“Cơn bão” mang tên “làng ung thư”
15:19 - 08/05/2015
“Không ai biết mức độ ô nhiễm của nguồn nước ở đây như thế nào, chỉ biết hơn 10 năm qua, nhiều người dân trong thôn dùng nguồn nước này đều liên tiếp mắc những triệu chứng và chết vì bệnh ung thư, còn nước ngoài đồng thì ngay cả tôm, cá cũng không sống nổi”, ông Phạm Ngọc Kiên, Trưởng thôn Lũng Vị ngao ngán nói.

Bệnh ung thư “gõ cửa”

Con đường nhỏ dài 1km từ Quốc lộ 6 vào đến đầu thôn Lũng Vị, xã Đông Phương Yên (Chương Mỹ - TP.Hà Nội) thật đẹp với những ruộng lúa xanh mướt đang thì con gái. Nhưng cảm giác thư thả, êm đềm đó bỗng tan biến bởi đập vào mắt chúng tôi là những ao nước tù, mương máng với nước đọng sền sệt, đen ngòm, bốc mùi hôi thối.

Ông Phạm Ngọc Kiên, Trưởng thôn Lũng Vị, là người có nhiệm vụ bảo quản, ghi chép sổ tử của thôn. Vừa lật giở cuốn sổ, ông Kiên vừa cho biết: “Thôn Lũng Vị có 1.800 khẩu với 380 hộ gia đình. Từ năm 1990 đến năm 2014 đã có 47 người chết vì ung thư, đặc biệt số người chết tăng cao vào hai năm 2013, 2014. Chỉ tính riêng năm 2014, thôn có tới 9/12 người chết vì bệnh ung thư các loại, 4 người hiện đang mắc bệnh. Những người xấu số chủ yếu mắc ung thư gan, ung thư phổi, ung thư máu…, đa số ở độ tuổi dưới 60, người trẻ nhất chưa đầy 30”.

Về nguyên nhân mắc bệnh, người dân cho rằng, có thể do nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nặng, trong khi nước sinh hoạt cũng đang thiếu và chưa đảm bảo vệ sinh. Ông Vũ Văn Tuất (57 tuổi), hiện đang mắc ung thư vòm họng, cho biết, tất cả nước uống hay nấu ăn đều phải khử qua máy lọc nước Ozon nhưng chỉ sau 15 phút đã ngả sang màu vàng, bốc mùi tanh khó chịu. “Pha trà nước cũng chuyển màu, quần áo trắng giặt nước này một vài lần cũng ố vàng hết”, ông Tuất cho biết.

Nguồn nước bị ô nhiễm bị cho là nguyên nhân khiến nhiều người trong thôn Lũng Vị mắc bệnh ung thư.

Nhìn vào danh sách những trường hợp mắc và chết vì ung thư, đáng lo ngại hơn là số lượng người mắc năm sau cao hơn năm trước, tỷ lệ người tử vong ngày càng có dấu hiệu trẻ hóa, chúng tôi thật sự bàng hoàng và hiểu rõ vì sao nhiều người gọi Lũng Vị là “làng ung thư” hay là “làng tử thần”. Quá lo sợ, hoang mang và khiếp đảm trước nguồn nước bị ô nhiễm và số người mắc bệnh ung thư nên thời gian gần đây, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân Lũng Vị tự xây bể chứa nước mưa để ăn uống, còn nguồn nước giếng khoan thì chỉ dùng để tắm giặt.

Lần theo cuốn sổ “thiên tào” của ông Kiên, chúng tôi về thăm gia cảnh nhà bà Nguyễn Thị Tuất (70 tuổi), có 4 trong 5 người con trai đã chết vì ung thư, còn lại người con trai duy nhất cũng đang chống chọi với bệnh viêm gan B. Ngồi tiếp chuyện chúng tôi, chị Bùi Thị Nương, người con dâu thứ hai của bà Tuất lặng lẽ lau nước mắt: “Gia đình chồng tôi có 5 anh em trai, sau khi lập gia đình, 4 người lần lượt được bố mẹ xây nhà sống quây quần trên cùng khu đất. Công việc đồng áng tuy vất vả, cuộc sống gia đình tuy không dư dật nhưng ai cũng đủ ăn, không khí gia đình luôn vui vẻ,đầm ấm. Ai ngờ chỉ sau mấy năm, cuộc sống bây giờ chỉ toàn nước mắt, không biết tương lai sẽ ra sao?”.

