Tìm hướng đi bền vững cho thị trường xuất khẩu hoa quả Đồng bằng sông Cửu Long
17:42 - 31/07/2017
(TNNN) – Không chỉ là vựa lúa gạo, tôm cá, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ lâu cũng đã được coi là vựa cây ăn quả, góp phần quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu rau, quả chung của cả nước.
|
Rất nhiều loại hoa quả đặc sản của Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang được thị trường ưa chuộng |
Nhiều năm trở lại đây, nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng cường việc đầu tư thâm canh nên chất lượng của nhiều loại hoa quả không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, để có những đột phá trong sản xuất và xuất khẩu hoa quả thì các cấp, các ngành vẫn cần phải khắc phục được những tồn tại, hạn chế từ khâu chọn giống cho đến tiêu thụ sản phẩm.
Theo thống kê, hiện ĐBSCL có trên 300.000 ha diện tích trồng cây ăn quả, chiếm gần 40% diện tích trồng cây ăn quả của cả nước. Hàng năm cung cấp khoảng 4 triệu tấn quả cho thị trường cả trong nước và phục vụ xuất khẩu. Các tỉnh có diện tích trồng cây ăn quả lớn trong khu vực như: Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Đồng Tháp… Có khá nhiều loại cây ăn quả được trồng với diện tích lớn ở ĐBSCL bao gồm: Chuối, xoài, cam, nhãn, dứa, bưởi, sầu riêng, thanh long, chôm chôm, quýt…
ĐBSCL cũng là nơi có nhiều giống cây ăn quả bản địa ngon nổi tiếng, do đó vùng này còn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp hoa quả làm nguyên liệu phục vụ cho lĩnh vực xuất khẩu tươi và chế biến. Hiện nay, có rất nhiều loại hoa quả đang được thị trường ưa chuộng, kể cả cho xuất khẩu như: Giống xoài cát Hòa Lộc, Cát Chu đang được thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc ưa thích; thanh long, nhãn, chôm chôm khi xuất khẩu sang Mỹ cũng đã được người tiêu dùng đón nhận nên sản lượng gia tăng theo từng năm; bưởi da xanh, bưởi Năm Roi được các thị trường châu Á có nhu cầu nhập khẩu cả dạng tươi và chế biến…
Trong một thời gian dài, lĩnh vực xuất khẩu hoa quả của nước ta vẫn chủ yếu được xuất đi các thị trường tương đối dễ tính, trong đó thị trường truyền thống là Trung Quốc. Những năm gần đây, hoa quả của Việt Nam đã xâm nhập được vào các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Cannada, Newzealand, Chile, Hà Lan, Đức, Pháp... Trong đó, Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ được xem là thị trường mới nổi cho sản phẩm hoa quả của Việt Nam.
Những tín hiệu vui cũng như cơ hội để gia tăng giá trị xuất khẩu mặt hàng hoa quả trong những năm tới chủ yếu do nguồn cung đang có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực. Chẳng hạn như: Sản xuất rau quả an toàn theo quy trình GAP; chất lượng hoa quả được nâng lên; Việt Nam thúc đẩy việc tăng cường đàm phán với các nước như Mỹ, Úc... nên thị trường dần được mở rộng.
Tuy nhiên, từ chỗ được xác định là mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, thị trường thuận lợi, có thể phát triển nên nhiều địa phương trong vùng đã mở rộng diện tích sản xuất một cách ồ ạt, tự phát. Do đó, dù sản lượng đã tăng đáng kể nhưng chất lượng của sản phẩm vẫn còn thấp, thêm vào đó giá cả đầu ra cũng vẫn bấp bênh, lệ thuộc theo nhịp cung- cầu của thị trường.
Thêm vào đó, hạn chế lớn nhất của ĐBSCL là vẫn chưa hình thành được vùng chuyên canh sản xuất tập trung mà mới chỉ dừng ở mức sản xuất nhỏ lẻ, tự phát. Diện tích trồng cây ăn quả trung bình mỗi hộ đang còn thấp, phổ biến từ 0,3- 0,5 ha, thêm vào đó lại thiếu sự tập trung. Hiện nay mới chỉ có cây dứa và thanh long là đã hình thành được vùng trồng nguyên liệu tương đối tập trung.
Bên cạnh đó, dù các địa phương vẫn duy trì hình thức liên kết 4 nhà nhưng sự liên kết này còn yếu và lỏng lẻo. Ngoài ra, tỷ lệ các hộ nông dân áp dụng thành công những tiêu chuẩn như GlobalGAP, VietGAP trong sản xuất rau, hoa quả còn thấp và phân tán dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều, số lượng ít, không rải vụ theo thời gian.
Chính vì vậy đã dẫn đến tình trạng khó kiểm soát chất lượng hoa quả cung ứng cho thị trường. Đa số các nhà vườn thường dựa vào kinh nghiệm là chính, vì thế mỗi hộ lại có cách áp dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khác nhau. Tình trạng này cũng đã dẫn đến việc tuy cùng sản xuất một loại hoa quả nhưng chất lượng và mức độ an toàn thực phẩm của các hộ lại rất khác nhau.
Từ đó, các doanh nghiệp cũng sẽ khó có được khối lượng hàng đủ lớn với chất lượng đảm bảo và đồng đều về kích thước, ngoại hình của sản phẩm để đáp ứng theo những yêu cầu của các thị trường nhập khẩu khó tính. Chính những điều này đã khiến cho người nông dân luôn phải chịu thiệt về giá cả. Đây cũng đang là một bài toán khó cho hoa quả ĐBSCL khi mà các điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Ngoài ra, khâu đóng gói, vận chuyển của doanh nghiệp nhiều nơi vẫn còn thô sơ, không bảo đảm chỉ tiêu về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực tế cho thấy, đại bộ phận sản lượng hoa quả sản xuất ra vẫn đang được sử dụng dưới dạng ăn tươi, sản phẩm chế biến còn rất hạn chế. Thêm vào đó, đối với nhiều loại hoa quả, do có thời gian bảo quản ngắn, dễ bị tổn thương và tỷ lệ hư hỏng cao trong điều kiện khâu chế biến thiếu, công nghệ sau thu hoạch kém đã và đang dẫn đến nhiều phiền toái cho cả nhà vườn lẫn các doanh nghiệp kinh doanh hoa quả. Điều này cũng trở thành điểm yếu trong việc xuất khẩu hoa quả đi các thị trường xa và khó tính.
Trong bối cảnh nhu cầu của các thị trường nhập khẩu hoa quả lớn và cao cấp đang ngày càng có nhiều đòi hỏi khắt khe về chất lượng, nhất là yếu tố an toàn thực phẩm thì yếu tố quan trọng để hoa quả ĐBSCL phát triển bền vững là phải thực hiện tốt việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh quá trình liên kết sản xuất giữa các địa phương để sớm trở thành vùng sản xuất hàng hóa có định hướng, có điều tiết và được quản lý tốt.
Nhân tố chính quyết định cho sự thành bại trong công tác tổ chức lại sản xuất chính là nhà nước. Ngoài vai trò chủ đạo của nhà nước thì sự đổi thay từ ý thức đến hành động của người nông dân cũng không kém phần quan trọng. Bởi nếu chúng ta không có sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc sản xuất theo hướng an toàn thì đây sẽ là một thách thức rất lớn trong việc duy trì xuất khẩu ở mức cao và bền vững đối với ngành cây ăn quả.
Như vậy, trước mắt thì chính quyền các địa phương và bà con nông dân phải mạnh dạn tổ chức lại sản xuất theo hướng quy mô lớn, gắn từng cá thể vào chuỗi liên kết để có điều kiện áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, trong đó có kỹ thuật thâm canh, kỹ thuật xử lý rải vụ. Từ việc tổ chức lại sản xuất sẽ thuyết phục và khuyến khích được các doanh nghiệp cùng tham gia vào chuỗi liên kết. Đó cũng chính là hướng đi tất yếu để tạo ra chuỗi giá trị gia tăng từ sản xuất, thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ; dần dần phải hình thành được các hợp tác xã kiểu mới.
Đi đôi với việc tổ chức lại sản xuất, Nhà nước cũng cần có những chính sách đầu tư cho cơ sở hạ tầng để tạo thuận lợi cho quá trình sản xuất và vận chuyển; đặc biệt là đối với những vùng kênh rạch vốn gặp nhiều khó khăn về giao thông đi lại. Đồng thời, cần có cơ chế thu hút được các doanh nghiệp đầu tư sản xuất để chủ động ký kết với nông dân trong lĩnh vực tiêu thụ hoa quả; xây nhà máy chế biến, kho dự trữ… Đặc biệt, cần phải có chính sách về vốn cho các nhà vườn để giúp họ yên tâm tập trung sản xuất.
Như vậy, có thể thấy rằng mô hình trồng cây ăn quả đặc sản theo hướng VietGAP, GlobalGAP tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang có sức lan tỏa mạnh. Việc làm này sẽ mở ra hướng đi mới trong phát huy tiềm năng kinh tế vườn cũng như thúc đẩy kinh tế, xã hội của các địa phương phát triển một cách ổn định và bền vững.
Nhuận Tuấn