Do trong nước khó mở rộng quy mô, giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh, nhiều doanh nhân Việt đã tìm đến các nước làm ăn trong lĩnh vực nông nghiệp.
Mới đây, hãng tin ABC (Úc) đăng tải thông tin một doanh nhân Việt chi 18 triệu USD để mua trang trại 10.000 con bò thịt ở miền Bắc Úc. Theo hãng tin này, đây là dự án đầu tiên của nhà đầu tư Việt Nam vào lĩnh vực chăn nuôi tại Úc. Trước đó, đã có nhiều người Việt làm trang trại thành công ở Úc nhưng chủ yếu là trồng trọt.
Đầu tư lớn “sống khỏe”
Ông T.L, giám đốc một công ty chăn nuôi ở Đồng Nai, cho biết đang xúc tiến đầu tư nuôi bò thịt ở Úc để đưa về Việt Nam tiêu thụ. “Ở Việt Nam rất khó có được khu đất 100 ha để làm nông nghiệp, trong khi ở Úc rất nhiều trại bò rộng cả ngàn hecta. Thời tiết ở Úc thuận lợi cho việc chăn nuôi gia súc, mưa nhiều giúp cỏ phát triển tốt, bò tự kiếm ăn. Bên cạnh đó, trang trại rộng, dễ dàng cơ giới hóa, 1.000 con bò chỉ cần một người trông coi nên giá thành sản phẩm thấp. Nếu không đưa bò về Việt Nam tiêu thụ, tôi cũng không phải tìm kiếm đầu ra do đã có Chính phủ lo.
Để bảo vệ thương hiệu, các trang trại bò ở Úc không được trực tiếp xuất khẩu mà phải qua hiệp hội để bảo đảm giá cả và quy trình giết mổ theo tiêu chuẩn của họ. Ngoài thuế thu nhập cá nhân phải chịu cao hơn, còn lại nhà đầu tư nước ngoài được đối xử như người bản địa. Hiệu quả thì tùy thuộc vào quy mô đầu tư nhưng làm quy mô nhỏ thì không có lãi. Sang Úc nuôi bò thịt, nếu đầu tư khoảng 5 triệu USD thì sống khỏe” - ông L. phân tích.
Gần đây, đã có một số doanh nhân Việt sang Canada mua trang trại, sản xuất heo giống đưa về nước nâng chất lượng đàn nội địa. Theo ông K., chủ một trại heo ở Canada, nước này không cho xây mới nên người nước ngoài chỉ có thể mua lại suất của chủ cũ thông qua sang nhượng cổ phần.
“Canada quản lý dịch bệnh rất tốt, tạo ra môi trường chăn nuôi hoàn hảo. Là chủ nhưng mỗi khi từ Việt Nam sang, tôi phải chờ 25 ngày cách ly mới được vào trại của mình nhằm bảo đảm an toàn cho đàn heo. Trước mắt, trang trại đang cung ứng heo thịt cho thị trường tại chỗ. Còn muốn xuất khẩu phải tham gia hiệp hội và khi nào heo giống đạt chuẩn mới được cấp phép. Do đó, khoảng giữa năm 2017 mới có thể đưa heo giống về Việt Nam” - ông K. nói.
Dù là cường quốc sản xuất gạo nhưng gần đây, người tiêu dùng Việt Nam lại có xu hướng chuộng gạo Campuchia, nếp Lào. Nắm bắt nhu cầu này, không chỉ nhập, doanh nghiệp trong nước còn sang tận Campuchia trồng lúa. Tập đoàn Lộc Trời xây dựng vùng nguyên liệu tại tỉnh Kampong Speu (Campuchia) từ năm 2014 với diện tích 107 ha lúa không sử dụng phân bón hóa học.
Năm 2015, diện tích vùng nguyên liệu của tập đoàn này tăng lên 340 ha với 240 hộ dân địa phương tham gia. Tập đoàn Lộc Trời hướng dẫn bà con chăm sóc đồng ruộng, hỗ trợ thu hoạch, thu mua lúa với giá thỏa thuận và chế biến gạo theo quy trình HACCP để có gạo sạch, chất lượng cao. Loại gạo này có tên “Phượng Hoàng” đang được nhiều người tiêu dùng trong nước ưa chuộng.
PGS-TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng Khoa Kinh tế Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, nhìn nhận: “Nói đến hội nhập, nhiều người chỉ nghĩ đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài mà ít quan tâm đến chiều ngược lại. Gần đây, xuất hiện nhiều doanh nhân trong nước ra nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp”.
Hơn 1 tỉ USD đầu tư vào nông nghiệp
Ông Nguyễn Văn Ngãi cho rằng ở các nước phát triển, nông nghiệp không phải là ngành hấp dẫn nhà đầu tư bản địa do lợi nhuận không cao. “Người Việt có nhiều kinh nghiệm làm nông nghiệp lại chịu khó nên khi gặp môi trường làm ăn bài bản dễ thành công. Đây là cơ hội cho người Việt tiếp cận tiến bộ công nghệ và quản lý chất lượng an toàn thực phẩm để về Việt Nam áp dụng.
Theo thống kê, tính đến đầu năm 2016, Việt Nam đã đầu tư sang 68 quốc gia và vùng lãnh thổ với 1.049 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 20,4 tỉ USD. Trong đó, nông nghiệp có vốn đăng ký hơn 1 tỉ USD.
Nhiều thương hiệu Việt đã ra nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp như Vinamilk có trang trại bò sữa ở Mỹ, New Zealand; TH True Milk công bố nuôi bò sữa ở Nga; Hoàng Anh Gia Lai làm nông nghiệp (nuôi bò, trồng cao su, mía đường, bắp, cọ dầu…) ở Lào, Campuchia.