|
Mô hình nuôi tôm kết hợp mang lại thu nhập khá cho các hộ nuôi |
Thời gian qua, nhờ áp dụng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi đa cây, đa con, hàng nghìn hộ nông dân ở Cà Mau đã vươn lên thoát khỏi ngưỡng nghèo. Điều đáng quý là trong số hộ thoát nghèo bền vững nơi đây, không ít hộ vươn lên làm giàu cho gia đình và nhiệt tình giúp đỡ các hộ khác phát triển sản xuất.
Điển hình như gia đình ông Thạch Che, dân tộc Khmer, ở ấp Thanh Tùng, xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi trước đây chỉ chuyên sản xuất lúa, nhưng hiệu quả không cao. Do đông con, lại thiếu vốn sản xuất nên kinh tế gia đình ông Che thường xuyên túng thiếu. Những năm trước, vợ chồng ông chỉ biết trồng lúa. Do đất ở đây nhiễm phèn nên năng suất thấp, đời sống khó khăn.
Vài năm gần đây, được chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ một phần vốn vay tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật nuôi sò huyết và các loại thủy sản khác nên thu nhập tăng lên, kinh tế gia đình trở nên khấm khá. Theo ông, nhờ chia tay kiểu sản xuất độc canh cây lúa, chuyển sang thả nuôi thủy sản theo mô hình "đa con" kết hợp nên giờ đây, gia đình ông đã có của ăn của để. Mỗi năm, sau khi trừ hết chi phí, từ 3ha đất canh tác, bình quân nhà ông thu lãi hơn 200 triệu đồng.
Cũng như ông Che, anh Trần Văn Thanh, ở ấp Kinh Đứng A, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời nổi tiếng khắp vùng nhờ áp dụng mô hình "đa cây, đa con" đem lại hiệu quả kinh tế rất cao, cho thu nhập từ 300-400 triệu đồng mỗi năm. Với 15 công đất ruộng, anh Thanh dành ra 8.000m2 để đào ao nuôi cá bổi. Nhờ nắm vững kỹ thuật, các ao nuôi cá bổi của anh luôn đạt năng suất cao, cho thu hoạch từ 10-15 tấn cá thương phẩm mỗi năm.
Ngoài cá bổi, anh Thanh còn xây hồ nuôi rắn ri tượng giống, cá trê vàng lai và đặc biệt là ếch thịt, ếch giống (với sản lượng trung bình mỗi năm khoảng 30.000 con ếch giống và 600kg ếch thịt) cùng chim bồ câu (xuất chuồng khoảng 1.000 con chim bồ câu giống, 500 con chim bồ câu thịt mỗi năm).
Thêm vào đó, anh Thanh còn tận dụng đất quanh nhà, quanh chuồng trồng các loại cây ăn trái như thanh long, quýt, bưởi, cam để tăng thêm nguồn thu nhập. Nói về hiệu quả kinh tế do mô hình "đa cây, đa con" mang lại, anh Thanh bày tỏ: "Trước đây, nông dân ở nhiều địa phương trong tỉnh Cà Mau chủ yếu sống nhờ vào con tôm, có nơi lại dựa hoàn toàn vào cây lúa. Nếu tôm nuôi thiệt hại hoặc rớt giá, lúa mất mùa, chắc chắn đời sống nông dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Từ thực tế này, rõ ràng mô hình sản xuất "đa cây, đa con" là cứu cánh để bà con thu nhập từ nhiều nguồn…".
Một vấn đề đáng mừng không kém là hầu hết các hộ nông dân đang áp dụng mô hình sản xuất "đa cây, đa con" ở Cà Mau hiện nay rất "tôn sùng" khoa học-kỹ thuật. Họ không những tích cực tham gia các cuộc hội thảo, các lớp tập huấn chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi, mà còn chủ động tự tìm đến các chuyên gia, cán bộ khuyến nông, khuyến ngư ở địa phương để học hỏi kinh nghiệm sản xuất, mà trường hợp ông Thạch Che và anh Trần Văn Thanh là những ví dụ điển hình. Những ý kiến từ những nông dân năng động này cho thấy, thuận lợi lớn nhất trong quá trình phát triển kinh tế theo mô hình "đa cây, đa con" trên đồng đất Cà Mau là được sự quan tâm sâu sát của chính quyền địa phương để nông dân phát huy hết khả năng phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đi cùng thuận lợi cũng có nhiều khó khăn.
Qua khảo sát cho thấy, nhiều hộ tham gia sản xuất theo mô hình "đa cây, đa con" kết hợp, chẳng hạn mô hình lúa-tôm càng xanh tại huyện Thới Bình, mô hình sản xuất lúa-cá đồng ở huyện Trần Văn Thời cùng nhiều mô hình ở các địa phương khác như mô hình sản xuất "chuỗi lúa gạo", sản xuất lúa giống trên đất nuôi tôm, mô hình sản xuất rau an toàn, mô hình cánh đồng mẫu... đều có nỗi lo chung về tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi, trên gia súc, gia cầm hiện nay diễn biến phức tạp. Đó là chưa kể giá cả đầu vào tăng cao, trong khi giá đầu ra chưa ổn định, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất.
Vì vậy, để hỗ trợ nhân rộng mô hình "đa cây, đa con" vốn được đánh giá là cho hiệu quả kinh tế cao, nông dân đang rất cần các ban, ngành chức năng hỗ trợ thông qua nhiều biện pháp khác nhau. Chẳng hạn như cung cấp thông tin giá thị trường nông sản, dự báo tình hình thời tiết, dịch bệnh sao cho chính xác, kịp thời để nông dân có biện pháp phòng, chống hiệu quả; hỗ trợ, tìm kiếm đầu ra ổn định, đồng thời có chính sách bình ổn giá đầu vào.