|
Trung bình 1 sào trồng khoai lang thu rau bán cho thu nhập từ 2,5-4 triệu đồng |
Sau khi thu hoạch xong vụ hè thu, nếu như nhiều địa phương khác để diện tích ruộng bỏ hoang chờ đến sản xuất vụ tiếp theo thì nhiều hộ dân tại thôn Tam Hiệp, xã Cam Thủy (huyện Cam Lộ, Quảng Trị) lại tận dụng diện tích ruộng lúa để trồng cây khoai lang lấy ngọn làm rau chứ không thu củ như cách làm truyền thống trước đây.
Toàn thôn Tam Hiệp hiện có 184 hộ, canh tác trên 25 ha lúa 2 vụ, trong đó có 40 hộ tận dụng diện tích đất lúa để trồng khoảng 4 ha rau khoai lang. Là loại rau dễ trồng, chỉ sau thời gian ngắn, rau lang đã cho thu hoạch lứa rau đầu tiên. Rau lang được thu hoạch liên tục trong khoảng thời gian từ 3-4 tháng cho đến khi sản xuất vụ lúa tiếp theo mà không cần phải xới đất trồng lại cây mới.
Trung bình 1 sào trồng khoai lang thu rau bán cho thu nhập từ 2,5-4 triệu đồng (phụ thuộc vào giá thị trường), trong khi đó chi phí đầu tư cho việc mua cây giống, phân bón khá thấp, chưa đến 1 triệu đồng. Trong lúc đó, nếu trồng lúa, mỗi sào chỉ cho thu hoạch khoảng 1,5 triệu đồng, chưa trừ các chi phí như khâu làm đất, gặt máy, gieo sạ, phân bón, thuốc trừ sâu... Như vậy, nếu so với trồng lúa thì trồng xen canh khoai lang lấy rau mang lại nguồn thu nhập cao hơn gấp 2 lần trên cùng một đơn vị diện tích, đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn trong thời điểm nông nhàn.
Ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An lại phát triển diện tích chuyên canh cây khoai lang để lấy ngọn, lá làm rau sạch cho thu nhập cao. Hiện nông dân các xã: Nghi Long, Nghi Thịnh, Nghi Xuân, Nghi Thạch, Nghi Trường, Nghi Thuận... sản xuất hơn 110 ha khoai lang vụ Đông 2016, tăng gần 50ha so với năm ngoái, trong đó 50% diện tích trồng lấy lá, ngọn làm rau sạch.
Các diện tích trồng lấy ngọn và lá cho thu hoạch sau khoảng 1 tháng xuống giống. Rau được thu liên tục trong khoảng từ 4-5 tháng mới phải phá đi để trồng lại lứa mới. Trung bình 1 sào trồng khoai lang thu rau bán có thể cho thu nhập trung bình khoảng 15 triệu đồng/năm. Điều đặc biệt là ngọn rau khoai được thị trường rất ưa chuộng, vì vậy mà nguồn rau lang cung ứng cho thị trường luôn trong tình trạng “cung” không đủ “cầu”.
Nhờ mạnh dạn đổi mới phương thức canh tác luân canh lúa – khoai với hệ thống đê bao khép kín, anh Võ Văn Tước (ấp Tân Dương, xã Tân Thành, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) đã biến vùng đất lung phèn trở nên màu mỡ, mỗi năm thu nhập hơn 1 tỷ đồng.
Với 10 công đất sản xuất nông nghiệp đầu tiên, để thoát cảnh “được mùa, mất giá”, sau khi thu hoạch khoai lang, đến mùa nước nổi, vợ chồng anh làm đê bao khép kín nhằm chủ động nguồn nước để sản xuất nghịch vụ. Ngay năm đầu tiên gia đình anh đã vừa trúng mùa lại được giá. Kể từ đó, gia đình anh sản xuất luân phiên một vụ khoai một vụ lúa, năm nào cũng trúng mùa.
Nhờ sản xuất nghịch vụ trúng mùa, được giá đến năm 2014 gia đình anh Tước đã tích lũy được 3ha đất sản xuất khoai lang và lúa. Đặc biệt, trong mùa vụ 2016 vừa qua, anh xuống giống 3ha đất trồng khoai lang sữa, sau 4 tháng thu hoạch cho năng suất 135 tạ/công, (giá 220.000 đồng/tạ, gần 30 triệu đồng/công). Đợt 2 cũng đạt năng suất như đợt đầu nhưng giá cao hơn, đạt 35 triệu đồng/công. Chỉ tính riêng 3ha khoai lang đã cho thu nhập hơn 1,9 tỷ đồng/năm. Sau khi trừ chi phí đem lại lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng.
Hiện một số đơn vị tại Tây Nguyên đang cho người dân thuê đất trồng xen canh khoai lang Nhật với cây cao su. Diện tích trồng xen khoai lang nhiều nhất là ở nông trường Ia Phú – Công ty Chư Păh với 230 ha, tiếp đến là nông trường Ia Glai thuộc Công ty Chư Sê với tổng diện tích trên 160 ha. Tại nông trường Tân Lập của Công ty Mang Yang cũng có khoảng 30 – 40 ha.
Anh Nguyễn Văn Trúc, một hộ nông dân từ tỉnh Đăk Lắk đến nông trường Ia Glai của Công ty Chư Sê thuê 4,8 ha để trồng khoai lang Nhật cho biết: Khoai này khá hợp với đất đỏ, nên cho năng suất từ 1,5 – 2 tấn/sào (15 – 20 tấn/ha), trồng mùa này chủ yếu là đón mưa tự nhiên, còn trồng trên đất ruộng thì phải tưới. Với giá hiện nay là 14.000 đồng/kg thì lãi khá cao, bình thường thì mỗi ha lãi khoảng 50%, tức từ 70 – 80 triệu đồng, nếu được giá thì lãi cao hơn.
Mô hình trồng khoai lang là một mô hình kinh tế hiệu quả, quy trình chăm sóc đơn giản, người trồng chỉ tốn công làm cỏ, bón phân và thu hoạch. Mặt khác, cây khoai lang lại phù hợp với nhiều loại đất, cho thu hoạch trong khoảng thời gian dài. Đây là một hướng phát triển mới dễ nhân rộng nhằm tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích cho bà con nông dân.