang tăng khoảng 5%/năm, trong khi đó, các nước sản xuất tiêu lớn khác không có khả năng tăng sản lượng do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Chính vì vậy, theo bà Nguyễn Mai Oanh, Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, các DN ngành hàng hồ tiêu cần đẩy mạnh chế biến sâu. Đây là cách tốt nhất để đảm bảo cho sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu về ATTP, thâm nhập và đứng vững được ở các thị trường khó tính như Mỹ, EU.

Đồng thời, chế biến sâu sẽ giúp nâng cao giá trị XK từ 3.000-4.000 USD/tấn so với xuất thô. Nông dân trồng tiêu cũng cần nâng cao kiến thức, ý thức về đảm bảo ATTP ngay trong quá trình sản xuất, để hạt tiêu Việt Nam không

Cà phê khó dự đoán

Cũng như mặt hàng tiêu, nông dân trồng cà phê mấy năm qua đã gia tăng tồn trữ, chờ khi được giá cao mới bán. Bên cạnh đó, những thông tin về mất mùa cà phê, cũng hỗ trợ thêm quyết tâm tạm trữ của nông dân.

Theo Hiệp hội Cà phê- Ca cao Việt Nam, vụ cà phê 2014-2015 đã thu hoạch xong, sản lượng ước giảm 20% do ảnh hưởng bởi thiếu hụt nguồn nước tưới ở Đăk Lăk, Đăk Nông và nhiều huyện của tỉnh Gia Lai.

 Nhưng nhiều tuần qua, ở nhiều nơi, cây cà phê đã được giải khát bởi những cơn mưa, nhưng nhìn chung lượng mưa vẫn thấp hơn 10-30% so với cùng kỳ.

 Thông tin từ nhiều nông dân trồng cà phê cho thấy, vẫn còn nhiều vùng, nông dân đang phải tốn tới 300.000 đ/giờ để bơm tưới cho cà phê do chưa có mưa. Ở Lâm Đồng, nhiều diện tích cà phê lại bị thiệt hại nặng do sương muối.

Nhưng có một điều lạ là dù cà phê bị mất mùa và nông dân gia tăng tồn trữ với hy vọng có được giá bán cao vào cuối vụ, nhưng giá cà phê nhìn chung vẫn ở mức không cao, dưới 40.000đ/kg. Thậm chí những ngày cuối tháng 3 vừa rồi, giá cà phê nhân xô ở Tây Nguyên đã giảm mạnh xuống còn trên dưới 37.000đ/kg.

Tuy lượng cà phê XK trong quý giảm nhiều, nhưng chủ yếu là do nông dân tăng tồn trữ cà phê, hạn chế bán ra, khiến các DN khó thu gom đủ nguồn hàng để đáp ứng cho các hợp đồng đã ký, chứ không phải là do gặp khó khăn về thị trường.

Không những thế, XK cà phê đầu năm nay có một điểm rất đáng ghi nhận là giá cà phê XK cao hơn giá niêm yết trên sàn giao dịch quốc tế khoảng 150 USD/tấn.

Các nước sản xuất cà phê lớn như Indonesia, Brazil … đang chuẩn bị vào mùa thu hoạch, còn ở Việt Nam, dù khô hạn vẫn đang hoành hành nhưng cũng đã bắt đầu có mưa ở Tây Nguyên. Những yếu tố này đều sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới quyết định có bán ra hay không của nông dân cũng như giá cà phê trong thời gian tới.

Trong thời gian tới, đầu ra của cà phê Việt Nam vẫn sẽ bình thường. Tuy nhiên, giá cả vẫn là điều khó đoán định được, bởi vẫn phụ thuộc nhiều vào hoạt động mua bán của các nhà đầu tư tài chính trên sàn giao dịch quốc tế.

XK gạo nhìn về châu Phi

Quý 1 năm nay, lượng gạo đã XK thấp hơn nhiều so với quý 1 của những năm trước, khi chỉ đạt 904 ngàn tấn, giảm tới hơn 300 ngàn tấn so với quý 1/2014.

Nguyên nhân chính là do hợp đồng từ năm cũ chuyển sang không nhiều và những hợp đồng ký mới đầu năm nay cũng hạn chế. Sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nước XK gạo lớn là Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam, Pakistan … khiến đầu ra của hạt gạo Việt Nam chưa sáng sủa.

Mấy năm trước, Trung Quốc là thị trường quan trọng nhất của gạo Việt Nam, nhưng năm nay, tình hình đã khác. Dù mới đây, Chính phủ Trung Quốc đã cấp hạn ngạch NK gạo cho các thương nhân, qua đó giúp cho gạo Việt Nam được XK trở lại sang nước này.

06-14-04_nh-3-bi-thi-truong-so-30-4-2015
XK gạo qua cảng Sài Gòn

Tuy nhiên, nhìn chung thị trường Trung Quốc vẫn đang yếu hơn so với những năm trước. Không những thế, những thỏa thuận của Trung Quốc với Thái Lan (Trung Quốc sẽ nhập của Thái Lan 2 triệu tấn gạo) và với Pakistan (cung cấp cho Trung Quốc 1,5 triệu tấn gạo) càng khiến cho khả năng XK gạo Việt Nam sang Trung Quốc khó khăn hơn.

Chính vì vậy, nhiều DN Việt Nam đang nhìn trở lại về thị trường châu Phi. Năm 2014, XK gạo Việt Nam sang châu Phi giảm mạnh tới gần 60% so với năm 2013.

Nguyên nhân chính là do giá gạo của Việt Nam trong năm ngoái thường cao hơn so với gạo cùng loại của Thái Lan, bởi nước này tiến hành xả hàng kho gạo do lượng dự trữ quá nhiều. Có những thời điểm trong năm 2014, giá gạo Việt Nam cao hơn tới 30-40 USD/tấn so với gạo Thái Lan.

Khi cùng tiến hành XK sang châu Phi, gạo Việt Nam thường gặp bất lợi hơn đôi chút so với gạo Thái do giá cước vận chuyển cao hơn. Vì vậy, khi giá gạo cũng cao hơn so với gạo Thái, việc gạo Việt Nam bị cạnh tranh mạnh ở châu Phi là khó tránh khỏi.

Trước việc Bộ Công thương muốn khởi động lại đề án đổi gạo lấy điều thô, nhiều doanh nhân ngành điều tỏ ra không mấy mặn mà, cho rằng với khó khăn trong thanh toán hiện nay và những vấn đề phức tạp khác, thật khó để thực hiện đổi gạo lấy điều thô châu Phi.

Trong những tháng đầu năm nay, XK gạo sang châu Phi vẫn chưa khởi sắc do phần lớn các nước có nhu cầu NK gạo ở châu lục này chưa mua gạo. Nhưng từ tháng 3, tháng 4, châu Phi đã bắt đầu mua gạo trở lại. Trong khi đó, khác với năm ngoái, năm nay, giá gạo của Việt Nam lại rẻ hơn so với gạo Thái Lan khoảng vài chục USD/tấn.

Chẳng hạn, vào ngày 2/4, giá gạo 5% tấm của Thái Lan là 398 USD/tấn, thì gạo 5% tấm Việt Nam là 365-375 USD/tấn. Với khoảng cách chênh lệch giá như trên, gạo Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh được với gạo Thái Lan tại châu Phi.

Một phương án đẩy mạnh XK gạo sang châu Phi mà Bộ Công thương muốn đẩy mạnh trong năm nay là đổi gạo Việt Nam lấy điều thô của châu Phi. Thực ra, phương án này không phải là mới mẻ mà đã được đề ra từ nhiều năm trước dựa trên nhu cầu thực tế là châu Phi cần NK nhiều gạo, trong khi Việt Nam lại cần NK một lượng lớn điều thô châu Phi về chế biến XK.

Khởi xướng đề án này là một công ty chế biến điều ở Long An: Cty CP Chế biến hàng xuất khẩu Long An (Lafooco). Năm 2010, Bộ Công thương đã giao cho tỉnh Long An cùng Lafoco triển khai thực hiện thí điểm chương trình này.

Khi ấy, đã có một số nước châu Phi đồng tình với phương án đổi gạo lấy điều thô. Tuy nhiên, khi đi vào thực tế, thì nhiều khó khăn nảy sinh. Bởi vậy, đã không có lô gạo nào được đi sang châu Phi để đổi lấy điều thô, dù đã có thỏa thuận giữa hai bên với khối lượng trao đổi lên đến hàng chục ngàn tấn. Và cho đến nay, đề án đổi gạo Việt Nam lấy điều thô châu Phi vẫn chỉ đang nằm trên giấy.

THANH SƠN
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo