Khuất tất trong dự án làng nghề Mai Trung
22:58 - 05/05/2015
Một dự án đã tiêu tốn trên dưới 10 tỷ đồng của ngân sách Nhà nước nhưng kết quả vẫn là con số không. Từ đây, hé lộ nhiều sai phạm của chính quyền sở tại khi thực hiện dự án làng nghề Mai Trung (Hiệp Hòa - Bắc Giang).
Người dân phản ánh những sai phạm ở làng nghề Mai Trung

Viết giấy cam kết mượn đất của dân, hứa bồi thường thiệt hại hoa lợi hàng năm và trả lại đúng diện tích khi hoàn tất dự án nhưng khi xong việc chính quyền xã Mai Trung lại “nuốt lời” khiến người dân bức xúc.

Chỉ đạo một đằng...

Thời gian qua, Báo Kinh tế nông thôn liên tiếp nhận được đơn thư của các hộ dân thôn Trung Hưng, xã Mai Trung phản ánh những bức xúc về cách hành xử của chính quyền địa phương.

Sự việc bắt đầu từ năm 2005 – 2006, nhằm thúc đẩy các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở địa phương phát triển, UBND tỉnh Bắc Giang có chủ trương hỗ trợ các làng nghề địa phương, trong đó có huyện Hiệp Hòa, với mức kinh phí đầu tư 60-40 (tỉnh 60%, cơ sở 40%).Tuy đất chật người đông nhưng thôn Trung Hưng có ngành nghề dịch vụ phát triển mạnh, như: mộc, mây tre đan, quấn sợi...Vì vậy, khi “bắt được” chủ trương này, ngày 7/11/2006, UBND xã Mai Trung, Ban quản lý thôn Trung Hưng đã ký cam kết huy động vốn đối ứng của xã để thực hiện. Đồng thời, đề nghị huyện và tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng dự án làng nghề thôn Trung Hưng.

Sau khi xét đề nghị của xã Mai Trung và huyện Hiệp Hòa, ngày 11/10/2007, UBND tỉnh Bắc Giang có quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình cơ sở hạ tầng làng nghề thôn Trung Hưng gồm các hạng mục: Xây dựng 2 tuyến đường giao thông bên ngoài khu sản xuất, tổng chiều dài 2.174m. Khu mặt bằng sản xuất 30.240m2, tổng dự toán kinh phí 6,008 tỷ đồng, trong đó, tỉnh hỗ trợ 60% (3,6 tỷ đồng), còn lại cơ sở phải đối ứng 2,4 tỷ đồng từ việc bán đấu giá đất. UBND tỉnh yêu cầu địa phương phải tự giải phóng mặt bằng (tỉnh không hỗ trợ kinh phí).

Để tìm câu trả lời cho “bài toán giải phóng mặt bằng”, ngày 06/12/2007, chính quyền xã Mai Trung có Tờ trình số 33/TTr-UBND lên huyện đề nghị góp vốn đối ứng bằng quyền sử dụng đất với diện tích 37.740m2, tương đương số tiền gần 2,250 tỷ đồng (theo giá đất năm 2007).

Sau khi xem xét tờ trình nêu trên của xã Mai Trung, UBND huyện Hiệp Hòa có Công văn số 2098/UBND-TCKH báo cáo tỉnh, nêu rõ UBND xã Mai Trung chịu trách nhiệm toàn bộ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng; UBND huyện chỉ hỗ trợ kinh phí bồi thường để di chuyển các ngôi mộ nằm trong khu vực dự án và 2 hộ có diện tích đất bị ảnh hưởng là 160 triệu đồng.

... Làm một nẻo

Thực ra, khi thực hiện dự án làng nghề Trung Hưng, người dân trong thôn không ai biết. Chỉ đến khi việc mượn đất “trái khoáy” và những việc làm khuất tất của chính quyền sở tại được làm rõ thì họ mới vỡ lẽ: Sự việc diễn ra không như kế hoạch huyện và tỉnh phê duyệt mà theo một “kịch bản” vụng về của chính quyền địa phương.

Ngay khi “kéo” được dự án về làng, chính quyền xã Mai Trung và thôn Trung Hưng lại làm chuyện ngược đời - đi vận động nhân dân cho tập thể mượn ruộng giải phóng mặt bằng, khi xong việc sẽ trả lại cho bà con sản xuất.

Trong Nghị quyết họp xóm ngày 20/11/2008, có đủ các thành phần của xã và thôn gồm: ông Nguyễn Văn Ninh, Bí thư Đảng ủy; ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch UBND xã; cán bộ giao thông, cán bộ thôn với mục đích “Ban quản lý yêu cầu họp xóm để triển khai việc mượn khu đất Mả Thổi của đội (thôn) làm khu làng nghề”. Thời gian mượn đất từ 20/11/2008 đến tháng 5/2009. Đồng thời hỗ trợ hoa lợi cho bà con trong thời gian mượn.
 
 Tiêu hết hơn 10 tỷ đồng của Nhà nước nhưng dự án vẫn là bãi cỏ hoang và người dân không có đất canh tác!


Thoạt đầu khi nghe như vậy, người dân đồng tình và cho chính quyền mượn đất. Tuy nhiên, khi đã hết thời gian mượn đất, không thấy chính quyền trả lại nên người dân đi đòi. Cũng từ đây, “bức màn bí mật” về hàng loạt sai phạm của dự án làng nghề Trung Hưng được hé lộ.

Ông N.Đ.N., một người dân thôn Trung Hưng cho mượn đất, bức xúc: “Năm 2008, thấy chính quyền xin mượn đất xây dựng làng nghề chúng tôi phấn khởi lắm, nghĩ là phục vụ cho xã, cho nhân dân nên đồng ý cho mượn. Nhưng ai ngờ khi hết hạn họ không trả lại mà còn lừa dân thế này".

Nguồn: Theo KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo