Tết này nhiều hộ chăn nuôi ở Củ Chi có bánh mứt, dưa hành… dư dả hơn nhờ lợi nhuận từ mô hình chăn nuôi trên đệm lót sinh học.
|
Mô hình chăn nuôi trên đệm lót sinh học cho hiệu quả cao tại Củ Chi. K.H |
Thông qua cầu nối là Trung tâm Khuyến nông huyện Củ Chi, mô hình chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học đã giúp nhiều hộ nông dân vươn lên làm giàu. Nhiều hộ ví von đệm lót sinh học là “tuyệt chiêu” chống mùi, giảm bệnh tật cho lợn…
Ông Phan Văn Phi (ngụ ấp 3, xã An Nhơn Tây) là một trong những hộ thực hiện mô hình chăn nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học khá thành công. Ông chia sẻ, đệm lót sinh học được làm từ hỗn hợp gồm chất độn chuồng (mùn cưa, mụn dừa, trấu…) và vi sinh vật được dùng lót trên nền chuồng lợn. Sau thời gian sử dụng và theo dõi, ông Phi nhận thấy thảm đệm lót này giúp phân giải phân, nước tiểu khi lợn thải ra nên không tạo mùi hôi, giảm tác nhân gây bệnh cho lợn, giảm ô nhiễm môi trường… Nhờ đó, đàn lợn lớn nhanh, khỏe mạnh, giảm chi phí điện, nước, công lao động.
Sau khi tính toán các chi phí đầu tư, ông Phi cho rằng, nuôilợn trên nền đệm lót sinh học cho thu nhập cao hơn nuôi lợn truyền thống từ 300.000 - 500.000 đồng/con. Vì thế, ông sẽ tiếp tục theo đuổi mô hình này trong những lứa chăn nuôi tiếp theo.
Ông Bùi Xuân Mai - hộ chăn nuôi ở xã Phạm Văn Cội (huyện Củ Chi, TP.HCM) cho biết, nuôi lợn trên đệm lót sinh học là mô hình nuôi lợn “4 không”: Không có mùi hôi, không có khí độc, không phải tắm lợn và không có chất thải ra môi trường.
Mô hình này ông giúp Mai tiết kiệm được 10% chi phí thức ăn, 60% công lao động, 80% nước và đặc biệt tốt cho môi trường vì không còn mùi hôi. Ngoài ra, đầu tư chuồng trại cho chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học cũng tiết kiệm hơn so với mô hình chuồng trại truyền thống. Cụ thể, đối với chuồng lợn thông thường trên nền xi măng, nông dân phải đầu tư 300.000 đồng/m2 còn chuồng đệm lót chỉ tốn 150.000 đồng/m2.
Trung tâm Khuyến nông huyện Củ Chi thông tin, trong năm 2016, để phát triển các mô hình chăn nuôi hiệu quả, đặc biệt là chăn nuôi trên đệm lót sinh học, đơn vị này đã tổ chức 28 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt theo VietGAP. Nông dân trong huyện cũng được đưa đi tham quan mô hình chăn nuôi tại các địa phương bạn, các tỉnh có ngành chăn nuôi phát triển với gần 500 hộ nông dân tham gia.