Hà Nội: Xóm thùng phi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
11:16 - 27/04/2015
(Cổng ĐT HND) – Tổ dân phố số 5, phường Đồng Mai- Quận Hà Đông- Hà Nội nằm ngay tại khu vực chân cầu Mai Lĩnh, đã hàng chục năm nay vẫn tồn tại một nghề kỳ lạ và độc hại đó là nghề tái chế thùng phuy. Người dân vẫn quen gọi nơi đây là "xóm thùng phuy" và hàng ngày nó vẫn đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của những người dân đang sống xung quanh.

Xóm thùng phuy gây ô nhiễm môi trường từ rất nhiều năm nay (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
 
Có thể nhìn thấy ngay từ phía đầu dốc đê tả sông Đáy đi xuống xóm, từng đống thùng phuy cũ, đủ màu sắc được chủ vựa chất cao tới hơn chục mét, chúng được tập kết từ nhiều nơi về và xếp đống ở đây. Càng đi sâu vào trong xóm sẽ thấy có đến cả nghìn chiếc thùng phuy xếp ngay ngắn dọc đường đi, cao ngất như "núi" trông rất nguy hiểm nếu bất chợt xảy ra tình trạng xô đổ, hoặc trượt các thùng phuy từ trên cao xuống. Điều này trước tiên đã vi phạm đến an toàn hành lang giao thông.

 
Theo nhiều người dân ở đây cho biết, cơ sở tái chế thùng phuy này đã ra đời cả chục năm nay. Các hộ kinh doanh mặt hàng này chuyên mua bán những chiếc thùng phuy chứa đựng dầu, mỡ, nhựa, sơn, hắc ín... được thải ra từ các nhà máy công nghiệp, những đơn vị thi công công trình giao thông từ khắp các tỉnh như Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên… sau đó đem tập kết về đây để tái chế.


 
Điều nguy hiểm hơn là những chất thải còn tồn đọng kia sau khi được đem ngâm, súc rửa, đốt nóng không hề được xử lý mà các hộ cho xả thẳng xuống sông Đáy gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Cứ hai ngày một lần, hàng chục công nhân của các cơ sở này mang những chiếc thùng phuy đến bể lớn, nằm ở cuối đường để ngâm hóa chất. Lượng nước thải từ bể nước này sau đó được đổ trực tiếp xuống sông. Tại “xóm thùng phuy”, tiếng búa đập, gõ suốt cả ngày tạo nên những âm thanh đinh tai nhức óc dẫn đến tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân trong khu vực.

 
Hàng ngày, công việc của các nhân công làm thuê ở đây là phân loại những chiếc thùng phuy rồi làm sạch những thứ cặn bã còn sót lại trong thùng bằng các loại hoá chất, hoặc bằng xăng dầu... Cứ thế, ngày nào cũng diễn ra đều đều như vậy, những người thợ luôn cầm trên tay chiếc búa, chiếc đục, gõ chan chát để làm phẳng từng chiếc thùng phuy.

 
Được biết, trước đây có 3 hộ làm nghề tái chế thùng phuy ở đây nhưng hiện nay chỉ còn 2 hộ. Tuy nhiên, những âm thanh chát chúa, những thùng phuy phế thải nằm ngay sát hai bên đường, mùi hóa chất nồng nặc đang là những ô nhiễm mà người dân thuộc tổ 5 phường Đồng Mai đang phải gánh chịu trong suốt nhiều năm nay.

 
Có thể thấy sự mệt mỏi, chán chường đang là tâm trạng chung của những cư dân sống trên địa bàn phường Đồng Mai hiện nay. Một hộ dân không giấu được nỗi bức xúc cho biết, sau thời gian dài gửi đơn thư kêu cứu song vẫn không giải quyết được gì, nhà bà buộc phải sống chung với những bể hóa chất nằm ngay sát tường nhà, mùi chất thải đủ loại khiến ai đến đây cũng không làm sao mà ngửi nổi, thậm chí còn có trạng thái bị nghẹt thở.


 
Rõ ràng hoạt động tái chế thùng phuy của các cơ sở này đang  tồn tại quá nhiều bất cập: Không quy hoạch, không hệ thống xử lý chất thải, gây ô nhiễm môi trường, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Tuy nhiên không hiểu sao tình trạng này vẫn tiếp diễn trong nhiều năm nay,  phải chăng cơ quan chức năng ở địa phương đang buông lỏng quản lý khiến cho những cơ sở này ngang nhiên xả thải ra môi trường.

 
Tại Điều 4, Nghị định số 117/2009/NĐ-CP về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định: Cơ sở gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định tại Nghị định này. Ngoài ra, cơ sở gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng còn bị áp dụng một trong các hình thức xử lý sau: 1. Tạm thời đình chỉ hoạt động cho đến khi thực hiện xong các biện pháp bảo vệ môi trường cần thiết; 2. Buộc di dời cơ sở đến vị trí xa khu dân cư và phù hợp với sức chịu tải của môi trường; 3. Cấm hoạt động; 4. Bị công khai thông tin về tình hình ô nhiễm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Báo Tài nguyên và Môi trường và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng khác.

 
Những người dân thuộc khu vực ô nhiễm ven sông Đáy vẫn đang thiết tha mong chờ một quyết sách của các cấp, các ngành để cải thiện lại môi trường và nguồn nước sông Đáy, trả lại môi trường sống bình thường cho người dân.
Sông Trà
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo