Thanh long ruột tím “đuổi nghèo” trên đất Bắc
08:43 - 07/07/2017
Anh Vũ Quang Vịnh ở tổ 12, phường Hòa Nghĩa, quận Dương Kinh (TP.Hải Phòng) đã trồng thành công giống thanh long ruột tím trên đất Bắc. Cây thanh long ruột tím cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn nhiều loại cây ăn quả khác, giúp gia đình anh từng bước cải thiện đời sống.
Theo anh Vũ Quang Định, trồng thanh long tím chỉ tốn công chăm sóc, tiền đầu tư không nhiều.


Thành công từ 200 trụ thanh long

Trước đây, cây thanh long chủ yếu được trồng ở vùng cát nóng Bình Thuận, vì đây là loại cây có khả năng chịu hạn tốt. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu, miền Bắc nóng hơn và rét giảm dần nên gần đây cây thanh long đã được trồng tại nhiều tỉnh phía Bắc. Anh Vịnh tận mắt thấy mô hình trồng thanh long của một người bạn ở Quảng Ninh, thấy hướng đi này phù hợp với vùng đất của địa phương, anh đã tìm hiểu rồi học hỏi kinh nghiệm và quyết định đưa giống cây thanh long ruột tím về trồng thử trên diện tích đất của gia đình.

Hiện nay, vườn thanh long của gia đình anh Vịnh đang trong thời gian cho thu quả rộ, bình quân mỗi trụ cho từ 10 - 20kg quả/lượt, anh thu từ 400.000 đến 1 triệu đồng/trụ. Một năm thanh long cho thu hoạch 7-8 lượt quả, tính ra một sào trung bình cũng cho thu nhập 18- 20 triệu đồng.

Với phương châm vừa học, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, ban đầu anh trồng thử nghiệm hơn 200 trụ thanh long ruột tím trên gần 5 sào đất chuyển đổi. Để tận dụng đất dưới gốc và ngăn cỏ dại mọc, anh Vịnh trồng thêm các cây dược liệu, dưa lê, bí ngô, dưa gang. Mặt hai bên sườn luống anh dùng nylon phủ kín để mùa đông không bị tình trạng khô nứt mặt luống, cây không bị đứt gốc rễ, bón phân không bị rửa trôi. Nhờ chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật nên hơn 1 năm sau cây đã ra quả với giá bán cao nên gia đình anh thu về gần 200 triệu đồng.

Anh Vịnh chia sẻ: Những năm đầu anh ít kinh nghiệm nên thanh long ra hoa rất nhiều nhưng tỉ lệ đậu quả ít. Nhiều đêm vợ chồng anh thức trắng để theo dõi hoa thanh long  nở. Một đêm, khi phát hiện thấy các bông nở không chụm vào nhau như anh từng nhìn thấy tại các đồi thanh long ở Quảng Ninh, anh quyết định dùng bông thấm rồi quệt cho tất cả các hoa để thụ phấn nhân tạo. Từ lần đó, thanh long đậu quả tới 90%. Cây thanh long lại hợp với chất đất chua mặn quê anh, tuy quả không to nhưng chất lượng thơm ngon và ngọt hơn vùng khác.

Dư dả nhờ thanh long ruột tím

Qua chăm bón, anh nhận thấy đây là cây dễ trồng, chỉ vất vả ở công làm, không tốn tiền đầu tư. Để cho cây phát triển tốt, phải thường xuyên cắt bỏ những nhánh bé. Cây nào mắt không cao phải cắt ghép mắt khác bổ sung vào cây có năng suất cao để kịp thời năm sau có quả luôn chứ không phải trồng lại.  Những cành cắt bỏ thì lựa những phần thân cành từ cây mẹ ở giai đoạn bánh tẻ, cắt khúc dài khoảng 20cm làm hom giống; cành cắt xuống để nơi râm mát cho khô nhựa, các vết cắt thành sẹo lồi ra thì mang trồng. Những cành loại bỏ mang xay nhỏ để ủ làm phân hữu cơ.

 Anh Vịnh tự nhân giống thanh long để mở rộng thêm diện tích và bán giống cho mọi người trong vùng. Từ một gia đình luôn gặp khó khăn về kinh tế, khi có vườn thanh long, gia đình anh Vịnh đã có của ăn, của để, nuôi con ăn học không vất vả như trước. Cây thanh long ruột tím đã thực sự giúp anh xóa nghèo, làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương. 

 
Nguồn: danviet
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo