(TNNN) – Huyện Văn Chấn là địa phương có diện tích trồng cây ăn quả tập trung lớn nhất của cả tỉnh với diện tích trồng cam, quýt các loại lên tới 1.300 ha, trong đó trên 800 ha đang cho thu hoạch.
|
Cây cam đem lại lợi nhuận cao gấp nhiều lần cho người nông dân nên đang được phát triển mạnh mẽ |
Nếu tính bình quân với năng suất từ 12- 15 tấn/ha, thậm chí nhiều hộ năng suất cao còn đạt 20 tấn/ha, tổng sản lượng vào khoảng hơn 8.000 tấn thì mỗi năm cũng đem lại doanh thu trên 200 tỷ đồng trong toàn huyện. Nhờ trồng cam, có khá nhiều hộ nông dân đã thoát khỏi cảnh đói nghèo, trở thành tỷ phú với mức thu nhập từ vườn cam đạt 500 - 800 triệu/năm.
Vùng cam Văn Chấn được hình thành từ gần 20 năm nay, lúc mới bắt đầu, chỉ có thị trấn Nông trường Trần Phú mạnh dạn trồng thử nghiệm, rồi sau đó lan rộng dần ra các xã xung quanh. Nếu như trước đây, thị trấn nông trường Trần Phú vốn chỉ được nhắc đến với sản phẩm chủ lực từ cây chè thì nay đã trở thành “thủ phủ” của cây cam. Hiện tại, với diện tích trồng cam lên tới 495 ha, không một mảnh đất nào còn trống, có thể thấy cây cam đang dần thay thế cho cây chè nơi đây.
Một điều bất ngờ là cây cam lại sớm thích ứng và phù hợp với vùng đất Văn Chấn, vốn từ trước đến nay vẫn nổi tiếng với cây chè. Bên cạnh đó, do mức giá bán của cam cao gấp 3 - 4 lần giá chè cũng đã là động lực khuyến khích người dân nơi đây phát triển cây cam một cách mạnh mẽ.
Theo thống kê, đến nay, nông dân ở 9 xã vùng ngoài của huyện cũng đã hào hứng với việc chuyển đổi sang trồng cam, hướng tới một nền sản xuất an toàn và giúp cho thương hiệu cam Văn Chấn vươn được tới những thị trường lớn hơn nữa, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Yên Bái đã quyết định chọn thôn Thiên Tuế- xã Thượng Bằng La để xây dựng mô hình trồng cam VietGAP.
Thời gian đầu khi mới xây dựng mô hình, chỉ có 5 hộ trồng cam tại thôn tham gia. Vụ cam năm 2016, dự kiến sẽ cung cấp được khoảng 200 tấn cam sạch ra thị trường. Mặc dù số lượng cam sạch còn chiếm một tỷ lệ rất khiêm tốn so với con số 8.000 tấn cam được thu hoạch của huyện Văn Chấn nhưng với mô hình này, người trồng cam sẽ nhận thấy được giá trị, từ đó sẽ tự giác mở rộng diện tích trồng và sản xuất theo đúng các tiêu chuẩn VietGAP.
Tính đến nay, thôn Thiên Tuế đã có 90 hộ trồng cam với tổng diện tích trồng là 150 ha. Số hộ tham gia Tổ hợp tác chuyên canh cam Thiên Tuế có 26 thành viên, đang canh tác tại 65 ha với các sản phẩm chủ yếu như: Cam sành, cam Vinh, cam chanh, cam Canh, quýt chum, quýt sen, quýt Thái… Trong đó, chủ yếu là cam sành và cam Canh hiện chiếm khoảng 3/5 diện tích trồng. Trên diện tích 28 ha đang cho thu hoạch, tổng sản lượng của tổ đạt 420 - 450 tấn/năm, song nhiều nhất vẫn là cam sành với số lượng 240 tấn, cam Canh 120 tấn. Tổng thu nhập của năm 2015 đạt 7 tỷ đồng, dự kiến trong năm 2016 doanh thu cũng sẽ vào khoảng 7,5 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Minh Nhiệm- trưởng nhóm Tổ hợp tác chuyên canh cam Thiên Tuế cho hay, sản xuất cam VietGAP không quá khó như ban đầu ông nghĩ, đó là: Tuân thủ quy trình canh tác từ khâu làm đất, bón phân hữu cơ hoai mục, sử dụng thuốc BVTV có trong danh mục, không mua thuốc trôi nổi và sử dụng tràn lan, thời gian cách ly từ 14 ngày trở lên; ngoài ra, dùng bả sinh học để diệt các loại côn trùng gây hại, tỉa cành để tăng ánh sáng cho quả, khiến cho màu quả đẹp hơn… Đó là những yêu cầu các hộ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cần tuân thủ nghiêm ngặt.
Một số siêu thị ở Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố lớn đã đặt mua cam VietGAP của Tổ hợp tác chuyên canh cam Thiên Tuế để phục vụ khách hàng từ nay đến Tết.
Theo ông Phan Nguyên Hà- Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết, các hộ trồng cam ở Văn Chấn sẽ tiếp tục mở rộng diện tích; đồng thời, sẽ bảo đảm quy trình để thực hiện đúng cam kết cung cấp ra thị trường những sản phẩm cam sạch, an toàn, nâng cao giá trị nhãn hiệu cam Văn Chấn đã được công nhận, phát triển thành thương hiệu.
Mới đây, vào ngày 3/12, Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Cam Văn Chấn” cho sản phẩm cam quả của huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Vùng cam được cấp nhãn hiệu “Cam Văn Chấn” gồm 8 xã và một thị trấn của huyện gồm: Minh An, Bình Thuận, Tân Thịnh, Đại Lịch, Chấn Thịnh, Nghĩa Tâm, Thượng Bằng La, Cát Thịnh và thị trấn Nông trường Trần Phú. Tổng diện tích vùng cam được cấp nhãn hiệu là 517,7 ha của 491 hộ sản xuất. |