Nữ kỹ sư tâm huyết với nấm hữu cơ "5 không"
17:06 - 06/01/2017
Cô gái 8X từ bỏ công việc có mức lương hậu hĩnh tại TP.Hồ Chí Minh để về quê làm việc với mức lương khởi điểm của một viên chức, nhằm phát triển dự án cung cấp thực phẩm sạch. Đó là nữ kỹ sư công nghệ sinh học Lê Công Hạc, hiện đang làm việc tại Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh (Trung tâm DN&HTND, Quảng Ngãi).

Trong đó, Dự án Nấm hữu cơ "5 không” thực hiện từ tháng 4.2016 của kỹ sư Hạc đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm nấm trên thị trường, cung ứng nấm an toàn cho người tiêu dùng và chuyển giao quy trình sản xuất nấm sạch đến người sản xuất.
 

Kiểm soát nguyên liệu

Những loại nấm như hoàng kim, linh chi, ngọc thạch, bào ngư, nấm rơm, nấm mèo đen, trắng... là dược liệu, thực phẩm tốt cho sức khỏe. Đó là những sản phẩm nấm hữu cơ "5 không” (không sử dụng phân hóa học, không chất kích thích tăng trưởng, không thuốc bảo vệ thực vật, không thuốc trừ sâu và không chất bảo quản) trồng thành công tại Trung tâm DN&HTND thời gian qua.

Kỹ sư Lê Công Hạc thu hoạch nấm hoàng kim.

Từng làm việc tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh trong lĩnh vực sản xuất nấm, tích lũy một số kinh nghiệm, nên khi về quê công tác, kỹ sư Lê Công Hạc quyết tâm triển khai Dự án Nấm hữu cơ "5 không” .

“So với các loại nấm thông thường, nấm hữu cơ tại Trung tâm DN&HTND sử dụng phân hữu cơ từ trùn quế. Chi phí sản xuất cao gấp 10 lần so với sử dụng phân hóa học, nhưng bù lại sản phẩm an toàn cho người sử dụng. Trong lúc thu hoạch nấm và sơ chế, người hái phải mang găng tay để bảo đảm  an toàn vệ sinh thực phẩm”, kỹ sư Hạc cho hay.

Các sản phẩm nấm hữu cơ tại Trung tâm DN&HTND được kiểm soát chặt chẽ từ khâu nguyên liệu và giống. Để làm được điều này, Trung tâm đã nuôi nguyên liệu trùn quế và trực tiếp sản xuất meo nấm.  
 

Với kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm, cộng với đam mê, nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm, nữ kỹ sư Lê Công Hạc vừa nhân giống các loại nấm ăn, nấm dược liệu, vừa tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chuyển giao công nghệ trồng nấm hữu cơ cho bà con nông dân.

Triển vọng đầu ra

Chỉ sau mấy tháng, từ khoảnh đất nhỏ của Trung tâm trước đây bỏ trống, nay đã mang lại nhiều hiệu quả hữu ích. Điều quan trọng đó là việc áp dụng thành công nuôi trồng nấm hữu cơ, sẽ góp phần chuyển giao quy trình công nghệ sản xuất nấm sạch cho nông dân. Bởi vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn luôn là một trong những mối lo ngại lớn của người tiêu dùng, do thời gian qua, tình trạng lạm dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản trong sản xuất, thu hoạch sản phẩm nông nghiệp vẫn còn diễn ra.

Nấm hữu cơ của Trung tâm DN&HTND sau thu hoạch được sơ chế, đóng bao bì và nhãn mác. Bên cạnh sản phẩm nấm tươi, tại Trung tâm còn có sản phẩm nấm sấy khô, muối như nấm bào ngư rim phù hợp cho người ăn chay và mặn, nấm mèo khô có thời gian sử dụng lâu dài. “Hầu hết các sản phẩm trong nước đều xuất thô, trong khi các nước bạn đều xuất thành phẩm giúp tăng giá trị sản phẩm. Đây là điều mình hướng đến trong tương lai, chế biến sản phẩm sau thu hoạch”, kỹ sư Hạc cho biết.

Hiện tại, các sản phẩm nấm của Trung tâm DN&HTND cung ứng cho một số cửa hàng rau sạch, quán ăn trong tỉnh và một số người tiêu dùng ở Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh. Dần dần, nấm được nhiều người biết đến, lựa chọn cho thực đơn trong bữa ăn gia đình. Ngoài ra, còn có thể mua bịch phôi nấm mang về trồng và tự tay thu hoạch nấm.

Giám đốc Trung tâm DN&HTND Đinh Duy Sung cho hay, nghề trồng nấm không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho nông dân mà còn tận dụng các nguyên liệu dồi dào để tạo ra các sản phẩm có giá trị, giàu chất dinh dưỡng. Sau thu hoạch nấm, các phế phẩm trong quá trình trồng còn dùng làm phân bón hữu cơ, tạo độ phì nhiêu cho đất. Để phát triển dự án nấm sạch, Trung tâm tiếp tục đầu tư mở rộng, chuyển giao công nghệ cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Đồng thời phối hợp liên kết tìm đầu ra, nhằm góp phần giúp thị trường nông sản trong tỉnh dần chuyển sang nông sản an toàn, hưởng ứng nền nông nghiệp công nghệ cao, xanh, sạch, bền vững.  


Nguồn: Danviet.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo