Huyện Ba Bể (Bắc Kạn): Phát triển mô hình trồng giống bí xanh thơm đặc sản
16:51 - 29/06/2017
(TNNN) – Nhiều năm trở lại đây, giống bí xanh thơm đã trở thành loại cây trồng đặc sản, mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Ba Bể. Nhận thấy hiệu quả của mô hình nên dần dần, diện tích trồng bí xanh thơm cũng tăng lên qua từng năm. Đồng thời, thương hiệu sản phẩm sạch, an toàn nhờ đó cũng từng bước được xây dựng.
Mô hình trồng bí xanh thơm đặc sản có thể giúp nông dân Bắc Kạn thu về trên 200 triệu đồng

 
Bí xanh thơm được biết tới là giống cây trồng đặc sản bản địa của huyện Ba Bể. Loại quả này khi được đem chế biến có độ dẻo, vị đậm, ngậy béo và đặc biệt có mùi thơm rất hấp dẫn, ăn vào tốt cho sức khỏe, nhất là vào những ngày hè nóng bức. Do đó, sản phẩm đang được người tiêu dùng nhiều nơi ưa chuộng, thậm chí còn được dùng làm quà biếu tặng độc đáo.

 
Vốn khác biệt so với những quả bí xanh thông thường có hình dáng thon và dài, loại bí xanh thơm đặc sản này lại có hình bầu dục, nặng từ 1,5- 4 kg/quả. Sau khi trồng khoảng 70- 80 ngày đã bắt đầu cho thu hoạch quả non, thời gian sinh trưởng có thể kéo dài đến 120 ngày, năng suất trung bình đạt từ 15- 30 tấn/ha. Với những đặc điểm như: Toàn bộ thân, lá, hoa và quả đều có mùi thơm đặc trưng; khi chế biến, thịt quả màu phớt xanh, thơm, dẻo; vị đậm đà, ngon miệng… rất hấp dẫn đối với người sử dụng.

 
Vụ xuân năm 2017, toàn huyện đã xuống giống trồng được gần 27 ha bí xanh thơm, tập trung tại các xã: Địa Linh, Yến Dương, Thượng Giáo, Quảng Khê…. Vào thời điểm này, bà con nông dân nhiều nơi trong huyện cũng đang bước vào vụ thu hoạch bí xanh để phục vụ cho nhu cầu của thị trường, năng suất ước đạt từ 35- 40 tấn/ha. Nếu tính bình quân với giá bán trên thị trường như hiện nay dao động từ 6.000 - 8.000 đồng/kg thì 1 ha trồng bí xanh thơm có thể thu về trên 200 triệu đồng.

 
Giống bí xanh thơm được huyện tiến hành cho trồng thử nghiệm bắt đầu từ vụ Xuân năm 2011 trên 4 ha đất ruộng một vụ, đất soi bãi và đất đồi tại địa bàn một số xã như: Địa Linh, Hà Hiệu, Khang Ninh, Quảng Khê. Qua đánh giá bước đầu cho thấy, xét cả về hiệu quả kinh tế, năng suất và lợi nhuận của bí đạt cao hơn từ 2,5- 3 lần so với trồng ngô, lúa.

 
Từ cuối năm 2015, xã Địa Linh đã được chọn làm vùng xây dựng thương hiệu bí xanh thơm theo tiêu chuẩn rau an toàn, trở thành loại cây đặc sản chủ lực cùng với một số sản phẩm đã có thương hiệu trước đó của tỉnh như: Hồng không hạt; dong riềng; khoai sọ… Và cho đến vụ Xuân năm 2016, toàn huyện đã phát triển rộng rãi mô hình với diện tích trồng gần 20 ha bí xanh thơm.

 
Tại thôn Nà Lìn, nơi có diện tích trồng bí xanh thơm nhiều nhất xã với khoảng 4 ha mà hầu hết đều được chuyển đổi từ đất ruộng sang trồng bí xanh. Diện tích gieo trồng năm 2017 cũng tăng gấp đôi so với năm 2016, sản lượng ước đạt 150 tấn. Những ngày này, dọc theo tuyến đường tỉnh lộ 258, nhiều hộ dân đã bày bán bí xanh thơm ngay tại cửa nhà để phục vụ, giới thiệu sản phẩm với khách đi đường hoặc những đoàn khách tới tham quan du lịch hồ Ba Bể.