Tai họa bắt đầu ập xuống gia đình bà Tuất liên tiếp trong vài năm, năm nào cũng hứng chịu đại tang, bất lực nhìn những người đàn ông khỏe mạnh trong gia đình lần lượt đi vào cõi chết. Năm 2011, cậu con trai út của bà Tuất, anh Đỗ Văn Tám, đang ở độ tuổi sung sức bỗng nhiên lên cơn đau ngực kéo dài, ho ra máu. Ngay lập tức, anh Tám được gia đình đưa đi bệnh viện nhưng đã quá muộn khi anh mắc phải căn bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối. Dù đã được gia đình tận tình chăm sóc nhưng anh Tám chỉ cầm cự được vài tháng rồi ra đi ở tuổi 28. Nỗi đau chưa kịp lắng xuống thì đến lượt anh Đỗ Văn Luyện, chồng chị Nương (sinh năm 1970), cũng mắc bệnh ung thư phổi. Nhưng mất của vẫn không cứu được người, anh Luyện mất cuối năm 2012. Nỗi đau tiếp tục giáng xuống ngôi nhà bà Tuất khi vào năm 2013, anh Đỗ Văn Ba (sinh năm 1972) mất vì ung thư gan. Năm 2014, bệnh ung thư tụy lại cướp đi mạng sống của anh Đỗ Văn Huấn (sinh năm 1966), người con trai cả trong gia đình.

Khi chúng tôi đến thăm, bà Tuất chỉ ngơ ngác cười không nói được thành câu. 

Hiện nay, mọi nghi vấn của người dân đều dồn vào nguồn nước bị nhiễm asen, sắt, amiang vượt quá tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm là do các nhà máy sản xuất sữa, mây tre đan đóng trên địa bàn xả thẳng nguồn nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Những người dân khi đi làm đồng đều không dám lội xuống chăm sóc lúa và hoa màu vì khi về nhà sẽ bị nguồn nước nhiễm độc dính vào chân tay, mặt mũi, gây ra những bệnh ngoài da như lở loét, mẩn ngứa, nổi mụn. Hoa màu cũng phát triển chậm,vàng lá mất mùa, thậm chí cả các loài thủy sinh cũng không thể sống nổi.

Theo ông Kiên, một phần gây ô nhiễm là do người dân tự ý xả phân từ các trang trại chăn nuôi ra môi trường trong khi hệ thống cống rãnh không có nắp đậy, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Thêm vào đó, một số công ty sản xuất sữa, mây tre đan xả thẳng nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, ngấm vào nguồn nước ngầm sinh hoạt khiến tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng hơn.
 

“Thèm” nước sạch…

Theo ông Kiên, trong các cuộc họp tiếp xúc cử tri, đã nhiều lần dân và chính quyền thôn có kiến nghị lên các cơ quan cấp trên, nhưng đâu vẫn hoàn đấy. Chính quyền cấp trên gần như bỏ lơ và không quan tâm đúng mức đến nguồn nước sinh hoạt của người dân, khiến bà con chỉ biết ngậm ngùi “sống chung với nước bẩn”. Biết là nguồn nước bị nhiễm phèn, sắt, asen với nồng độ quá mức cho phép nhưng vì không có điều kiện nên bà con vẫn phải dùng.

Theo ông Kiên, thôn Lũng Vị hiện không có nước sạch, người dân chủ yếu dùng nước giếng khơi (nước bề mặt) để sinh hoạt. Nhưng nguồn nước dần cạn kiệt nên mỗi năm cả thôn có tới 4-5 tháng thiếu nước trầm trọng. Để khắc phục, người dân phải chủ động xây bể chứa nước mưa để lấy nước sinh hoạt; thậm chí đến tháng cao điểm nắng nóng, phải đi mua nước từ địa phương khác với giá cao.

Điều khiến chúng tôi sửng sốt là, mặc dù đã “sống chung với ô nhiễm” gần 20 năm qua nhưng những thông tin cụ thể về nguồn nước nhiễm bẩn người dân nơi đây hoàn toàn mù mờ. Ông Kiên cho biết: “Nhiều đoàn đã về đây khảo sát,đo đạc nhưng chưa thấy hồi âm, đến giờ chúng tôi chỉ được khuyến cáo là môi trường, nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, không nên sử dụng. Còn ô nhiễm ra sao, ở mức độ nào thì chúng tôi không biết. Người dân vẫn thường nói với nhau rằng, nguồn nước nhiễm bẩn và khan hiếm như vậy thì “thèm” nước sạch hơn cả thèm… tiền”.

Ít ai ngờ, ngay trên địa bàn Thủ đô vẫn có những thôn làng phải “sống chung” với nguồn nước ô nhiễm gần 20 năm qua. Giờ đây, mong muốn lớn nhất người dân thôn Lũng Vị là cần sự quan tâm, sự vào cuộc thật sự của các cấp ngành để họ có được cuộc sống bình yên.

Trần Toản/ Theo KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo