|
Việc xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp mang lại hiệu quả tích cực |
Giai đoạn 2011- 2015, toàn tỉnh Hà Giang có 11 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (trong đó 3 xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện nghèo 30a), xếp thứ 33/63 tỉnh, thành trong cả nước. Tổng nguồn lực huy động xây dựng NTM đến thời điểm hiện tại đạt xấp xỉ 3.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn Chương trình MTQG 377 tỷ đồng, vốn lồng ghép trên 2.000 tỷ đồng, huy động đóng góp của các tổ chức, cá nhân trên 479 tỷ đồng. Ngoài ra, vốn vay của các ngân hàng cho hộ sản xuất, kinh doanh, làm đường giao thông, xây dựng nhà ở đạt 3.540 tỷ đồng.
Năm năm qua, nhờ chương trình NTM mà trên 1.500km đường giao thông nông thôn được nâng cấp, mở mới; 670 công trình thủy lợi được làm mới, cải tạo, nâng cấp để phục vụ SX nông nghiệp cho bà con; 508 công trình, cải tạo lưới điện cho trên 3.500 hộ gia đình; cải tạo, nâng cấp 415 trường học…
Đặc biệt, dù đất SX phải tận dụng từng hốc đá, bậc thang nhưng đồng bào Hà Giang hiến gần 1,7 triệu m2 đất, đóng góp trên 1,8 triệu ngày công đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
Kết quả trên đã làm cho bộ mặt nông thôn thực sự đổi mới, khang trang, sạch sẽ, văn minh hơn, cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư xây dựng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, thu nhập và đời sống nhân dân được cải thiện, tăng từ 9,6 triệu đồng năm 2011 lên 19,2 triệu đồng/người/năm 2015.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành Quyết định số 1838 phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020. Với mục tiêu là cơ cấu lại ngành để đảm bảo tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp tăng trên 6,5%/năm; đến năm 2020, giá trị sản xuất nông lâm nghiệp đạt trên 7.800 tỷ đồng; cơ cấu ngành nông nghiệp trong GDP chiếm khoảng 33%; tỷ trọng các lĩnh vực sau khi cơ cấu lại là: trồng trọt chiếm 53%, lâm nghiệp 12%, chăn nuôi tủy sản 30%, dịch vụ nông nghiệp chiếm 5%.
Sau 01 năm triển khai thực hiện Đề án, đến nay đã đạt được một số kết quả nhất định. Về cơ chế chính sách, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 209 để khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Tất cả các lĩnh vực trong ngành nông nghiệp đã được các cấp chính quyền, địa phương quan tâm tổ chức thực hiện, phấn đấu đến năm 2020 đạt được các mục tiêu của Đề án.
Trong lĩnh vực trồng trọt, đối với cây cam, mục tiêu đến 2020 diện tích cam kinh doanh đạt 5.000 ha, trong đó 70% diện tích theo VietGap, năng suất đạt từ 74,9 tạ/ha lên 150 tạ/ha. Đến nay diện tích cam đã đạt 5.400 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch đạt 1.605 ha, năng suất đạt 80,35 tạ/ha. Kế hoạch năm 2016 trồng mới 350 ha cam, đến nay tại 3 huyện vùng cam (Bắc Quang, Vị Xuyên, Quang Bình) đã trồng được 404 ha đạt 115%, trong đó nhân dân tự trồng 234 ha.
Đối với cây chè, mục tiêu đến năm 2020 diện tích chè kinh doanh là 17.000 ha, trong đó 70% diện tích theo VietGap hoặc hữu cơ, năng suất bình quân tăng từ 38,5 tạ/ha lên 50 tạ/ha. Không khuyến khích trồng mới, tập trung vào thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng chè, tập trung sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị sản phẩm bằng phương thức sản xuất Chè an toàn và Chè hữu cơ.
Đối với cây dược liệu, mục tiêu đến năm 2020 trồng mới trên 5.000 ha, tập trung vùng có lợi thế tại 6 huyện 30a. Đến nay đã trồng được trên 2.500 ha các loại như: thảo quả, tam thất, huyền sâm, hương thảo, ý dĩ...; thành lập mới 5 HTX cộng đồng sản xuất dược liệu, thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư vào trồng, chế biến dược liệu.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 13%/năm, tỷ trọng lĩnh vực chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông nghiệp chiếm 30%. Tỉnh đã chỉ đạo tập trung phát triển “trâu bò, ong” là những con thế mạnh đã được xác định trong đề án tái cơ cấu. Đến nay, lĩnh vực chăn nuôi đã có chuyển biến tích cực, quy mô chăn nuôi đang hướng tới chăn nuôi gia trại, trang trại.
Lĩnh vực lâm nghiệp, mục tiêu là bảo vệ tốt diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng hiện có; tăng nhanh diện tích rừng sản xuất trồng mới các loại cây gỗ lớn năng suất cao. Tăng giá trị lâm nghiệp thông qua thúc đẩy công nghiệp chế biến sâu. Đến nay đã trồng được trên 20.000 ha rừng, bước đầu đã đưa được cơ cấu giống tốt vào sản xuất để nâng cao sinh khối đối với rừng.
Cơ giới hóa nông nghiệp, mục tiêu đến năm 2020 đạt 40%. Đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có trên 9.600 máy có công suất từ 8 đến 18 mã lực tham gia làm đất, tỷ lệ cơ giới hóa đạt gần 34%; khâu gieo trồng, chăm sóc có trên 4.300 máy, tỷ lệ cơ giới hóa đạt 16%; khâu thu hoạch có trên 24.000 máy, tỷ lệ cơ giới hóa đạt 34%...
Về tổ chức lại sản xuất trong nông lâm nghiệp, các tổ chức sản xuất trong nông nghiệp đã được hình thành, từng bước đi vào hoạt động để tổ chức lại sản xuất cho nông dân theo hướng hàng hóa. Đến nay có 22 Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, 177 HTX nông nghiệp, 1.309 tổ hợp tác...
Công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, đã đào tạo được 74 lớp cho 2.610 người về các nghề chăn nuôi trâu, bò, nuôi ong, trồng chè, cam Vietgap...
Về công nghiệp chế biến, có trên 700 cơ sở tham gia chế biến chè. Các công ty, doanh nghiệp đã đưa dây chuyền sản xuất, chế biến, bảo quản hiện đại, công suất lớn tạo ra sản phẩm chè có chất lượng cao, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thêm thị trường xuất khẩu chè đến trên 20 nước. Chế biến lâm sản, có 156 cơ sở chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, sản phẩm chủ yếu gồm gỗ xẻ, gỗ bóc, dăm gỗ, giấy đế... Chế biến tiêu thụ nông sản, thực phẩm, có 4 nhà máy chế biến nông sản thực phẩm, 14 cơ sở chế biến rượu.
Đối với việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, có một số mô hình đã và đang thực hiện chương trình liên kết giữa nông hộ với doanh nghiệp sản xuất chế biến miến dong, rượu; đầu tư giống phân bón, kỹ thuật và thu mua sản phẩm chè tươi của nông dân để chế biến và tiêu thụ; đầu tư trồng và thu mua dược liệu...
Có được những kết quả trên là do nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân có sự chuyển biến tích cực, phát huy được tính chủ động, sáng tạo và sự tham gia đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân.