Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi lợn nái ngoại
20:00 - 28/10/2016
(TNNN) – Hiện nay thịt lợn là nguồn thực phẩm chủ yếu cho con người, trên thế giới thịt heo chiếm 40% thị phần và ở Việt Nam thì tỷ lệ này là hơn 75%. Giá thành thịt có xu hướng ngày càng giảm và chất lượng thịt ngày càng được quan tâm đặc biệt. Các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi lợn hiện nay tập trung chủ yếu vào việc tăng tỷ lệ nạc, giảm mỡ; đặc biệt các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi heo nái được quan tâm đặc biệt. Chính vì thế, những năm gần đây, mô hình chăn nuôi lợn nái ngoại đang trở thành xu hướng cho các nông hộ vì hiệu quả kinh tế mà nó mang lại.
Mô hình chăn nuôi lợn nái ngoại mang lại hiệu quả cao cho người nuôi và cần được nhân rộng tại nhiều địa phương

Yên Bái là một trong những tỉnh áp dụng thành công mô hình này. Với mục tiêu cải tạo, nâng cao chất lượng con giống, đảm bảo nguồn thịt lợn đến tay người tiêu dùng có chất lượng hơn, từ năm 2008 đến nay, Trung tâm giống vật nuôi tỉnh Yên Bái đã xây dựng được 24 cơ sở truyền tinh nhân tạo, bằng các giống lợn đực ngoại có năng suất chất lượng cao, nhằm cải tạo đàn lợn thịt trong nông hộ.



Tuy nhiên, qua nhiều năm triển khai, từ những phản hồi của các hộ chăn nuôi và người tiêu dùng, Trung tâm nhận thấy nếu chỉ thay đổi con giống đực thì chất lượng thịt lợn vẫn chưa đạt yêu cầu. Vì vậy, năm 2013, 2014 Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh Yên Bái tiếp tục hỗ trợ 50 con lợn nái ngoại cho 6 điểm mô hình, nhằm thay thế giống lợn nái nội để cho ra đời những con lợn thịt siêu nạc đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.



Gia đình ông Nguyễn Văn Tiến, khu phố Hóp, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên đã nhiều năm gắn bó với nghề chăn nuôi lợn. Đây cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình ông. Khoảng 2 năm trở lại đây, được Trung tâm giống vật nuôi tỉnh Yên Bái hỗ trợ 1 con lợn đực ngoại để xây dựng mô hình cải tạo giống lợn địa phương bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, gia đình ông Tiến đã chuyển hướng chăn nuôi giống lợn lai F1 giữa lợn nái Lang Hồng lai với lợn đực Landrace (người dân thường gọi là lợn 2 bề). Với mục đích cải tạo chất lượng thịt, nhưng qua quá trình nuôi, gia đình ông Tiến nhận thấy giống lợn này cũng đã nảy sinh nhiều nhược điểm như khó bán do tỷ lệ mỡ cao, lại tiêu tốn thức ăn nhiều và chậm lớn, khiến cho việc chăn nuôi của gia đình gặp không ít khó khăn.



Khó bán, bị thương lái ép giá đã khiến ông Tiến nghĩ đến việc thay thế giống lợn khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Vì vậy, khi biết đến mô hình hỗ trợ giống lợn nái ngoại của Trung tâm giống vật nuôi tỉnh Yên Bái, ông Tiến đã không ngần ngại phá dỡ khu chuồng nuôi rộng 20m2 đã được xây kiên cố trước đây để chuyển sang làm chuồng sắt nuôi lợn nái ngoại. Từ khâu làm chuồng, xây dựng hầm bioga, hệ thống nước uống tự động cho đàn lợn, gia đình ông Tiến đều được sự hướng dẫn kỹ thuật của các cán bộ Trung tâm giống vật nuôi tỉnh.



Cũng như nhiều gia đình khác, trước đây gia đình anh Tạ Quyết Định, thôn 3, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên chọn giống lợn Móng Cái để làm nái vì cho rằng giống lợn này dễ nuôi vì nuôi con khéo, đẻ nhiều, con giống đẻ ra lại được gia đình anh nuôi thịt là chủ yếu. Qua nhiều năm chăn nuôi, anh Định nhận thấy dù giống lợn này dễ nuôi, phàm ăn nhưng đầu ra lại không ổn định, giá cả bấp bênh. Đây cũng là điều khiến anh luôn trăn trở, suy nghĩ.



May mắn đã đến với gia đình anh Định khi gia đình anh là một trong 6 hộ gia đình trong tỉnh Yên Bái được Trung tâm giống vật nuôi tỉnh chọn làm điểm trình diễn mô hình chăn nuôi lợn nái ngoại trong nông hộ. Hơn 1 năm làm quen với việc nuôi lợn nái ngoại, anh Định đã nhận thấy nhiều ưu điểm vượt trội của giống lợn này. Những khó khăn trước đây đã không còn bởi giống lợn nái ngoại này trung bình mỗi con đẻ được 2,4 lứa/năm, mỗi lứa từ 11 – 14 con. Sau mỗi lứa lợn đẻ anh Định vẫn áp dụng phương thức vừa để lại nuôi nhằm giảm bớt chi phí mua lợn giống, vừa cung cấp con giống cho nhiều hộ gia đình trong vùng giống như trước đây. Nhưng hiệu quả kinh tế lại khác hẳn, nếu so sánh với những năm trước nuôi lợn Móng Cái anh Định nhận thấy mỗi con lợn giống ngoại sau khi cai sữa có giá từ 1,2 triệu – 1,5 triệu đồng, cao gấp 2 -3 lần so với giống lợn Móng Cái. Còn đối với lợn thịt thì cứ mỗi một tấn lợn hơi giống Móng Cái, anh Định có thu nhập 35 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 17 triệu đồng, nhưng đối với giống lợn ngoại xuất chuồng anh Định có thu nhập trên 40 triệu đồng, sau khi trừ chi phí cũng lãi ít nhất 25 triệu đồng.



Cũng là một trong những trường hợp xây dựng thành công mô hình, gần chục năm chăn nuôi, với quy mô trang trại lợn nái hàng trăm con, trang trại của ông Ngô Văn Tiếp (xã An Phú, Mỹ Đức, Hà Nội) chưa một lần nào bị dịch bệnh xâm nhập và nơi đây được coi là một trong những trang trại lợn điển hình nhất miền Bắc.



Để có trang trại nuôi lợn miễn nhiễm với dịch bệnh, ông Tiếp đã tỉ mỉ từ khâu chọn giống. Sở dĩ, trang trại của ông chọn giống lợn Landrace để kinh doanh là vì giống lợn này được coi là giống lợn tốt nhất trên thế giới hiện nay và được nuôi rất phổ biến ở nhiều nơi. Lợn Landrace có khả năng sinh sản cao, mắn đẻ và đẻ nhiều. Trung bình đạt 2 - 2,5 lứa/năm. Mỗi lứa đẻ 10 -12 con, trọng lượng sơ sinh trung bình đạt 1,2 – 1,3 kg, trọng lượng cai sữa từ 12 – 15 kg.



Trang trại chăn nuôi lợn hướng nạc theo quy trình khép kín của ông Ngô Văn Tiếp được xây dựng và quản lý một cách khoa học. Khu chuồng lợn được xây dựng cạnh hồ nước rộng khoảng 4 ha, không khí xung quanh trong lành, yên tĩnh, thông thoáng đủ ảnh sáng và được chia làm ba khu riêng biệt gồm: Khu chuồng chăn nuôi lợn nái sinh sản (trong đó có chuồng dành riêng cho lợn đẻ); khu chuồng chăn nuôi lợn mang bầu rộng và khu chuồng chăn nuôi mới nhập được cách ly riêng biệt với các chuồng khác. Ngoài ra, các khu chuồng thường xuyên được quét dọn, tẩy uế, khử trùng… Trang trại chăn nuôi heo của ông Tiếp hiện có quy mô khoa học và lớn nhất trong các hộ chăn nuôi heo ở Mỹ Đức, trang trại của ông đạt năng suất cũng như chất lượng thịt lợn cao.



Gia đình ông Nguyễn Văn Thu ở thôn An Thịnh, xã Long Sơn, huyện Lương Sơn (Hòa Bình) là một trong những hộ tiêu biểu của xã đã mạnh dạn đầu tư, nhân rộng mô hình chăn nuôi lợn. Sau 2 năm phát triển, hiện lợi nhuận đem lại cho gia đình lên đến hàng trăm triệu đồng/năm.



Ông chia sẻ: “Năm 1989, hai vợ chồng chưa có việc làm ổn định, tận dụng diện tích đất vườn, gia đình tôi quyết định phát triển chăn nuôi lợn. Tuy nhiên lúc đó quy mô chăn nuôi còn nhỏ lẻ với 3, 4 con lợn nái. Sản phẩm làm ra chủ yếu là cung ứng tiêu dùng cho gia đình, còn lại là bán tại địa phương. Năm 2014, nhận thấy nhu cầu của thị trường tiêu thụ thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc, xuất xứ, gia đình tôi đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng CSXH đầu tư hệ thống chuồng trại khép kín, đáp ứng nhu cầu chăn nuôi”.  



Đến nay, mô hình nuôi lợn của gia đình ông Thu đã được nhân rộng với 40 con lợn nái. Khác với các gia đình, do diện tích chuồng trại có hạn, không đáp ứng được nhu cầu chăn thả. Gia đình ông lựa chọn cách bán lợn “xách tai”, tức là sau khi đẻ được 1 tháng, lợn con được từ 7- 8 kg sẽ xuất bán cho thương lái. Năm 2015, gia đình ông Thu bán 400 con lợn “xách tai”, trung bình mỗi con giá 1,6 triệu đồng, tổng thu nhập từ 500 - 600 triệu đồng/năm. Song song với chăn nuôi lợn nái, gia đình ông còn nuôi thêm lợn rừng để tăng thu nhập. Hàng năm, gia đình ông cung ứng ra thị trường 1 tấn thịt lợn rừng, mức giá ổn định 130.000 đồng/kg, lợi nhuận sau khi trừ chi phí lãi 80- 90 triệu đồng/năm.  



Theo các hộ nuôi, để có hiệu quả, năng suất cao nhất, hệ thống chuồng trại phải được đầu tư xây dựng khép kín đáp ứng nhu cầu chăn nuôi. Vật nuôi cần phải được ở trong điều kiện môi trường tốt nhất để tránh dịch bệnh. áp dụng tiến bộ KH - KT vào chăn nuôi để nâng cao năng suất, lai tạo các giống lợn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thức ăn chăn nuôi phải đảm bảo đủ các chất dinh dưỡng cần thiết và được mua tại các cơ sở có uy tín, chất lượng. 


 
 
 
 
Huy Hoàng
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo