Nuôi bò sinh sản, bò sữa, trồng chuối đặc sản Laba... là những mô hình mà nhiều hộ nghèo ở huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) chọn để được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH. Qua đó, không ít hộ đã thoát nghèo vươn lên khá giả...
|
Ông Trần Nam Phi đang chăm sóc vườn chuối Laba trồng từ vốn vay ưu đãi |
Nhờ Ngân hàng CSXH
Nhiều năm, Đạ Ròn là xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo (DTTS) cao của huyện Đơn Dương. Nhưng nhờ các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ mà Ngân hàng CSXH được giao triển khai thực hiện, nhiều hộ nông dân nơi đây đã vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá giàu. Điển hình là hộ bà Ka Sel, ông Lê Văn Khanh, Trần Nam Phi… Gần đây, Hội ND xã, huyện và Ngân hàng CSXH đã phối hợp giúp nhiều hộ nghèo ở Đạ Ròn vay vốn ưu đãi đầu tư nuôi bò sinh sản nên không ít gia đình bứt phá về thu nhập. Bà Ka Sel - hộ sử dụng vốn ưu đãi hiệu quả bày tỏ: “Được vay vốn, được Hội ND và cán bộ khuyến nông bày cho cách nuôi bò sinh sản, trồng rau màu, gia đình tôi đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định hơn trước nhiều…”.
Cũng từ hộ nghèo vươn lên khá giả từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhưng anh Lê Văn Khanh, thôn Suối Thông B2, xã Đạ Ròn lại đầu tư nuôi bò sữa. “Cách đây 5 năm, tôi được vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH. Vợ chồng tôi mượn thêm vốn của họ hàng mua được 2 con bò sữa. Từ 2 con bò giống ban đầu, đến nay nhà tôi đã có đàn bò 10 con đang cho khai thác sữa…”- anh Khanh thổ lộ. Với 10 con bò đang khai thác sữa, anh Khanh có doanh thu 3 triệu đồng/ngày, trừ chi phí lãi trên dưới 1,5 triệu đồng/ngày.
Chỉ về hướng vườn chuối, ông Trần Nam Phi cho biết: “Tôi trồng vạt chuối Laba này từ nguồn vốn 30 triệu đồng mà Ngân hàng CSXH cho vay. Với hàng ngàn gốc chuối đặc sản, doanh thu của gia đình tôi đạt gần 60 triệu đồng/tháng…
Cầm tay chỉ việc
"Thông qua 13 chương trình tín dụng ưu đãi, 14 năm qua Ngân hàng CSXH tỉnh Lâm Đồng đã giải ngân 2.572 tỷ đồng cho hàng trăm nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 12,6% năm 2011 xuống còn 1,74% vào cuối năm 2015…”.
Ông Huỳnh Thanh Lân - Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Lâm Đồng
|
Nói về tác động của các chương trình tín dụng ưu đãi, Chủ tịch Hội ND xã Đạ Ròn Nguyễn Văn Thanh bày tỏ: “Nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng CSXH là kênh tín dụng mà bà con Đạ Ròn biết tới nhiều nhất. Chúng tôi phối hợp Ngân hàng CSXH giải ngân vốn tại xã và hướng dẫn, tư vấn cách làm ăn, sử dụng vốn vay…”.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, đối với các hộ đồng bào DTTS, cán bộ tín dụng, Hội ND, cán bộ khuyến nông phải hướng dẫn theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. “Rất mừng là có không ít hộ đã áp dụng đúng các mô hình kinh tế. ”-ông Thanh thổ lộ.
Khẳng định những chia sẻ của ông Nguyễn Văn Thanh, ông Huỳnh Thanh Lân - Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Lâm Đồng cho biết thêm: “Để giảm nghèo bền vững, bên cạnh việc được vay vốn ưu đãi, hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn cần được tập huấn kỹ thuật, bồi dưỡng kỹ năng về trồng trọt, chăn nuôi. Có như vậy bà con mới sử dụng hiệu quả đồng vốn ưu đãi…”.