 
Theo ông Nông Văn Sinh- Chủ tịch Hội ND xã Yến Dương: Bí xanh thơm với nhiều ưu điểm như: Dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, đầu tư ban đầu thấp, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Theo tính toán của các hộ nông dân thì chi phí cho 1 ha diện tích trồng bí xanh thơm vào khoảng trên 20 triệu đồng là hoàn toàn phù hợp với khả năng đầu tư của người dân nơi đây.

 
Để giữ vững thương hiệu sản phẩm sạch, an toàn, năm 2016, huyện Ba Bể cũng đã phối hợp với Trường Cao đẳng nghề dân tộc nội trú của tỉnh mở lớp đào tạo sơ cấp nghề nông ngư cho 37 người dân tại thôn Nà Đúc và thôn Nà Lìn thuộc xã Địa Linh. Nội dung tập trung vào đào tạo, hướng dẫn người dân thực hiện canh tác các loại cây rau màu, mà chủ đạo là cây bí xanh thơm. Vì vậy, năng suất và chất lượng cây trồng đều tăng, quy trình sản xuất cũng được đảm bảo. Bên cạnh đó, các cán bộ của Phòng Nông nghiệp huyện còn thường xuyên đi kiểm tra, nắm bắt tình hình phát triển của cây để hướng dẫn bà con sử dụng các chế phẩm sinh học an toàn.

 
Bà Vi Thị Lọc- Tổ trưởng Tổ hợp tác nông lâm ngư thôn Nà Lìn- xã Địa Linh cho biết: Từ khi tham gia vào Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn tới nay, các hộ dân đều tuân thủ chặt chẽ về quy trình sản xuất sạch như: Sử dụng nước sạch và phân hữu cơ, chủ yếu là phân chuồng ủ hoai mục trong suốt quá trình chăm sóc; việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật được kiểm tra, giám sát chặt chẽ, từng bước hạn chế và chuyển dần sang các chế phẩm sinh học an toàn… Đây cũng là nguyên nhân chính làm cho sản phẩm bí xanh thơm trở thành một trong những loại rau sạch được rất nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

 
Tuy mới xuất hiện trên thị trường chưa lâu nhưng bí xanh thơm đã trở thành đặc sản của tỉnh và đang được nhiều người ưa thích nhờ hương vị thơm ngon, quy trình sản xuất sạch, bảo quản lâu, là loại rau xanh có thể dự trữ tốt. Đối với đồng bào miền núi vốn phải chịu nhiều ảnh hưởng bất lợi của các yếu tố thời tiết, đây thực sự là nguồn rau xanh dự trữ rất tốt bởi mỗi khi tới mùa mưa bão hay mùa đông giá rét thường rất hiếm rau xanh. Do vỏ quả bí có độ dày, cứng nên có thể để từ 1 - 2 năm mà không lo bị thối, hỏng mặc dù chẳng cần dùng tới các loại hóa chất bảo quản.

 
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hiện nay là làm sao để tạo được chỗ đứng vững chắc cho bí xanh thơm trên thị trường. Để chủ động trong việc tiêu thụ sản phẩm, ngoài việc người dân thu hái, đem bán tại một số nơi trong tỉnh hoặc thương lái tìm đến mua tận vườn thì huyện cũng đã liên kết với nhiều cơ sở, đại lý, siêu thị ngoài tỉnh để giúp ổn định thị trường; đặc biệt là vào thời điểm chính vụ thu hoạch từ giữa tháng 6- 7, khi sản lượng tăng cao.

 
Ngoài ra, bằng cách xúc tiến thành lập các HTX làm đầu mối thu mua việc tiêu thụ bí xanh thơm sẽ sớm có đầu ra ổn định.


 

Thu Phượng
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo