Khởi nghiệp từ gặt lúa mướn
15:24 - 08/02/2017
Với thu nhập gần nửa tỷ đồng mỗi năm, ít ai nghĩ đây là tiền lãi anh Trần Văn Siêng (SN 1970), ngụ ấp Thạnh Hòa Đông, xã Thạnh Trị, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) kiếm được từ nghề gặt lúa mướn.

Cái khác người là anh không gặt thủ công mà gặt mướn bằng… máy gặt đập liên hợp.

Anh Trần Văn Siêng bên những chiếc máy gặt mướn

 

Xuất thân là một nông dân nghèo, không đất sản xuất, anh Siêng từng phải đi cắt lúa mướn để mưu sinh qua ngày. Đến năm 1988, anh Trần Văn Siêng bắt đầu mua máy suốt lúa để đi suốt lúa mướn cho nông dân theo kiểu “cha truyền con nối”.

Do chỉ là máy suốt lúa truyền thống nên trung bình mỗi vụ, anh chỉ suốt được khoảng 20 - 30ha, cho thu nhập khoảng 30 - 40 triệu đồng/năm. Sau thời gian tích cực lao động, dần dần anh cũng tích luỹ được một số vốn kha khá để mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Từ khi các thương lái thu mua lúa tươi trên đồng ruộng, nhiều cánh đồng không đủ máy cắt lúa, nông dân không kịp thu hoạch lúa để bán nên dễ bị thất thoát và bị thương lái ép giá. Gia đình anh Siêng cũng thường rơi vào trường hợp này, nhất là các vụ thu hoạch lúa vào mùa mưa.

 Anh Siêng chia sẻ: “Nhà có 1ha ruộng nhưng ở cách xa nhà gần cây số, mỗi lần vào vụ thu hoạch rất vất vả khi kiếm nhân công. Giá công gặt tăng từng ngày, có khi lúa đã chín vàng đồng nhưng phải chờ 5 - 7 ngày mới thu hoạch được là chuyện thường. Đó cũng là cảnh ngộ của nhiều hộ làm lúa trong vùng...”.

Bức xúc trước tình trạng trên, năm 2011, gia đình anh đã đầu tư chi phí 530 triệu đồng mua chiếc máy gặt đập liên hợp để vừa thu hoạch lúa ruộng nhà và làm thêm dịch vụ quanh khu vực. Từ khi có chiếc máy gặp đập liên hợp hiện đại này, công việc làm ăn của anh ngày thêm thuận lợi và thu nhập cũng gia tăng.

 Do nhu cầu của bà con nông dân còn cao và quanh khu vực lại thiếu máy thu hoạch lúa trong mỗi vụ nên chỉ cách một năm sau gia đình anh Siêng đã mua thêm 1 chiếc máy gặt đập liên hợp để mở rộng quy mô gặt đập lúa mướn sang các cánh đồng lúa ở tận các tỉnh Đồng Tháp, An Giang…
 

Tiếp nối thành công bước đầu, năm 2015, anh mua thêm 1 máy nữa. Hiện nay, 3 chiếc máy gặt đập liên hợp trị giá hơn 1,5 tỷ đồng này, mỗi vụ gặt đập được khoảng 250 ha lúa. Anh Siêng cho biết: Mỗi năm ở 3 vụ gặt đập lúa mướn, sau khi trừ chi phí anh còn thu lãi hơn 400 triệu đồng. Ngoài làm nghề gặt đập lúa mướn, anh Siêng còn có 1 ha sản xuất lúa, mỗi năm cho thu nhập gần 80 triệu đồng.

 Anh Siêng nhẩm tính, mỗi năm thu lãi gần 500 triệu đồng từ gặt đập lúa mướn và trồng lúa. Không chỉ có thu nhập cao cho gia đình, anh Siêng còn tạo công ăn việc làm cho nhiều thanh niên nông thôn. Trung bình người làm công với các việc như điều khiển máy gặt có thu nhập 500 – 600.000 đồng/ngày; hứng lúa từ 250 – 300.000 đồng/ngày khi vào vụ. Hiện anh Siêng sử dụng khoảng 12 nhân công thường xuyên.

Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, anh Trần Văn Siêng còn hăng hái, tích cực góp sức cùng chính quyền địa phương trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Cuối năm 2013, anh đã hiến 500 m2 đất để làm đường giao thông nông thôn Nam Thạnh Hòa Đông, phục vụ cho việc đi lại, vận chuyển hàng hoá của bà con trong vùng.

 Anh Siêng cho biết trước đây, việc đi lại của bà con rất khó khăn do tuyến đường này thường xuyên sình lầy, trơn trợt mỗi khi vào mùa mưa. Do đó, anh đã tự nguyện hiến đất để chính quyền địa phương làm đường giao thông nông thôn. Ngoài hiến đất, anh Siêng còn dành hơn 20 triệu đồng, tráng bê tông tuyến đường có chiều ngang 2m, dài 100m để phục vụ đi lại cho bà con trong ấp.

Năm 2013, anh Trần Văn Siêng còn đứng ra thành lập tổ hợp tác bơm nước chống úng. Với 6 máy bơm nước, trung bình tổ có khả năng bơm chống úng cho khoảng 60 ha/vụ.

Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo