|
Nhờ đầu tư nhiều nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới, các tuyến đường trên địa bàn xã Phú Lộc đã được đầu tư mở rộng, kiên cố hơn trước. |
Hành trình đi mở đất
Sau ngày giải phóng đất nước, thực hiện chương trình xây dựng vùng kinh tế mới của Đảng và Nhà nước, 204 thanh niên của huyện Phú Lộc, tỉnh Bình Trị Thiên (nay là tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã xung phong đi tiền trạm vào Tây Nguyên khai hoang, mở đường để chuẩn bị đón dân vào sản xuất.
Ông Mai Đạm - một trong số những thanh niên tiên phong kể: “Ngày đó, nơi đây bốn bề thâm u, xung quanh lúc nào cũng như có con ma rừng lởn vởn, cảm giác lạnh lẽo ma mị đến kinh người. Chúng tôi, ngày đi khai hoang, đêm về nằm co ro trong những căn chòi tạm bợ với cái lạnh buốt xương của núi rừng. Nhưng chí đã quyết, mọi người tự bảo với nhau phải cố gắng nỗ lực”.
Một năm sau, với sự quyết tâm của những thanh niên tình nguyện, một vùng đất mới được mở ra. Tháng 3.1977, hơn 1.000 hộ dân từ Phú Lộc được đưa vào Tây Nguyên và chính thức lập nên xã Phú Lộc (huyện Krông Năng) bây giờ. Khi thành lập, Phú Lộc có hơn 6.000 khẩu được sắp xếp thành 29 đoàn và 4 đội sản xuất để chuẩn bị cho cuộc “chinh phục” vùng đất mới với biết bao hứa hẹn về một tương lai tươi sáng.
Nhưng những năm đầu tiên, kinh tế khó khăn, đói rét bủa vây cùng với bệnh tật hoành hành đã khiến cho hơn 2/3 số hộ ở Phú Lộc phải bỏ đi tứ tán. Ông Phạm Đình Nguyên - Chủ tịch xã Phú Lộc giai đoạn 1981-1987, nói với chúng tôi rằng, đã có lúc chính ông cũng tưởng chừng như sẽ “gục ngã”. Đói rét, bệnh tật đã khiến cho Phú Lộc ngày ấy có những mất mát về con người. Nhưng với cương vị được giao phó, ông Nguyên đã kiên gan cùng những người còn bám trụ lại vượt qua thử thách.
“Cuối cùng đất đã không phụ người, Phú Lộc đã bắt đầu thay da, đổi thịt với những vườn cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cà phê, cao su, hồ tiêu… thay cho những cây nông nghiệp ngắn ngày kém hiệu quả. Đời sống người dân từ đó từng bước được nâng lên” - ông Nguyên nói.
NTM thêm nguồn lực mới
Tính đến cuối năm 2016, toàn xã Phú Lộc đã đạt được 16/19 tiêu chí, tăng gấp đôi số tiêu chí so với năm 2011. Trong đó có 10 tiêu chí đã đạt và giữ vững, 6 tiêu chí cơ bản đạt, các tiêu chí còn lại cũng đang dần được hoàn thiện.
|
Sau những khó khăn ban đầu Phú Lộc đã có những bước chuyển ngày một nhanh và ổn định hơn. Ông Trần Văn Bảo - Bí thư, Chủ tịch UBND xã Phú Lộc, cho biết, trong những năm qua xã Phú Lộc đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm để tạo sức cạnh tranh trên thị trường.
Người dân đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, đưa những giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao, đồng thời áp dụng các biện pháp luôn canh, xen canh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích canh tác.
Trong chăn nuôi, người dân đã biết chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông, sang chăn nuôi theo mô hình kinh doanh trang trại tập trung, quy mô lớn như trang trại chăn nuôi lợn, chăn nuôi gà, vịt, chăn nuôi bò, dê, mô hình VAC… Cơ sở hạ tầng ngày càng được đầu tư mở rộng, đặc biệt hệ thống điện, đường, trường học, trạm y tế, các công trình phúc lợi được xây dựng đồng bộ, góp phần tạo bộ mặt của xã ngày càng khởi sắc.
Hạ tầng cơ sở phục vụ công tác hành chính, tiếp dân ngày được đầu tư khang trang; 100% đội ngũ cán bộ, đảng viên của xã có trình độ đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu công việc. Hệ thống giao thông toàn xã có 55km, trong đó có 27,4km đường bê tông hóa, cứng hóa, với tổng mức đầu tư 16,2 tỷ đồng và 9.011 ngày công, trong đó nguồn huy động từ nhân dân là 14 tỷ đồng, ngân sách nhà nước 2,2 tỷ đồng.
Toàn xã chí có 1 trường học với 10 lớp cấp 1 và 2 lớp cấp II, chất lượng giáo dục cũng ngày được nâng cao, cơ sở vật được quan tâm đầu tư đồng bộ, không còn tình trạng học ca 3, không còn phòng học tạm bợ… Đi đôi với việc phát triển kinh tế, văn hóa xã hội thì công tác xây dựng đảng được Đảng bộ xã Phú Lộc củng cố, kiện toàn trên cả 3 mặt, “chính trị, tư tưởng và tổ chức”.
Từ một chi bộ ban đầu chỉ có 4 đảng viên, thì đến nay, trải qua 18 kỳ đại hội, số đảng viên trong đảng bộ tăng lên 206 đảng viên, sinh hoạt tại 22 chi bộ trực thuộc đảng bộ xã. 100% thôn, trường học đều có đảng viên. Đảng bộ xã Phú Lộc được đánh giá là một trong những đơn vị đạt trong sạch vững mạnh nhiều năm của huyện Krông Năng.
“Những năm qua, cùng với sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân, Chương trình NTM đã tiếp thêm một nguồn lực cho Phú Lộc phát triển. Chỉ sau 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình NTM đã giúp Phú Lộc thay đổi diện mạo nông thôn, cơ sở hạ tầng thiết yếu từng bước hoàn thiện đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Từ sự chỉ đạo, các chi bộ thôn và ban phát triển các thôn đã khơi dậy được sức dân, khiến người dân chủ động chung tay xây dựng NTM một cách có hiệu quả và có tính lan truyền mạnh mẽ. Tính đến cuối năm 2016, toàn xã đã đạt được 16/19 tiêu chí, tăng gấp đôi số tiêu chí so với năm 2011. Trong đó có 10 tiêu chí đã đạt và giữ vững, 6 tiêu chí cơ bản đạt, các tiêu chí còn lại cũng đang dần được hoàn thiện”- ông Bảo nói.