Vùng tôm hồi sinh sau 'biển động'
10:18 - 19/01/2017
Vùng đất rộng hàng chục ha với những hồ tôm được quy hoạch thẳng lối nhưng một bàn cờ khổng lồ đã thoát khỏi cảnh đìu hiu.

Anh Ngô Minh Phiện ở xã Ngư Thủy Trung, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) khoát tay nói: "Sau sự cố biển, vùng tôm này vẫn đứng vững. Người nuôi vẫn bám hồ, bám nghề. Tết này chắc chắn ai cũng có thu nhập cao chứ không phải cảnh bi lụy, chợ chiều...".
 

Gắn đời với con tôm

Một buổi chiều đông, mưa giăng giăng bạc trắng cả đất trời, chúng tôi đã tìm về cơ sở nuôi thủy sản của anh Ngô Minh Phiện ở thôn Thượng Bắc, xã Ngư Thủy Trung. Không khí làm ăn ở đây thật sôi động và nếu ông chủ không “cởi lòng” rất khó hình dung ra những ngày tháng qua, cơ sở này đã lao đao vì “biển động”. Anh Phiện sôi nổi: “Chúng tôi đang vượt qua sự cố môi trường biển để tiếp tục theo đuổi nghề đam mê lâu nay…”.

12-53-03_1
Anh Ngô Minh Phiện: "Sang năm sẽ suôn sẻ hơn"
 

Nghề mà anh Phiện đam mê là nuôi tôm trên cát. Anh tâm sự, cũng đã định “neo” cuộc đời mình trên vùng quê ngoại ở Quảng Trị, nhưng rồi quê hương vùng cát, có biển, có những trảng cát dài bát ngát như nhắc nhở mình phải làm một điều gì đó… Sau một thời gian trăn trở, đầu năm 2007 anh quyết định “dứt áo” với công việc, với bạn bè ở Quảng Trị để về nơi chôn rau cắt rốn sau khi đã có chút ít “vốn liếng” nuôi tôm trên cát.

Lúc mới về đây anh đã có một quyết định táo tợn khi thuê liền 10ha đất cát. Khi ấy, đất ven biển ở xã bãi ngang nghèo còn ngổn ngang, những trảng cát um tùm cây rười, xương rồng trải dài trong nắng gió… Điều đáng mừng là anh được chính quyền địa phương cũng như bà con trong vùng ủng hộ, động viên.

Anh Ngô Gia Ngãi, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Trung cho biết: “Khi thấy anh Phiện đang muốn mở ra hướng làm ăn mới trên vùng biển bãi ngang, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện tốt nhất cho anh và cũng đặt nhiều kỳ vọng ở cơ sở này”.

Khi bắt tay vào nuôi tôm trên cát, công việc mà như nhiều người ví von là “việc của nhà giàu”, anh bắt đầu thấy lúng túng, bởi thực tế anh đâu có nhiều tiền và lại triển khai trên diện tích lớn như thế. Trong khi vay vốn ngân hàng với số lượng lớn là “chuyện khó” với đối tượng nuôi tôm.

"Mình không có thì phải tìm kiếm người liên doanh". Nghĩ là làm. Anh Phiện khăn gói đến những người bạn ở tỉnh xa có nhiều kinh nghiệm nuôi tôm, có vốn liếng để cùng hợp tác làm ăn. Hơn chục người anh em quê ở Quảng Ngãi đã cùng anh bắt tay vào công cuộc chinh phục miền cát trắng này.

Mùa tôm đầu tiên, vì vốn liếng ít, vì chưa có kinh nghiệm và vì trăm thứ níu kéo, anh Phiện chỉ đầu tư làm một hồ tôm trên diện tích chừng 3.000m2. Thật may mắn, anh trúng đậm, thu lãi được 300 triệu đồng. Sau vụ tôm suôn sẻ, anh tính toán bước đi tiếp theo với quyết tâm lớn hơn, quyết liệt hơn. Vụ nuôi sau anh đã triển khai 10 hồ nuôi. Lúc này những khoản đầu tư phục vụ nuôi tôm nhiều lên như trạm điện, đường… với con số đầu tư nhiều tỷ đồng đặt nặng lên vai anh.

Mái tóc đen cứ bị gió sương làm đổi màu. Nhiều đêm nằm thức trắng. "Không nợ làm sao giàu", anh nói với vợ mà như trấn an mình. Chị vợ hốt hoảng: "Nợ cả chục tỷ thì làm sao trả. Coi chừng nợ đè dậy không nổi mô". "Lo chi. Nợ đang nằm trong tầm kiểm soát”, anh Phiện buột miệng cho vợ an lòng.

12-53-03_2
Những hồ tôm nuôi theo kiểu đột phá

 

Cùng với đầu tư hạ tầng, điều mấu chốt mà anh luôn coi trọng là huy động tất cả những kiến thức về nuôi thủy sản của bạn bè cùng vào cuộc, những chuyên gia giỏi về nuôi tôm được anh chiêu mộ về làm cho mình. Lao động có, tay nghề cao, lao động phổ thông ở khu nuôi tôm lên đến trên 70 người.

Những lúc được, anh Phiện cũng nghiền ngẫm, tích lũy kinh nghiệm và luôn đề ra những phương án sẵn sàng đối phó với những khó khăn có thể đến bất cứ lúc nào. Và quả như dự đoán, sau mấy năm “trời cho” là dịch bệnh liên tiếp viếng thăm. Bệnh đốm trắng, bệnh gan… đặc biệt bệnh đốm trắng, có khoảng thời gian đã xóa sổ toàn bộ tôm trong các hồ nuôi. Đấy là những năm 2012, 2013. Tháng 10/2013 bão số 10 "dọn" sạch các hồ tôm… Thiệt hại do dịch bệnh và thiên tai với riêng anh Phiện đến cả chục tỷ đồng.

