Chuyển biến từ vùng cam Cao Phong
16:08 - 30/11/2016
(TNNN) - Tính đến nay, diện tích cây ăn quả có múi của tỉnh Hòa Bình đạt 6.294 ha; trong đó, cam, quýt là 3.588 ha, bưởi các loại 2.700 ha. Sản lượng cây có múi trong năm 2016 đạt 60.000 tấn, mía các loại 7.758 ha… đã và đang mang lại thu nhập cao cho người nông dân.
Đối với huyện Cao Phong, cây cam được xem là loại cây chủ lực vì mang lại hiệu quả kinh tế cao

Riêng đối với huyện Cao Phong, cây cam được xem là loại cây chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho địa phương. Tổng diện tích cam toàn huyện đạt hơn 2.000 ha, trong đó có hơn 900 ha đang bước vào thời kỳ kinh doanh, sản lượng đạt 23.000 tấn. Hàng năm, nguồn thu từ cây cam của toàn huyện đạt khoảng 600 tỷ đồng, giá trị sản xuất đạt bình quân 700 triệu đồng/ha.


 
Cam Cao Phong vốn có nguồn gốc từ cam Xã Đoài của tỉnh Nghệ An. Khi được đem về trồng tại huyện vùng núi Cao Phong, cây cam đã nhanh chóng thích nghi với điều kiện mới và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ địa thế có đất đai phì nhiêu, màu mỡ, khí hậu lại mát mẻ nên cam ở vùng này có những nét đặc trưng như: Mùi hương thơm mát, mọng nước, vị ngọt nhẹ, vỏ quả màu vàng óng đẹp mắt…


 
Năm 2014, sản phẩm cam Cao Phong được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Đến năm 2016, lại được Viện sở hữu trí tuệ quốc tế cấp chứng thư “Top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng lần thứ 5” khiến cho loại cam này ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến là một thương hiệu nổi tiếng. Đồng thời còn tạo nên bước đột phá trong định hướng phát triển nông nghiệp của cả tỉnh Hòa Bình.

 
Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn huyện hiện có trên 160 hộ trồng cam có thu nhập từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng, 16 hộ có thu nhập từ 1- 5 tỷ đồng. Huyện đang định hướng cho nông dân trong vùng tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, phát triển bền vững vùng cam theo hướng hàng hóa, tổ chức liên kết hợp tác…

 
Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện đang chính thức bước vào vụ thu hoạch cam. Năm nay, người trồng cam thấy phấn khởi vì cây cam tiếp tục khẳng định về chất lượng, được khách hàng biết tới và tin dùng. Bên cạnh đó, sản lượng trồng năm nay tiếp tục tăng, trong khi giá bán cam hiện vẫn đang tương đương với năm ngoái.


 
Một trong những gia đình có mức thu hàng tỷ đồng từ cam ở thị trấn này là gia đình anh Nguyễn Đức Thủy ở khu 6. Nhờ vườn cam được đầu tư đúng quy trình kỹ thuật theo hướng sản xuất sạch nên phát triển rất tốt, quả sai trĩu trịt, trái căng tròn mọng nước. Vườn cam của gia đình anh Thủy hiện bước vào vụ chu kỳ thứ 2, cộng với diện tích trồng mới được đưa vào kinh doanh nên năm nay năng suất tiếp tục được nâng lên.

 
Anh Thủy phấn khởi cho biết: Với giá bán như đầu vụ đang ổn định ở mức khoảng 30.000 đồng/kg; dự tính với hơn 6 ha cam kinh doanh cho thu hoạch khoảng 100 tấn cam lòng vàng, gia đình anh sẽ có doanh thu cỡ 3- 4 tỷ đồng.  

 
Hay như gia đình ông Trần Văn Tuyên ở khu 4, thị trấn Cao Phong cũng là một điển hình của sự thành công. Sớm nhận thấy tiềm năng từ loại cây trồng này, gia đình ông đầu tư trồng cam từ năm 2004, đến năm 2008 vườn cây bắt đầu cho thu hoạch.

 
Tiếp đó, ông Tuyên lại đầu tư hợp tác theo hướng liên kết mô hình 50/50, nghĩa là người đầu tư vốn hợp tác cùng với người có đất. Đến nay, gia đình ông đã có tổng số 17 ha trồng cam, cho sản lượng khoảng 30 tấn/ha. Mùa cam năm nay, giá bán từ đầu vụ tương đối ổn định, người trồng cam có lãi khi mỗi ha trồng cam thu về cả gốc và lãi từ 700- 800 triệu đồng.


 
Tuy nhiên, điều mà người trồng cam nơi đây đang hết sức trăn trở là cách nào để tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm vì cho đến nay, các chủ vườn vẫn đang phải tự tìm mối tiêu thụ. Các chủ vườn chưa thể kết nối được với các kênh tiêu thụ ổn định như thông qua chợ đầu mối, hệ thống siêu thị… mà chủ yếu vẫn là qua tư thương. Chính việc trông chờ vào các tư thương tìm đến tận vườn để thu mua là chính nên có những năm, dù cam được mùa nhưng lại bị tư thương ép giá.

 
Theo ông Nguyễn Đình Bang- Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Cao Phong cho rằng, cần có sự kết nối chặt chẽ để tạo kênh tiêu thụ ổn định cho người trồng cam. Hội Nông dân và Hội trồng cam đang có ý tưởng sang năm sẽ có chuỗi tiêu thụ cho người nông dân. Tuy vừa rồi cũng có nhiều siêu thị muốn ký hợp đồng nhưng do còn gặp phải một số vấn đề nên chưa tiến hành ký kết được. Từ năm sau, với một số tiêu chí cụ thể, các siêu thị sẽ ký trực tiếp với từng hộ nông dân.
 

Ông Quách Văn Ngoan- Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong cho biết: Những năm gần đây, diện tích cam tăng lên nhanh chóng vì người dân thấy được hiệu quả nên đã rót vốn đầu tư. Tuy nhiên, huyện đã có quy hoạch cụ thể về diện tích trồng cam và kiểm soát chất lượng để giữ gìn thương hiệu cam Cao Phong.

 
Bên cạnh đó, huyện cũng đã thành lập ban kiểm soát chỉ dẫn địa lý nhằm tăng cường công tác quản lý. “Sắp tới đây, địa phương sẽ nghiên cứu về việc sản xuất bao bì, gắn tem nhãn riêng cho cam Cao Phong để người tiêu dùng dễ dàng nhận biết. Ngoài ra, việc mở rộng xuất khẩu cam Cao Phong cũng đã được tính đến để tạo thêm kênh tiêu thụ cho người nông dân”- Ông Ngoan nhấn mạnh.


 
Trong một hoạt động nhằm xúc tiến thương mại, đẩy mạnh quảng bá cho thương hiệu cam Cao Phong của tỉnh Hòa Bình; mới đây, UBND tỉnh đã tổ chức khai mạc Lễ hội cam Cao Phong lần thứ 2 và Hội chợ Nông nghiệp- du lịch- thương mại vùng Tây Bắc năm 2016. Đây là lễ hội được tổ chức ở quy mô cấp tỉnh và là một trong chuỗi các hoạt động chào mừng Lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh.

 
Theo đó, Lễ hội có hơn 200 đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tham gia, với quy mô 350 gian hàng. Trong đó: Có 80 gian hàng trưng bày và bán sản phẩm cam, quýt, bưởi các loại; gian hàng thưởng thức các sản phẩm cam; gian hàng trưng bày vật tư nông nghiệp; 80 gian hàng nông nghiệp, du lịch…

 
Ngoài ra còn có hơn 100 gian hàng thương mại tổng hợp và 40 gian hàng ẩm thực truyền thống đặc sắc của tỉnh Hòa Bình và các tỉnh vùng Tây Bắc. Những gian hàng gồm nhiều món ăn truyền thống như thắng cố Lào Cai, cá nướng sông Đà, gà đồi, rau đồ, lợn quay...

 
Mục đích ý nghĩa của Lễ hội và hội chợ nhằm để quảng bá, giữ gìn và nâng cao thương hiệu cam Cao Phong; phát triển giao thương các tỉnh vùng Tây Bắc, hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp liên kết hợp tác, quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, liên danh, liên kết phát triển sản xuất kinh doanh, thương mại, đẩy mạnh các hoạt động du lịch vùng miền.

 
Đồng thời, tỉnh Hòa Bình cũng muốn kêu gọi các cấp, các ngành nâng cao nhận thức bảo vệ và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của Cao Phong và vùng Tây Bắc; kết hợp với phát triển du lịch, tạo cơ hội xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân trong tỉnh và vùng Tây Bắc.

 
Trong chương trình còn diễn ra các hoạt động triển lãm, trưng bày; xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, trao giấy chứng nhận sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGap cho các hộ sản xuất cam, thăm quan mô hình sản xuất tiêu biểu; các hoạt động liên kết, ký kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giao lưu văn nghệ, thưởng thức các sản phẩm nông nghiệp, ẩm thực dân tộc…


 
Có thể nói, cam Cao Phong đang trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển nông nghiệp của địa phương. Cùng với việc phát triển quy mô sản xuất, chất lượng cây cam cũng ngày càng tốt hơn nhờ người nông dân đã biết áp dụng kỹ thuật canh tác và quy trình sản xuất sạch. Vấn đề còn lại đối với các ngành chức năng là cần tạo dựng được kênh tiêu thụ ổn định cho nông dân; không chỉ kết nối trong nước mà còn phải tìm cách vươn được ra thị trường thế giới.

Quyết Thắng
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo