|
Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn ở Đại Đồng đã được đầu tư bê tông hóa. |
Kết quả có được ấy có sự đóng góp rất lớn của người dân, nhất là công tác dân vận tốt đã khơi dậy niềm tin để nhân dân cùng chung sức xây dựng NTM.
Làng quê thay da, đổi thịt
Theo ông Trương Hữu Mai, xã có cụm công nghiệp Đại Đồng với một số doanh nghiệp vào hoạt động hiệu quả, hàng năm giải quyết việc làm cho trên 300 lao động của địa phương. Trong đó tiêu biểu như Nhà máy Gạch tuynel Đại Hưng (ở thôn Lâm Tây), giải quyết việc làm cho 150 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 3,5-5 triệu đồng/người/tháng.
|
Về Đại Đồng hôm nay, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự thay da, đổi thịt của vùng quê này. Con đường Tỉnh lộ ĐT609 nối từ Đại Quang lên Đại Đồng đã được đầu tư mở rộng, những con đường đất lầy lội trước đây (kể cả đường thôn, xóm) giờ đây được thay bằng những con đường trải nhựa và bê tông hóa phẳng lỳ. San sát những ngôi nhà mới xây khang trang nằm hai bên đường, tường rào cổng ngõ được xây kiên cố, quy củ...
Trao đổi với phóng viên, ông Trương Hữu Mai – Chủ tịch UBND xã Đại Đồng cho biết,qua hơn 6 năm triển khai xây dựng NTM bộ mặt nông thôn ở Đại Đồng đã có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, từ nguồn vốn của chương trình, lồng ghép các chương trình khác và nhân dân đóng góp, xã đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông và các công trình thiết yếu phục vụ dân sinh. Trong giai đoạn 2012-2016 Đại Đồng đã xây dựng được 5.950km đường trục chính nội đồng, 15.603m kênh mương được kiên cố hóa.
Về cơ sở vật chất văn hóa, hiện xã có 8/8 thôn có khu văn hóa, tuy nhiên hiện nhà văn hóa thôn Vĩnh Phước đã xuống cấp, địa phương đang xây dựng mới với kinh phí là 1 tỷ đồng. Ngoài ra, xã đã quy hoạch 8 khu thể thao, xây dựng khu vui chơi cho trẻ em và người cao tuổi. Xây dựng mới trạm y tế xã với tổng vốn đầu tư trên 5 tỷ đồng. Ngoài các trường được đầu tư kiên cố, xây mới hàng chục phòng học của mầm non, tiểu học và trung học cơ sở với giá trị hàng chục tỷ...
“Nhìn chung từ khi triển khai Chương trình xây dựng NTM đến nay, địa phương đã có nhiều thay đổi rõ rệt, từ cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất trường lớp, y tế… được xây mới đồng bộ và khang trang hơn” - ông Mai phấn khởi chia sẻ.
Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Từ Văn Bình - Trưởng thôn Vĩnh Phước cho hay: “Từ khi có chủ trương xây dựng NTM, bà con nhân dân trong thôn ai ai cũng hưởng ứng tích cực, tham gia đóng góp hàng nghìn ngày công, tiền của, dỡ bỏ hàng rào, cây cối để xây dựng đường sá… Tiêu biểu là các hộ ông Võ Thu, Lê Minh Tân (ở thôn Vĩnh Phước), luôn đi đầu trong mọi phong trào của thôn, xóm. Nhờ đó, hiện nay đường sá của thôn được bê tông hóa sạch sẽ, được thắp sáng vào các buổi tối…
Thu nhập tăng lên
Địa bàn Đại Đồng có Quốc lộ 14B chạy qua nối liền với các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, là điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội, thuận lợi trong việc giao thương hàng hóa và phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp. Hơn nữa, Đại Đồng là nơi có nhiều tài nguyên khoáng sản, như vàng sa khoáng, đá tràng thạch, đất, tài nguyên rừng... Đây là điều kiện để địa phương đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang hướng tích cực hơn.
“Thương mại - dịch vụ của xã có bước phát triển đáng kể, nhất là dọc các tuyến đường chính, trục ĐT 609 nhiều hộ đã mạnh dạng mở rộng kinh doanh và tăng dần số lượng lên qua từng năm. Hiện toàn xã có trên 100 hộ kinh doanh buôn bán, giải quyết được một lượng lớn lao động cho địa phương, đồng thời góp phần tăng thu nhập đáng kể cho người dân” - ông Mai thông tin.
Để nâng cao thu nhập cho người dân, chính quyền xã Đại Đồng đã chú trọng xây dựng được các mô hình trồng trọt, chăn nuôi đem lại hiệu quả cao như: Mô hình trồng rau sạch ở vùng cồn thôn Bàng Tân; mô hình chăn nuôi tập trung ở thôn Lâm Tây, Vĩnh Phước; mô hình nuôi cá và trồng sen... Riêng mô hình sản xuất lúa giống với diện tích 120ha tại 4 thôn Bàng Tân, Lộc Phước, Lam Phụng và An Định, đạt năng suất bình quân 75 tạ/ha đối với giống Thiên ưu và 55 tạ/ha đối với giống Bắc thơm, nhờ đó người trồng có thu nhập cao gấp rưỡi, gấp đôi so với làm lúa ăn bình thường.
Ngoài cây lúa, bà con cũng triển khai những vùng chuyên canh cây màu hiệu quả khác, trong đó phải kể đến cây dưa hấu, đậu phụng, đậu côve, đậu nành, cây bắp, ớt, bí đỏ, sả và các loại hoa màu khác. Ngoài thế mạnh trồng trọt, Đại Đồng còn chú trọng đến chăn nuôi lợn, bò, gà, vịt…
“Bên cạnh tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, bà con trong thôn Vĩnh Phước còn tích cực tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Nhiều hộ tiêu biểu, trong đó phải kể đến hộ ông Nguyễn Ngọc Hiệp chăn nuôi 70 con bò, hay hộ ông Từ Long trồng cây dó bầu (trầm hương) với diện tích 4ha, thu nhập bình quân hàng năm trên 100 triệu đồng” - ông Từ Văn Bình phấn khởi cho hay.
Theo ông Trương Hữu Mai, nhờ chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, cây trồng, con vật nuôi mà kinh tế của xã nhưng năm qua tiếp tục tăng trưởng mạnh. Tổng giá trị sản xuất năm 2016 đạt 699,30 tỷ đồng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Thu nhập bình quân đầu người nhờ đó cũng tăng lên, cuối năm 2016 đạt 29,5 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,42% (giảm 1,5% so với năm 2015)...
“Đến nay xã Đại Đồng đã đạt 14/19 tiêu chí, còn lại 5 tiêu chí chưa đạt là giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, môi trường và thủy lợi. Hiện nay địa phương đã có những giải pháp và phân công cụ thể cho từng cán bộ phụ trách từng tiêu chí để thực hiện đồng bộ và đúng lộ trình. Mục tiêu trong năm 2017 đạt 2 tiêu chí thủy lợi, môi trường và an toàn thực phẩm. Năm 2018 đạt thêm 3 tiêu chí còn lại là giao thông, cơ sở vật chất văn hóa và cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn. Phấn đấu đến năm 2018 hoàn thành việc xây dựng “Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu”...
“Bên cạnh đó, xã sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án khác để đầu tư các tiêu chí còn lại. Tiếp tục vận động các tổ chức, cá nhân, trong, ngoài xã “chung sức” xây dựng NTM. Với quyết tâm như vậy, tôi tin rằng Đại Đồng sẽ hoàn thành được 19/19 tiêu chí NTM trong năm 2018 để xã về đích đúng tiến độ” - ông Trương Hữu Mai nhấn mạnh.