Trời thuận lòng người và “đãi” người chịu thương, chịu khó. Liên tiếp nhiều năm anh và những cộng sự trúng đậm. "Đấy là những khoảng thời gian huy hoàng”- anh Phiện thật lòng. "Bởi cứ mỗi hồ 4 - 5 tấn tôm, lãi 200 - 300 triệu đồng mỗi vụ nuôi là chuyện hàng ngày. Có vụ lãi đến 500 - 700 triệu/hồ. Thế là tiền tỷ đã có trong tay và những món nợ cứ vơi dần", anh Phiện nói thêm.
 

Nuôi kiểu... đột phá

Thắng không kiêu, bại không nản, những câu khẩu hiệu thời là người lính “viễn chinh” bên đất bạn Campuchia đã nhắc nhở anh để rồi những năm tiếp theo anh cùng những hộ nuôi trong vùng đã gượng dậy.

Nhưng “phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”, cú đánh của thiên tai, dịch bệnh không làm anh gục ngã nhưng cú đánh “vỗ mặt” của “con người” từ phía biển đông đã làm anh và những cộng sự điên đảo. Đó là sự cố môi trường biển tháng 4/2016. Thiệt hại lần này của anh là lớn nhất trong những năm tháng nuôi tôm, hơn 4 tỷ đồng đã trôi ra biển. Cái đau nữa là không biết sẽ làm gì đây với số tài sản đồ sộ đã được đầu tư như hai trạm điện hơn 2 tỷ đồng, hàng chục hồ tôm, mỗi hồ đầu tư dăm bảy trăm triệu đồng, nằm phơi trong nắng gió…

Trong gian khó, không chỉ lo đến riêng mình, anh Phiện thật lòng: “Không nuôi được tôm, chúng tôi buồn lo đến thắt ruột, nhưng bà con trong vùng cũng buồn…”.

Có lẽ không quá ngạc nhiên với điều này, bởi xung quanh khu vực nuôi tôm bao nhiêu dịch vụ “ăn theo” như cháo bún, hàng quán giải khát… đang lớn lên theo con tôm, thậm chí có nhiều gia đình khá lên từ khi những trảng cát biến thành hồ tôm.

Hàng năm cở sở nuôi tôm anh Phiện giải quyết việc làm cho 70 lao động thường xuyên ăn lương 6 triệu đồng/tháng và khoảng 70 - 80 lao động thời vụ. Không chỉ chừng đó, đều đặn hàng năm cơ sở này đóng góp cho các hoạt động xã hội ở địa phương trên 40 triệu đồng…

12-53-03_3
Vùng tôm đang hồi sinh

 

Chủ tịch Ngô Gia Nghĩa cũng khẳng định: “Cơ sở nuôi tôm của anh Phiện trong những năm qua không những tạo ra nhiều việc làm cho người dân, đóng góp có hiệu quả cho địa phương mà còn mở ra hướng làm ăn mới cho bà con vùng bãi ngang”.

Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh đã đi đến một quyết định được coi là mạo hiểm, đó là dùng nguồn nước khác không bị ô nhiễm thay thế nguồn nước biển bị ô nhiễm… Nghĩ là làm, đầu tháng 7/2016 anh đã dời giàn khoan từ phía biển lên vùng cát để lấy nước lợ nuôi tôm.

Lúc đầu tôm lớn chậm và có những dấu hiệu bất thường, anh đã điều chỉnh bằng cách tăng thêm lượng vi sinh và khoáng… Dần dà mọi chuyện đã diễn ra đúng như quỹ đạo của một lứa tôm nuôi, chỉ có điều tôm chậm lớn hơn, thời gian nuôi dài hơn và tất nhiên chi phí cũng tăng lên, đồng nghĩa với lợi nhuận cũng giảm đi đáng kể. Mà cụ thể là chi phí cho mỗi hồ tôm tăng thêm khoảng 30 triệu đồng/vụ nuôi, lợi nhuận giảm khoảng 20%. Nhưng câu “chốt” của anh Phiện làm cho chúng tôi cũng phấn khích lây: “Dù có ít lãi hơn nhưng duy trì được hoạt động bình thường của cơ sở nuôi tôm là thắng lợi lớn nhất sau sự cố môi trường biển đối với chúng tôi”.

Trên các hồ tôm, những guồng quay sục khí vẫn cần mẫn làm việc, tung bọt trắng xóa. Bây giờ đã cuối tháng 12, lứa tôm đầu tiên sau sự cố môi trường biển đã xuất bán. Theo đánh giá của các hộ nuôi, sản lượng giảm không nhiều lắm, tôm vẫn “đẹp” như mọi khi.

Vùng tôm vẫn tồn tại và đang hồi sinh sau sự biển động. "Hai con của tui vừa bảo vệ xong tiến sỹ, thạc sỹ và đang có việc làm ổn định. Hôm trước mới mua cho cháu cái xe ô tô để đi làm. Còn tui kiếm chiếc khác để đi công chuyện. Sang năm, chác mọi điều sẽ suôn sẻ hơn", anh Phiện vừa nói vừa đưa chúng tôi ra xem hồ tôm trong cái gió từ biển thổi vào.

 

VĂN PHÚC - TÂM PHÙNG
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo