|
Mô hình phát triển cây dược liệu gắn với du lịch mang đang được triển khai tại nhiều tỉnh nhờ hiệu quả mà nó mang lại |
Tỉnh Lào Cai hiện có hơn 800ha diện tích cây trồng dược liệu, bao gồm đương quy, cát cánh, chè dây, actiso, đan sâm, xuyên khung, được trồng tập trung tại các huyện Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà, Si Ma Cai. Những năm gần đây,dược liệu được coi là cây trồng chủ đạo, thúc đẩy tái cơ cấu ngành trồng trọt của, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng cao (bình quân thu nhập từ 120 - 240 triệu đồng/ha).
Sở NN-PTNT Lào Cai cho biết, định hướng của địa phương là sẽ phát triển cây dược liệu gắn với phát triển du lịch tại 2 huyện Sa Pa và Bắc Hà, đồng thời lựa chọn một số doanh nghiệp trở thành đối tác phát triển, sản xuất theo cơ chế doanh nghiệp đặt hàng, đảm bảo đầu ra tiêu thụ sản phẩm cho người trồng. Bên cạnh đó sẽ phối hợp với hai tỉnh Hà Giang và Lai Châu để tạo thành vùng liên kết sản xuất dược liệu trọng điểm.
Với lợi thế là vùng cao nguyên có khí hậu mát mẻ, hai huyện Mộc Châu và Vân Hồ của tỉnh Sơn La đang triển khai nhiều mô hình phát triển trồng cây dược liệu, đồng thời gắn với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Theo bản đồ quy hoạch của tỉnh, cao nguyên Mộc Châu có độ cao trung bình từ 800m đến 1000m so với mặt biển, cách Hà Nội khoảng 170km về phía Tây Bắc, thuận lợi cho trồng rau, hoa, cây dược liệu và phát triển du lịch.
Tại huyện Vân Hồ, Công ty Cổ phần thương mại công nghệ Bình Minh (Hà Nội) đã trồng 148ha dược liệu gồm cây đương quy, rau má mèo, kỳ tử, bạch truật, đẳng sâm, sa nhân, tỏi giống tại bản Hang Trùng, xã Vân Hồ và Lóng Luông.
Hiện, công ty đã tuyển thêm 27 lao động là người địa phương với mức lương khởi đầu 3 triệu đồng/ người/tháng. Ngoài ra, công ty còn chuyển giao kỹ thuật đến 55 hộ dân cùng tham gia sản xuất.
Từ thành công mô hình mang lại, Công ty tiếp tục vận động người dân các hộ ở 2 xã Vân Hồ và Chiềng Yên trồng cây dược liệu ngay từ vụ đông theo hình thức công ty cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật và thu mua sản phẩm, nhằm mở rộng diện tích phát triển cây dược liệu gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng tại địa phương.
Tại bản Bun, Thị trấn Nông trường Mộc Châu huyện Mộc Châu mô hình nuôi trồng đông trùng hạ thảo (tên khoa học là Cordyceps) một loại nấm dược liệu quý hiếm, do Công ty Cổ phần Cao nguyên thực hiện mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đây là đơn vị đầu tiên ở tỉnh Sơn La triển khai mô hình này. Dự án được thực hiện từ tháng 4 năm 2014, đến nay đã cho 2 đợt thu hoạch, chất lượng được đánh giá cao, với giá bán bình quân 20 triệu đồng/kg sản phẩm tươi.
Hiện nay, huyện Mộc Châu đã có 116 mô hình phát triển nông, lâm nghiệp. Qua đánh giá ban đầu cho thấy, với tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu, việc phát triển phát triển cây dược liệu đã góp phần khai thác tốt tiềm năng lợi thế vùng cao nguyên Mộc Châu, mang lại thu nhập cao, bền vững cho nông dân, góp phần tích cực trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Để thực hiện có hiệu quả việc phát triển trồng cây dược liệu gắn với phát triển du lịch sinh thái không những đòi hỏi các cấp chính quyền, địa phương phải có những quy hoạch cụ thể, ưu tiên dành nguồn kinh phí thực hiện các dự án bảo tồn, phát triển dược liệu, mà còn phải có những chính sách ưu đãi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trồng cây dược liệu nhằm cung cấp các sản phẩm an toàn cho thị trường, đồng thời gắn phát triển kinh tế với phát triển du lịch, nghỉ dưỡng, thu hút đầu tư vào các vùng trọng điểm.