Nuôi cá đặc sản lãi lớn
11:08 - 24/07/2017
(TNNN)- Do nhu cầu thị trường cao, nhiều nông dân đang làm giàu nhờ nuôi những giống cá đặc sản như cá chình, thát lát, cá heo, cá éc, chạch lấu, bống tượng…
Nuôi các loại cá đặc sản là một hướng đi mới, mở ra triển vọng cho nghề nuôi trồng thủy sản


Ở miền Tây ĐBSCL, các loại cá nuôi đặc sản thịnh hành nhất là cá chình, vì loài này phục vụ chính cho nhà hàng và quán ăn. Cá chình nuôi nhiều nhất ở An Giang, Cà Mau, Đồng Tháp… chủ yếu trong bè hay ao. Đây là loài cá khỏe mạnh, ít bệnh tật, thức ăn chính của cá chình là cá xay nhuyễn, tép, cộng với tấm cám nấu. Ông Ngô Văn Phú, ở xã Khánh An, huyện An Phú – An Giang nuôi 3 bè cá chình, gần 3.000 con chuẩn bị thu hoạch cho biết: Cá chình nuôi từ 13-18 tháng, đạt trọng lượng từ 1,3 đến 1,7kg. Giá hiện nay dao động từ 240.000 đến 350.000 đ/kg. Vụ này gia đình lãi gần 1 tỷ đồng.
 
 
Gần đây, ở miền Tây còn xuất hiện cá chình suối, loại cá đặc sản chỉ có ở Phú Quốc – Kiên Giang. Giống cá này sống chủ yếu ở suối nước chảy, độ lạnh từ 18-20 độ C. Giá bán cá chình suối từ 300.000 đến 320.000 đồng/kg, còn vào nhà hàng là hơn 500.000 đồng/kg. Anh Nguyễn Đình Minh là người đầu tiên ở ấp Rạch Vẹm, xã Gành Dầu, huyện Phú Quốc (Kiên Giang) đưa con cá trê suối (còn gọi cá chình suối) về nuôi trong ao, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Giống cá này có tên khoa học (Clarias gracilentus) chủ yếu sống trong tự nhiên, chỉ có ở các con suối trong rừng trên đảo Phú Quốc với số lượng rất ít.
 
 
Cá hô được coi là quý hiếm và lâu lâu người ta mới bắt được một con cá hô trên sông lớn. Vài năm trước, nhóm kỹ sư của Trung tâm quốc gia Giống thủy sản Nam bộ đã thuần dưỡng và cho sinh sản nhân tạo thành công cá hô. Từ những nghiên cứu của các nhà khoa học, nhiều người dân đã bắt đầu nuôi cá hô.
 
 
Xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang có lợi thế dòng sông Lô chảy qua. Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở xã đã tận dụng lợi thế này để đầu tư nuôi cá chiên - một loài cá đặc sản, quý hiếm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện xã có 28 hộ nuôi cá chiên với hơn 120 lồng nuôi, tập trung chủ yếu ở các thôn Ba Luồng và Bình Thuận.
 
 
Điển hình như: Mô hình chăn nuôi cá chiên, cá bỗng đặc sản của Hợp tác xã Chăn nuôi cá đặc sản Thái Hòa do ông Phạm Thanh Bình, thôn Ba Luồng, xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên làm Giám đốc đang là điểm thu hút nhân dân các vùng đến học hỏi, làm theo. Mô hình của ông hiện có 15 lồng nuôi cá bao gồm 9 lồng nuôi cá chiên, 6 lồng nuôi cá bỗng. Với giá cá chiên, cá bỗng thành phẩm trung bình là 550.000 đồng/1kg, mỗi năm, ông thu lãi từ 350 - 370 triệu đồng từ nuôi cá. Theo tính toán của bà con, nếu mỗi lồng nuôi từ 100 - 120 con cá chiên giống, sau 12 tháng chăm sóc cá đạt trọng lượng từ 1,5 - 2kg, trừ chi phí người nuôi có thể thu lãi khoảng 50 - 60 triệu đồng/lồng.
 
 
Ngoài ra, còn một số giống cá đặc sản được nuôi thành công như cá lăng đuôi đỏ được nuôi nhiều nhất ở sông Bình Di, huyện An Phú – An Giang với gần 200 bè, cung cấp cho các tỉnh ĐBSCL và Thành phố Hồ Chí Minh. Cá éc, sống ngoại tự nhiên đang hiếm đi. Nhiều nông dân ở Đồng Tháp bắt cá con về nuôi trong bè, bằng thức ăn công nghiệp giúp cá lớn nhanh. Loại này đang trở thành cá đặc sản với món nướng chuôi của Đồng Tháp, giá từ 400.000 - 450.000 đ/kg. Cá heo nước ngọt giá dao động từ 300.000 đến 400.000 đồng/kg. Đây là loài cá da trơn, con to bằng 2 ngón tay, có hai ngạnh nhọn trên đầu. Loại cá đặc sản ở miền Tây này được nướng muối ớt, kho tộ, nấu canh chua… Anh Bùi Chí Linh, ở ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú là người đầu tiên nuôi thành công loài cá heo nước ngọt với 6 bè. Một năm doanh thu bán cá giúp anh Linh lãi trên 400 triệu đồng. Cá thát lát nuôi nhiều nhất ở Hậu Giang và được tỉnh xây dựng thương hiệu thành loại cá đặc sản tỉnh nhà. Cá thát lát có thể làm nhiều món ăn như làm chả hay để nguyên con muối xả ớt…giá từ 140.000 -170.000 đồng/kg. Đơn cử như hộ ông Phạm Quang Tuyến, ở xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò - Đồng Tháp nuôi cá thát lát trong lòng bè bằng thức ăn công nghiệp. Với 9 lòng bè thát lát thương phẩm, hiện nay mỗi năm ông Tuyến thu lãi gần 700 triệu đồng. Trước đây, giống cá chạch lấu chủ yếu đánh bắt ngoài thiên nhiên. Nhưng đến nay, loại cá này đã được nuôi trong bè và có giá từ 170.000 đến 240.000 đồng/kg. Cá bống tượng được nuôi phổ biến nhiều năm qua, nhưng do thịt thơm ngon nên giá vẫn khá cao, dao động từ 350.000-450.000 đồng/kg.
 
 
Trong điều kiện thực tế của người nuôi các loại cá như cá tra, cá điêu hồng... đang có thu nhập bấp bênh thì việc nuôi các loại cá đặc sản này là một hướng đi mới. Phần lớn người nuôi đều có lãi, mở ra triển vọng cho nghề nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên việc nuôi cá đặc sản được triển khai đại trà do thị trường tiêu thụ phụ thuộc vào nhà hàng, quán ăn... nên nếu mức cung lớn thì chắc chắn giá cá sẽ hạ nhanh, người nuôi sẽ không có lãi.

Phú Thịnh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo