Hiệu quả từ mô hình phát triển kinh tế trang trại
16:08 - 31/07/2017
(TNNN) - Cả nước hiện nay có 29.600 trang trại, trong đó có 29,83% trang trại trồng trọt; 37,20% trang trại chăn nuôi; 17,86% trang trại thủy sản; 13,66% trang trại tổng hợp và 1,46% trang trại lâm nghiệp. Các mô hình trang trại được phân bố đều khắp cả nước; đã có nhiều mô hình trang trại phát huy được lợi thế của vùng, địa phương hiệu quả cho thu nhập cao, doanh thu từ 1 – 3 tỷ đồng/năm.
Bộ NN&PTNT đang tập trung chỉ đạo các địa phương phát triển mô hình kinh tế gia trại để hình thành các vùng chăn nuôi, trồng trọt tập trung

Chủ trương phát triển chăn nuôi, phát triển kinh tế rừng theo hướng trang trại, gia trại là những nỗ lực mà ngành nông nghiệp và các cấp Hội Nông dân ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam) hướng tới.


Đại Lộc hiện có khoảng 400 gia trại, trang trại, phần lớn chăn nuôi gia súc, gia cầm, được cấp chứng nhận đạt chuẩn. Trong số đó, căn cứ theo Thông tư hướng dẫn số 27 của Bộ NN&PTNT quy định về tiêu chí trang trại,  có 12 trang trại đạt chuẩn theo quy định, còn lại là các gia trại. Trên địa bàn huyện cũng đã hình thành các mô hình tổ hợp tác chăn nuôi như tổ hợp tác nuôi bò thương phẩm xã Đại Tân, tổ hợp tác nuôi dê thương phẩm xã Đại Lãnh, tổ hợp tác chăn nuôi xã Đại Hiệp, và các câu lạc bộ liên minh các trang trại, gia trại xã Đại Thắng, câu lạc bộ nuôi bò sinh sản ở Đại Tân, Đại Hiệp và Đại Phong…


Hoạt động trang trại, gia trại trên địa bàn huyện phần lớn ở dạng tổng hợp chăn nuôi bò sinh sản, heo rừng, heo thương phẩm, gà đẻ trứng, gà thả vườn, dê, lươn, ếch, ba ba, cá lồng bè, trùn huyết, nấm sò, kết hợp trồng rừng, trồng cây ăn quả…


Mấy năm trở lại đây, ông Lê Văn Kiêm – trú tại xã Đại Thắng đã từng bước củng cố trang trại chăn nuôi tổng hợp trên diện tích hơn 1ha, thuộc vùng quy hoạch chăn nuôi của xã Đại Thắng rộng 7ha. Thời gian đầu, ông Kiêm trồng các loại cây ăn quả miền Nam và nuôi đặc sản như ba ba, chồn hương… song hiệu quả chưa cao do yếu tố thiên tai, toàn bộ diện tích cây ăn quả đã bị bão quật đổ chỉ sau một lứa cho quả. Không nản chí, ông Kiêm quyết tâm khôi phục lại từ đầu, thả nuôi cả chục bò nái sinh sản, nuôi heo nạc, gà vịt, ngan ngỗng, đào ao thả cá…


Toàn bộ chất thải chăn nuôi và phụ phẩm nông nghiệp được dùng làm thức ăn cho cá. Với 3 ao nuôi cá chim, ba sa, trê lai, chép… mỗi năm ông thu hoạch 8 tấn cá và tổng doanh thu từ trang trại của ông trên dưới 1 tỷ đồng/năm. Ông Kiêm còn đứng ra vận động thành lập Liên minh các trang trại, gia trại xã Đại Thắng, thu hút 6 thành viên tham gia, nhằm chia sẻ kinh nghiệm, bảo vệ quyền lợi người chăn nuôi. Ông đang dự định thành lập HTX Thương mại - dịch vụ chăn nuôi xã Đại Thắng với mục tiêu là sẽ tranh thủ các cơ chế, chính sách từ Nhà nước để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng hàng hóa, có sự liên kết, tạo sự an toàn về đầu ra của sản phẩm…


Gần đây, mô hình trang trại của hộ ông Lê Văn Bảy ở thôn Tân Đợi, xã Đại Sơn là địa chỉ được nhiều nông dân tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Hơn 3 năm qua, ngoài thu nhập từ 20ha keo lá tràm rừng trồng, ông Bảy còn có đàn trâu cả chục con, có ao nuôi cá. Ông xây nhà cấp 4 để làm chỗ trú ngụ, đầu tư chuồng trại chăn nuôi heo kiên cố tại vùng đồi núi Khe Hoa.  Để việc chăn nuôi heo đem lại hiệu quả, ông Bảy dẫn nước từ Khe Hoa về trang trại, lọc kỹ rồi đưa vào hệ thống chuồng trại nuôi heo, vệ sinh chuồng trại.


Đàn heo của ông nuôi tầm 2 tháng rưỡi là xuất chuồng, mỗi năm bán ra thị trường 35 tấn heo thương phẩm, thu về hơn 1,5 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được 300 - 400 triệu đồng. “Giống heo bản địa thịt thơm ngon, lại có dáng đẹp nên bán rất được giá. Đến nay gia đình tôi có tổng cộng 200 con. Ngoài hai dãy chuồng sẵn có, tôi đang tính xây thêm hai dãy chuồng nữa để nhân đàn” - ông Bảy chia sẻ.


Mô hình trồng cây lâm nghiệp kết hợp chăn nuôi của ông Võ Sỹ Vàng ở xã Đức Phú, bà Phạm Thị Kim Anh ở thị trấn Mộ Đức, ông Trần Đạt ở xã Đức Lân và mô hình trồng cây ăn quả của ông Trần Minh Hiển, xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi là những mô hình gia trại mang lại hiệu quả cao cho hộ gia đình.


Đến thăm trang trại nuôi heo của bà Phạm Thị Kim Anh, ngoài trang trại nuôi heo theo kiểu công nghiệp, hàng năm trang trại của bà còn xuất bán ra thị trường khoảng 200 con heo thịt, người phụ nữ nhạy bén này còn trồng thêm 4ha keo và xà cừ. Chăn nuôi tập trung kết hợp trồng trọt không chỉ giúp bà có thu nhập ổn định mà còn giúp bà nhân đàn, vì khu vực chăn nuôi của bà nằm cách xa khu dân cư.


Cũng phát triển kinh tế gia trại, anh Nguyễn Quang Vinh, thôn Phước Thuận, xã Đức Phú lựa chọn con dê làm vật nuôi chủ lực. Với đặc tính dễ nuôi, sinh sản nhanh, sau 10 năm thả nuôi, anh Vinh đã phát triển được đàn dê gần 100 con. Dê nuôi sau 6 tháng là có thể đạt trọng lượng 20kg, với giá mỗi ký dê hơi dao động từ 150 nghìn - 180 nghìn đồng. Vì vậy, không chỉ mô hình kinh tế gia trại của anh Vinh, mà rất nhiều nông dân trên địa bàn huyện Mộ Đức nhờ phát triển nghề nuôi dê mà có được nguồn thu nhập ổn định hằng tháng. Hiện tổng đàn dê trên toàn huyện giữ mức ổn định khoảng 1.500 con.


Cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ chỉ đạo các địa phương tập trung khuyến khích, phát triển mô hình kinh tế gia trại để hình thành các vùng chăn nuôi, trồng trọt tập trung, đạt giá trị cao.
 
Anh Thư
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo