Xây dựng gia đình văn hóa (GĐVH) là một trong những nội dung của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” từ lâu đã được các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể quan tâm thực hiện, nhất là được nhân dân các dân tộc trong toàn tỉnh hưởng ứng và đạt những kết quả nhất định.
|
Hưởng ứng phong trào xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch”, hội viên phụ nữ Thành phố tích cực phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc. |
Xây dựng gia đình văn hóa (GĐVH) là một trong những nội dung của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” từ lâu đã được các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể quan tâm thực hiện, nhất là được nhân dân các dân tộc trong toàn tỉnh hưởng ứng và đạt những kết quả nhất định.
Đổi thay ở cơ sở
Xây dựng GĐVH, xóm, tổ dân phố văn hóa là nội dung cốt lõi trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở huyện Trùng Khánh. Phong trào đã được nhân dân đồng tình hưởng ứng, đa số các gia đình thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng GĐVH, nâng cao ý thức trong việc chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hằng năm, huyện chỉ đạo các cấp xây dựng kế hoạch thực hiện công tác gia đình, xóm, tổ dân phố văn hóa nhằm nâng cao chất lượng đáp ứng tiêu chí XDNTM.
Đồng chí Lương Văn La, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Trùng Khánh cho biết: Để phong trào đi vào thực tiễn, đạt kết quả, nhiều năm qua, huyện đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể lồng ghép thực hiện tốt nội dung xây dựng đời sống văn hoá, GĐVH với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị. Liên đoàn Lao động huyện vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tích cực tham gia lao động sáng tạo, tích cực đăng ký danh hiệu GĐVH hằng năm.
Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp hưởng ứng mạnh mẽ thông qua các phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" góp phần XDNTM và đô thị văn minh; chỉ đạo các cấp Hội tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, vận động các hộ gia đình nắm vững và thực hiện các tiêu chí của phong trào. Hằng năm, Ban Chỉ đạo các cấp tổng kết đánh giá phong trào nhằm tuyên dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể xuất sắc trong thực hiện phong trào. Đến nay, trên địa bàn huyện có 9.260/12.156 hộ GĐVH, đạt 76,1%; 143/231 làng, tổ dân phố văn hóa, đạt 61,9%.
Tại xã Lang Môn (Nguyên Bình), các nội dung phong trào xây dựng GĐVH gắn với XDNTM được phổ biến tới từng gia đình, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Hằng năm, có trên 70% số gia đình đạt GĐVH. Tiêu biểu như gia đình chị Tô Thị Bến, xóm Nà Po, xã Lang Môn là gia đình “kiểu mẫu” trong thực hiện phong trào xây dựng GĐVH gắn với XDNTM ở địa phương.
Là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ xóm, chị luôn gương mẫu và tích cực vận động nhân dân, các hội viên cùng thực hiện tốt các phong trào xây dựng GĐVH. Các thành viên trong gia đình đều tích cực tham gia phong trào hoạt động ở địa phương. Chị Bến chia sẻ: Muốn xây dựng GĐVH, trước hết phải xây dựng cuộc sống của gia đình mình được ấm no, hạnh phúc. Vì vậy, tôi luôn vận động các thành viên trong gia đình chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tích cực hưởng ứng các phong trào, hoạt động ở địa phương. Mạnh dạn đi đầu trong việc đưa khoa học kỹ thuật, giống cây, con mới vào sản xuất, chăn nuôi. Gia đình tôi ngoài trồng lúa, ngô còn chăn nuôi, mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng. Có kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi, tôi lại trao đổi, phổ biến cho nhiều chị em trong xóm cùng thực hiện, góp phần giúp nhiều chị em trong xóm thoát nghèo. Gia đình tôi có 2 thế hệ cùng sinh sống, luôn hòa thuận, con cái chăm ngoan, học giỏi. Nhiều năm liền gia đình tôi đạt GĐVH, bản thân tôi đạt Hội viên phụ nữ xuất sắc 5 năm liên tục.
Để phong trào lan tỏa mãi
Xây dựng GĐVH giữ vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, cụ thể là xây dựng GĐVH, làng, khu phố văn hoá, xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới đã góp phần quan trọng trong xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, nâng cao dân trí, tạo sự đoàn kết trong nhân dân, từng bước thực hiện thắng lợi công cuộc XDNTM.
Đồng chí Triệu Thị Thu Hằng, Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch nhận định: Công tác tuyên truyền, vận động, đăng ký xây dựng GĐVH được Ban Chỉ đạo Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" các cấp quan tâm chỉ đạo nên số lượng các gia đình được công nhận GĐVH ngày càng tăng. Các sở, ngành lồng ghép vào nội dung các tiêu chí thi đua, làm cho phong trào ngày càng đa dạng, phong phú, tiêu biểu là các phong trào: Xây dựng gia đình nông dân văn hoá, Gia đình cựu chiến binh văn hóa, Gia đình nhà giáo văn hóa, Gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc, tiến bộ, Gia đình thể thao... Công tác đăng ký xây dựng GĐVH được bình xét trên tinh thần công khai, dân chủ, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Nhờ triển khai thực hiện các biện pháp đồng bộ, phong trào xây dựng GĐVH có sức lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, trở thành mục tiêu phấn đấu của mọi gia đình. Các GĐVH tiêu biểu là những tấm gương sáng ở cộng đồng dân cư về phấn đấu thực hiện các tiêu chí gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đồng thời là nhân tố tích cực, quan trọng trong việc bảo vệ, gìn giữ các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Năm 2016, toàn tỉnh có 98.772/121.267 gia đình đạt danh hiệu GĐVH, đạt tỷ lệ 81,4%, trong đó có 13 gia đình văn hóa tiêu biểu được bình chọn, suy tôn khen thưởng nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28/6).
Bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào xây dựng GĐVH phát triển chưa đồng đều ở một số nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ít người. Một số nội dung, phong trào cụ thể chưa được triển khai thực hiện đầy đủ. Việc cụ thể hóa các nội dung, tiêu chí xây dựng GĐVH còn lúng túng. Việc đăng ký, bình xét các danh hiệu văn hóa ở một số địa phương chậm, chưa kịp thời, việc tổ chức thực hiện ở một số địa phương còn mang tính hình thức. Phong trào phát triển về bề rộng chưa đi đôi với chiều sâu, số lượng chưa tương xứng với chất lượng. Chất lượng phong trào xây dựng GĐVH ở nhiều địa phương còn thấp nên chưa phát huy hết vai trò tác dụng trong đời sống xã hội. Tình trạng mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội như đánh đề, đánh bạc, ma tuý, nạn tảo hôn có giảm nhiều nhưng vẫn tồn tại; vệ sinh môi trường chưa được đảm bảo, vẫn còn tình trạng để gia súc, gia cầm dưới gầm sàn nhà ở...
Để phong trào xây dựng GĐVH gắn với XDNTM lan tỏa sâu rộng trong nhân dân, chính quyền các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân, vận động toàn xã hội quan tâm xây dựng đời sống văn hóa, GĐVH, làng, xóm, tổ dân phố văn hóa theo chiều sâu, chất lượng, hiệu quả. Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp, không ngừng đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động để thu hút, tập hợp, phát huy mọi lực lượng tham gia phong trào. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, vững chắc về xây dựng nếp sống văn hóa.
Phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, đây là khâu đột phá thực hiện nếp sống văn hóa trong toàn xã hội, làm căn cứ để công nhận, khen thưởng các danh hiệu thi đua đã được ghi nhận trong Luật Thi đua - Khen thưởng đối với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Các ngành, đoàn thể thành viên trong Ban Chỉ đạo các cấp tiếp tục cụ thể hóa các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội có nội dung văn hóa lồng ghép triển khai thực hiện hiệu quả vào các phong trào cụ thể. Tổ chức tốt việc bình xét, thẩm định công nhận các danh hiệu văn hoá theo quy định của Luật Thi đua - Khen thưởng...
Việc thực hiện xây dựng GĐVH càng lan tỏa, đều khắp sẽ hướng cộng đồng, xã hội đi vào trật tự, kỷ cương, dần xóa bỏ những điều chưa tốt, xây dựng đời sống tinh thần tốt đẹp, văn minh, góp phần XDNTM hiệu quả, tạo nên sự chuyển biến thực chất, rõ nét ở các vùng, miền trong toàn tỉnh.