Những hộ dân làng Pà Rum, xã Zuôih (huyện Nam Giang, Quảng Nam) nhận tiền đền bù tái định cư thủy điện được xã bày cách giữ tiền.
Nghe theo chính quyền, người dân không dính vào “vết xe đổ” tiêu xài hoang phí dẫn đến lâm vào cảnh đói nghèo như nhiều làng thủy điện khác.
Không tiêu xài hoang phí
Ở Quảng Nam, hàng chục ngôi làng bị di dời vì dự án thủy điện xây dựng. Nhà cửa phải di chuyển, nương rẫy bị nhấn chìm khi thủy điện chặn dòng. Nhưng đổi lại, họ trở thành triệu phú, tỷ phú khi được đền bù.
Người dân làng Pà Rum nhận được tiền đền bù thủy điện biết xây nhà kiên cố
Tôi đã đến rất nhiều ngôi làng tái định cư, họ có chung một tâm sự rằng: Thứ tiền đó người dân không bao giờ nghĩ đến, ai cũng có rất nhiều tiền như lá trên rừng. Cha mẹ chi tiêu, con cái đua đòi mua sắm xe máy, ăn nhậu triền miên… nên trong thời gian ngắn đã “sạch túi”.
Thực trạng chung là thế nhưng khi đến làng Pà Rum nằm trên thượng nguồn thủy điện Sông Bung 4, hạ lưu thủy điện Sông Bung 2 tôi phải choáng ngợp. Những nếp nhà gỗ khang trang, cuộc sống người dân ấm no. Nhà nhà đều có tiền gửi ngân hàng, lúa gạo luôn đầy bồ.
Ông Tơngôl Đa, Bí thư xã Zuôih kể, do bị ảnh hưởng của dự án thủy điện Sông Bung 4, năm 2009 hơn 100 hộ dân làng Pà Rum nhường đất cho cho thủy điện để chuyển về nơi ở mới. Cách đó mấy quả đồi, vào năm 2007 người dân thôn 2, xã Tà Pơ được thủy điện Sông Bung 4 đền bù. Ở đó, người dân đua nhau mua sắm đồ đạc, tiêu xài hoang phí và sau một thời gian ngắn rơi vào cảnh nghèo khổ.
“Sau vụ “tiêu tiền như nước" của người dân thôn 2, xã Tà Pơơ, chính quyền huyện cũng xuống quán triệt xã phải hỗ trợ, hướng dẫn người dân trong quá trình về làng mới và cách tiêu tiền. Nhờ làm tốt công tác vận động nên giờ nhiều người ở Pà Rum vẫn giữ được tiền, để dành trong ngân hàng, biết ăn tiêu tiết kiệm”, ông Đa nói.
Ngôi làng Pà Rum
Theo ông Đa, người dân nhận tiền về, xã đưa ra cảnh báo rằng, khi nhường đất cho thủy điện, sau này đất nương rẫy không có nhiều, muốn có của ăn của để phải dành dụm để cho con cháu mai sau. Nói chưa đủ, xã mời các già làng, rồi mời thanh niên, vận động họ bằng chính câu chuyện đã xảy ra ở thôn 2, xã Tà Pơ.
“Chúng tôi nói với dân, làm nhà thì cứ làm nhưng phải cất bớt tiền để phòng khi đau ốm và cho con cháu sau này, vì số tiền đền bù thủy điện rất lớn, cả đời cũng khó kiếm được”, ông Đa bộc bạch.
Đã có những câu chuyện đau lòng xảy ra ở các ngôi làng tái định cư thủy điện. Đó là nhiều nhóm thợ mộc người miền xuôi lên xây dựng nhà cửa rồi lừa lấy đi rất nhiều tiền của dân. Để tránh điều này, chính quyền xã Zuôih yêu cầu cán bộ thôn đến từng nhà, lập hợp đồng cho những hộ thuê người dựng nhà, ghi lại giấy tờ tùy thân để cất giữ giùm. Ngay cả gỗ dựng nhà, xã cũng thường xuyên cho người kiểm tra, yêu cầu không khai thác trộm gỗ ồ ạt, hoặc lợi dụng làm nhà cửa để chặt cây, bán lấy tiền.
“Năm 2013, một tốp thợ mộc ở Đại Lộc lên dựng nhà, ứng trước của A Viết Có, thôn Pà Rum 40 triệu đồng để mua đồ đạc. Nhóm thợ này chưa làm ngày nào thì lặng lẽ bỏ về. Khi nhận được thông tin, thông qua hợp đồng ký kết, do cán bộ thôn lập, chính quyền đã giúp anh Có tìm được người thợ mộc kia, lấy lại tiền”, ông Đa kể.
Cần cù, chịu khó
Ở làng Pà Rum nhà cửa sát sát nhau, đứng trên con đường nhìn xuống làng như một bức tranh. Bước vào làng chúng tôi thấy choáng ngợp bởi những nếp nhà gỗ bề thế được xây dựng hiện đại. Các ngôi nhà có mẫu na ná nhau, chỉ khác về kích cỡ và chất liệu gỗ.
Ông A Viết Trọng (63 tuổi) cho biết, khi nhận được tiền đền bù gần 1 tỷ đồng và chuyển khu tái định cư mới, ông dành một ít tiền xây dựng nhà, số còn lại gửi vào ngân hàng.
Ông A Viết Trọng với căn nhà được làm bằng tiền tỷ
“Riêng căn nhà, gỗ được nhà nước cho lên rừng lấy, còn tiền công và vật liệu gạch, xi măng… hết khoảng 300 triệu đồng. Khoản tiền đền bù, ngoài làm nhà thì tôi cho con trai mua một chiếc xe máy, số còn lại gửi ngân hàng. Hàng tháng đi rút tiền lãi về tiêu, gạo làm lúa nương ăn đủ”, ông Trọng nói.
“Từ khi có dự án thủy điện, cả làng được đền bù tiền rẫy, tiền nhà do phải di dời nhường cho công trình. Nhà ít thì được chừng vài trăm triệu, nhà nhiều lên đến cả tỷ đồng. Đây là số tiền rất lớn nên người dân làng Pà Rum biết trân quý giữ gìn, không tiêu pha phung phí. Hơn nữa cán bộ xã, thôn đã dạy bà con cách giữ tiền, nếu không nhiều gia đình cũng mua sắm, chi tiêu hết rồi”, ông Trọng chia sẻ.
Cạnh nhà ông Trọng, nhà anh Bhling Nhước (30 tuổi) cũng thuộc loại khá giả trong thôn bởi ngôi nhà gỗ to kiên cố. Nhà có 3 thế hệ ở, nhưng nhìn ngôi nhà sạch bóng từ trong ra ngoài cho thấy ý thức của người dân nơi đây đã có nhiều thay đổi.
Gia đình mình giờ còn tiền gửi ngân hàng nhiều không? Tôi hỏi. Anh Nhước cười bảo rằng: “Còn nhưng không nhiều, vì gia đình được nhận tiền thủy điện cũng ít. Nhưng đó là tiền dành dụm lúc ốm đau. Mình gửi ngân hàng hết, không đụng đến đồng nào, lỡ có chuyện thì còn chỗ bám víu. Giờ mình cần có thêm đất rẫy để sản xuất thôi”, anh Nhước nói.
Ngoài việc làm nhà, người dân đem tiền gửi nhân hàng
Có một điều đặc biệt, những hộ gia đình Pà Rum có tiền trăm, thậm chí tiền tỷ trong tay nhưng người dân nơi đây hằng ngày vẫn đi nương, đi rẫy như cuộc sống vốn có bao đời qua. Ông Pơloong Nhiêu, Trưởng thôn Pà Rum xác nhận, không chỉ ông Trọng, mà nhiều nhà trong làng vẫn đang cất tiền, gửi ngân hàng cẩn thận. Chỉ có vài ba hộ không giữ được, nhưng không phải vì tiêu xài hoang phí mà số tiền trên đã chữa bệnh hiểm nghèo, cho con cái ăn học.
“Đã 3 năm từ khi nhận được tiền thủy điện, người dân vẫn đi rẫy, vẫn đều đặn đốt trỉa lúa, bắp mỗi mùa. Hết việc thì rủ nhau bứt đót, bứt mây... Giờ nhà ở đã kiên cố, họ không còn du cư nữa; hiện tại chỉ thiếu đất sản xuất. Vì đất cấp cho dân chỉ hơn một hécta mỗi hộ, nhiều nhà tách hộ, thêm người, cần thêm đất để làm rẫy vì không ai dám xâm lấn vô rừng phòng hộ”, ông Nhiêu bộc bạch.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 1.700 hộ dân phải di dời đi nơi khác nhường đất cho thủy điện. Hiện có đến hơn 70% các khu tái định của thủy điện đã xuống cấp. Cuộc sống của người dân các khu tái định cư còn nhiều khó khăn nên tỉnh đã đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục quan tâm, hỗ trợ gạo để giúp đỡ người dân. Bên cạnh đó, để có đất cho người dân sản xuất, canh tác, UBND tỉnh Quảng Nam đã quyết định chuyển 3.000 ha đất rừng sang đất sản xuất cấp cho dân. |