Huyện Triệu Phong là ngọn cờ đầu về năng suất, diện tích lúa CLC của toàn tỉnh Quảng Trị. Nhưng, tính toán thực tế của người nông dân, năng suất ấy, giá cả lúa gạo ấy thì người trồng lúa vẫn chỉ mới trên mức đủ ăn.
Bà Nguyễn Triều Thương, Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong (Quảng Trị) cho biết, cùng với việc phát triển cánh đồng lớn lúa chất lượng cao, thì sản xuất lúa theo phương pháp canh tác tự nhiên làm ra sản phẩm sạch để tạo thương hiệu gạo sạch Triệu Phong là chủ trương lớn của huyện.
Từ giống lúa chất lượng cao
Gia đình ông Lê Cảnh Tưởng ở HTX Bích La, xã Triệu Đông làm gần 0,5ha lúa chất lượng cao (CLC). Vụ vừa rồi ông thu hoạch lúa cho năng suất trung bình 55 tạ/ha. Ở HTX này có đến hơn 90% diện tích làm lúa CLC. So với làm lúa bình thường thì lúa CLC có lãi hơn. Huyện Triệu Phong là ngọn cờ đầu về năng suất, diện tích lúa CLC của toàn tỉnh. Nhưng, tính toán thực tế của người nông dân, năng suất ấy, giá cả lúa gạo ấy thì người trồng lúa vẫn chỉ mới trên mức đủ ăn.
|
Thu hoạch lúa chất lượng cao ở huyện Triệu Phong |
Nhằm tạo điều kiện cho bà con làm giàu từ đồng ruộng, cây lúa, tỉnh Quảng Trị đã chọn HTX Bích La, xã Triệu Đông làm nơi đầu tư thí điểm mô hình sản xuất giống lúa CLC hàng hóa, với tham vọng biến Bích La thành địa chỉ sản xuất lúa giống và gạo có thương hiệu để xuất khẩu và bán ra ngoại tỉnh.
Chủ tịch UBND xã Triệu Đông, ông Võ Văn Bắc cho biết với số vốn đầu tư 5 tỉ đồng, từ năm 2010 thôn Bích La đã dành ra 50ha ruộng chuyên canh sản xuất giống lúa CLC.
Ông Bắc phân tích xây dựng, phát triển thương hiệu giống lúa CLC để làm gạo sạch bán sản phẩm này ra toàn quốc, nước ngoài là một hướng đi đúng đắn, cần được hỗ trợ tích cực từ phía Nhà nước. Đầu tư 5 tỉ đồng để làm ra một vùng sản xuất giống lúa là bước đi đầu tiên và không thể không có.
Nhưng, để xây dựng thành công về mô hình này cần có sự nỗ lực, đồng lòng đồng sức của nhiều ngành, nhiều cơ quan, trong đó phải đặc biệt chú ý đến việc quảng bá thương hiệu, phải làm sao cho nó trở thành phổ biến, nổi tiếng trong cuộc sống thì giá trị hạt gạo mới gia tăng.
Nhờ hạt nhân đầu tiên là vùng sản xuất giống lúa CLC HTX Bích La, đến nay huyện Triệu Phong có gần 90% diện tích, tương đương 5.700 ha/vụ sản xuất lúa CLC, tập trung các xã Triệu Hòa, Triệu Thuận, Triệu Trạch, Triệu Đông… với các giống HC95, HT1, P6, Thiên ưu 8. Huyện đã có Nghị quyết xây dựng cánh đồng lớn tại 10 HTX. Cùng với đó mỗi xã phải có 2 HTX xây dựng cánh đồng lớn.
Đến “Gạo sạch Triệu Phong”
Cùng với việc làm lúa CLC, huyện Triệu Phong cũng rất chú trọng làm gạo sạch để lấy thương hiệu “Gạo sạch Triệu Phong”. Vụ HT 2016 này là vụ thứ hai ông Nguyễn Văn Đống cùng 14 hộ trong thôn Ngô Xá Đông, xã Triệu Trung sản xuất lúa theo phương pháp canh tác tự nhiên trên diện tích 1,5ha, năng suất đạt gần 52 tạ/ha.
Phương thức canh tác này được dự án Bảo vệ môi trường huyện Triệu Phong hỗ trợ thực hiện nên qua 2 vụ sản xuất các hộ dân đã cơ bản tuân thủ đúng quy trình. Điểm chú ý của dự án là người sản xuất lúa là không sử dụng bất kỳ loại phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, chất kích thích tăng trưởng, chất bảo quản nào có nguồn gốc hóa học.
|
Niềm vui của nông dân trên đồng lúa chất lượng cao |
Bà Nguyễn Triều Thương khẳng định, huyện tiếp tục chú trọng hỗ trợ người dân xây dựng thương hiệu “Gạo sạch Triệu Phong”, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, không ngừng nâng cao thu nhập cho người nông dân để họ từng bước cải thiện cuộc sống theo hướng chất lượng hơn. |
Thông qua sự kết nối của dự án, Cty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt (Thừa Thiên - Huế) đã ký hợp đồng thu mua lúa cho nhóm hộ có giá gần 11 ngàn đồng/kg, đơn giá này sẽ ổn định trong suốt các mùa trong năm, không chịu ảnh hưởng theo tình hình biến động của giá cả thị trường.
Ông Nguyễn Văn Đống, Trưởng nhóm hộ nông dân thôn Ngô Xá Đông phấn khởi cho biết vừa xuất bán 1,2 tấn lúa Thiên ưu 8 sản xuất theo hướng canh tác tự nhiên đầu tiên cho Cty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt với giá gần 11 ngàn đồng/kg, cao hơn gần gấp 2 lần so với lúa sản xuất theo cách thông thường từ trước đến nay.
Ông Đào Văn Đức, Quản lý dự án Bảo vệ môi trường huyện Triệu Phong cho biết, bên cạnh thị trường bán lẻ thì dự án sẽ tiếp tục kết nối với các Cty để tìm các hợp đồng lớn hơn để tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân. Qua đó thúc đẩy các nhóm hộ trong địa bàn các xã dự án mở rộng quy mô sản xuất trong các vụ tới.
Ông Đức chia sẻ hiện nay việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV rất phổ biến trong SXNN làm cho đất chai cứng, ô nhiễm môi trường, mất đa dạng sinh học, gây tồn dư lượng hoá chất trong sản phẩm nông nghiệp. Thời gian qua dự án Bảo vệ môi trường huyện Triệu Phong đã triển khai mô hình sản xuất lúa theo phương pháp canh tác tự nhiên tại 6 xã của huyện. Đây là phương pháp canh tác được đề xướng và phát triển đầu tiên tại Hàn Quốc.
Triết lý của phương pháp canh tác này là tôn trọng tự nhiên, dựa vào nguồn lực có sẵn trong tự nhiên thay cho việc thâm canh dựa vào hóa chất để tạo ra năng suất vượt trội và cải thiện chất lượng sản phẩm, bảo vệ đất, nguồn nước làm nền tảng căn bản cho sản xuất nông nghiệp.
Khi sản xuất theo phương pháp này người dân chủ yếu tận dụng các chất phụ phẩm nông nghiệp có sẵn tại địa phương như thân cây chuối, khoai lang… qua quá trình lên men đơn giản tạo ra sản phẩm thực vật lên men và hoa quả lên men cùng với vai trò của vi sinh vật bản địa để tự tạo ra phân bón hữu cơ thay thế cho việc sử dụng phân bón hoá học. Các chế phẩm dinh dưỡng được tạo ra từ trái cây, cá tạp, xương động vật, vỏ trứng… lên men và thuốc trừ sâu bệnh được người nông dân tạo ra dựa vào các chất liệu tự nhiên từ trong chính vườn của mình như nước gừng, ớt, tỏi…
Ông Trần Văn Đỉnh cho biết: "Trước đây sản xuất lúa theo cách thông thường tôi chủ yếu sử dụng phân bón hóa học để bón, ngoài ra cứ phát hiện trên ruộng có loại sâu bệnh gì là lại mua thuốc BVTV về phun. Nay tôi chỉ được phép sử dụng phân bón hữu cơ tự ủ bằng cách thu gom các phế phẩm nông nghiệp và phân chuồng.
Quá trình chăm sóc thì sử dụng các loại chế phẩm dinh dưỡng. Phòng trị sâu bệnh thì sử dụng các loại thuốc thảo mộc được làm từ gừng, ớt, tỏi. Mặc dù phải mất công từ 7 - 10 ngày phải đi phun các loại chế phẩm này một lần nhưng không ảnh hưởng đến sức khỏe. Kiểu sản xuất nông nghiệp sạch này được bà con ưa thích nên ngày có thêm nhiều người tham gia".
"Muốn xây dựng thương hiệu lúa CLC, gạo sạch cần có 4 công đoạn.
Thứ nhất, tổ chức sản xuất cần phải có liên kết chặt chẽ giữa DN và nông dân. DN đặt hàng nông dân trồng sản phẩm để xuất khẩu và xây dựng hệ thống chế biến.
Thứ hai, DN phải chia sẻ với nông dân về mặt lợi nhuận của toàn chuỗi giá trị.
Thứ ba, nhà nước hỗ trợ DN để xây dựng thương hiệu.
Thứ tư, nhà khoa học nghiên cứu tạo ra giống lúa theo đặt hàng của DN, cùng tham gia sản xuất với nông dân. Có giải quyết được những vấn đề này thị gạo sạch Triệu Phong sẽ có mặt nhiều nơi trên thị trường trong và ngoài nước", bà Nguyễn Triều Thương.
|