Bao năm là “ốc đảo”
Cách thị trấn huyện Kông Chro chỉ hơn 10km, nhưng địa hình hiểm trở, suốt hàng chục năm qua Yang Nam vẫn bị coi là “ốc đảo”. Củ sắn, hạt lúa đã se sắt vì nắng gió mà tiêu thụ được cũng khó khăn. Mua đắt, bán rẻ là điều mà bà con phải mặc nhiên chấp nhận. Bởi vậy khi bắt đầu khởi động chương trình xây dựng nông thôn mới, mục tiêu Yang Nam nhắm tới trước hết là “cuộc cách mạng” giao thông…
|
Nhờ “cuộc cách mạng” giao thông, những cánh đồng mía của xã Yang Nam đã xuất hiện cơ giới hóa. ảnh: N.T |
“Đồng bào Bana mình xưa nay nhà cửa thường cất lộn xộn, không như người Jrai quay về 1 hướng thẳng hàng” – Chủ tịch Hội ND xã Đinh Văn Đa phân trần. Không có khái niệm “kinh tế vườn” nên diện tích đất ở rất chật hẹp. Mở đường tất phải đụng chạm đất đai nhà cửa của nhiều người… Rồi thì trường học, trạm y tế, sân thể thao trước đây chưa được quy hoạch đang cần một quỹ đất lớn… Kinh phí xây dựng nông thôn mới trên cấp có hạn; nguồn thu của xã thì không đáng kể. Vận động bà con hiến đất do vậy là giải pháp tốt nhất để tháo gỡ nút thắt - và Hội ND xã được giao giữ vai trò nòng cốt trong nhiệm vụ khó khăn này…
“Trường học, trạm y tế, sân thể thao và 17 công trình giao thông liên xã, thôn rộng rãi, phong quang được như hôm nay, tất cả đều nhờ cán bộ, hội viên Hội ND chung tay hiến đất. Thật tình mình cũng không ngờ phong trào vận động nông dân hiến đất lại thành công đến vậy…” - ông Đinh Văn Đa nói một cách tự hào.
Đâu khó có cán bộ hội
Từ phong trào hiến đất, tinh thần tự giác đóng góp xây dựng nông thôn mới đang lan tỏa khắp các làng. Trong việc phấn đầu để hoàn thành các tiêu chí còn lại, Hội ND vẫn đang là lực lượng nòng cốt đi đầu”.
Ông Đinh Văn Đa
|
Ông Đa tâm sự: “Khi được xã giao nhiệm vụ, mình lo lắm. Đụng đến quyền lợi, nhất là phong tục, tập quán đối với bà con nhận thức còn hạn chế là điều rất khó. Mình bàn với anh em cán bộ hội chọn làng Krôn I làm điểm. Xác định cán bộ, hội viên phải gương mẫu đi đầu; còn bản thân mình sẽ đảm nhận những trường hợp khó nhất…”.
Thật lắm gian nan với cái lý “đường làm ra ai cũng đi; trường học xây lên con cháu cả làng, cả xã cùng học, sao lại riêng vài người chịu thiệt?”. Phải kiên trì giải thích, vận động để bà con hiểu thế nào là lợi ích riêng, chung mà không tự ái… “Gian khổ nhất vẫn là trường hợp ông Đinh A Luych. Mình đến lần đầu, ông ngó lơ không muốn tiếp. Lần hai rồi lần ba cũng thế. Biết ông làm ăn khá, là hội viên gương mẫu nhưng tư tưởng chưa thông nên mình vẫn kiên trì…” - ông Đa thổ lộ.
Đến lần thứ 6 rồi thứ 7 thì ông Luych nghe ra. Chẳng những hiến 1 lần, ông còn hăng hái hiến lần 2 với tổng cộng gần 3.600m2 đất...“Đầu xuôi đuôi lọt”, ông Luých đã thông thì mọi người cũng theo ông. 12 hộ xung phong hiến đất xây dựng trường học; 2 hộ hiến đất xây trạm y tế; 65 hộ hiến đất làm đường giao thông; 25 hộ hiến đất làm sân thể thao… Ngoài ông Đinh A Luych, ông Đinh B’Det ở làng Rơng hiến hơn 3.000m2; Đinh A Lưm hơn 3.400m2… Đặc biệt là bà Đinh Thị B’Yơnh cũng ở làng Rơng hiến tới 11.650m2…
Dù mới đi được hơn nửa chặng đường nông thôn mới, nhưng Yang Nam vẫn là một trong những xã đạt nhiều tiêu chí nhất của huyện Kông Chro. Với một trong những tiêu chí khó nhất là giao thông sắp hoàn thành, đời sống kinh tế - xã hội của xã nhờ đó đã có nhiều chuyển biến. /.