Nậm Mười là một trong 4 xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn. Những năm qua, nhờ các chương trình, dự án của Nhà nước và của tỉnh đầu tư cho địa phương được phát huy hiệu quả, đời sống của người dân trong xã đã dần khá lên.
|
Chị Mụi chia sẻ vụ mùa thắng lợi của gia đình với cán bộ xã. |
Tại địa phương, đã có những mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Chúng tôi đến thăm gia đình chị Bàn Thị Mụi, người dân tộc Dao ở thôn La Háo Pành - người thường được mọi người nhắc tới là gương điển hình vươn lên thoát nghèo và trở thành hộ kinh tế khá tại địa phương. Với đức tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi kinh nghiệm và biết kết hợp giữa trồng trọt, chăn nuôi nhằm hỗ trợ qua lại, giảm chi phí trong sản xuất mà gia đình chị Mụi đã có thành công trong phát triển kinh tế.
Tận dụng diện tích đồi rừng của gia đình, vợ chồng chị Mụi đã lên kế hoạch phát triển với quy mô chăn nuôi, trồng trọt tổng hợp, trong đó tập trung chủ yếu phát triển 10 ha quế, 3 ha cây thảo quả và kết hợp chăn nuôi lợn nái bán con giống. Những năm gần đây, gia đình chị Mụi đã có được nguồn thu thường xuyên trên dưới 100 triệu đồng/ năm.
Chị Mụi tâm sự: “Cây quế rất thích hợp với điều kiện đất đai, khí hậu tại địa phương. Sau 3 - 4 năm đầu phải thường xuyên chăm sóc, từ năm thứ 7, quế bắt đầu cho thu tỉa, đến năm thứ 10 thì có thể thu hoạch toàn bộ. Kinh nghiệm của gia đình là cứ sau 1 chu kỳ khai thác thì trồng mới thay thế, nhằm đảm bảo có nguồn khai thác liên tục những năm về sau".
"Hiện tại, 5 ha quế của gia đình đang cho thu hoạch, đạt gần 2 tấn quế vỏ khô/ năm, được bán với giá từ 25.000 - 30.000 đồng/ kg, 1 năm cũng cho thu 50 - 60 triệu đồng; rừng thảo quả gia đình trồng cách đây hơn 10 năm, cho thu hơn 1 tấn quả khô/năm, giá bán tại địa phương từ 65.000 - 70.000 đồng/ kg thời tiết thuận, mỗi năm cũng mang lại khoản thu nhập gần 100 triệu đồng. Tuy vậy, hồi đầu năm 2016, cây thảo quả bị ảnh hưởng từ đợt rét đậm, nên thu nhập của gia đình năm nay sẽ kém hơn” - chị Mụi cho biết thêm.
Là nông dân luôn năng động, nhận thấy nhu cầu của nhiều người trong thôn, xã muốn có nguồn giống lợn địa phương để phát triển chăn nuôi, chị Mụi tham gia lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi do Trạm Khuyến nông huyện mở tại xã.
Khi đã nắm chắc kiến thức, chị bàn với chồng đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại nuôi lợn nái để bán con giống và thường xuyên duy trì từ 8 - 10 con lợn nái. Nhờ đó, trung bình mỗi năm được bán 3 lứa lợn giống, chủ yếu phục vụ người dân trong xã góp phần tăng thêm nguồn thu cho gia đình từ 15 đến 20 triệu đồng/ năm.
Không chỉ năng động trong phát triển kinh tế gia đình, chị Mụi còn được mọi người nể trọng, thường xuyên nhắc đến là một hội viên hội phụ nữ tích cực, nhiệt tình, sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ các gia đình hội viên trong thôn, xã mỗi khi có khó khăn.
Tích cực tham gia Phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Hội Phụ nữ xã phát động. Nhận thấy một số gia đình hội viên trong thôn gặp nhiều khó khăn về đồng vốn để phát triển chăn nuôi, chị Mụi mạnh dạn đầu tư tiền vốn mua 8 con trâu giống, giao lại cho 3 hộ gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn trong thôn chăm sóc, chăn nuôi chia theo thỏa thuận.
Học và làm theo chị Mụi, ở Nậm Mười đã xuất hiện một số mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập bình quân từ 70 - 100 triệu đồng/năm, điển hình như: hộ gia đình Đặng Kim Chu, thôn Khe Chang; Bàn Kim Thanh, thôn Nậm Mười; Bàn Kim Thọ, thôn La Háo Pành... Tuy nhiên, theo ông Bàn Kim Hiện - cán bộ địa chính xã cho biết, do giao thông đi lại trên địa bàn xã còn quá khó khăn nên sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt người dân làm ra thường bị thương lái, người mua ép giá nên giá thấp hơn rất nhiều so với giá trung bình trên thị trường