Sau 25 năm đầu tư vốn, công sức, mô hình trồng rừng kết hợp với các loại cây ăn trái, chăn nuôi lợn của gia đình anh Trần Anh Hào, đồi Bù Lu, xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì đang cho hiệu quả kinh tế cao.
|
Anh Trần Anh Hào đang chăm sóc đàn lợn. |
Mô hình không chỉ mang lại cuộc sống sung túc cho gia đình anh Hào mà còn tạo việc làm cho không ít lao động địa phương.
Khánh Thượng là một xã miền núi của huyện Ba Vì có lợi thế đất rừng rất phù hợp để phát triển các mô hình trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả. Nắm bắt đặc điểm này, anh Hào đã bàn với gia đình đầu tư mô hình nhằm phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Bắt tay vào khởi nghiệp, anh mạnh dạn nhận giao khoán diện tích 31,5ha đất của Xí nghiệp CanhTiNa. Gia đình anh đã cải tạo diện tích đất trống đồi trọc bằng việc trồng cây keo. Vượt qua những khó khăn bước đầu, đến nay, gia đình đã mở rộng diện tích đất lên 45ha và trồng đa dạng các loại cây ăn quả, cây lâm nghiệp kết hợp chăn nuôi lợn.Anh Hào chia sẻ, để phủ màu xanh cho những quả đồi trọc, ngoài sự giúp đỡ của các ngành, các cấp thì bản thân gia đình anh đã phải bỏ rất nhiều công sức. Ngày đầu với biết bao khó khăn, thiếu thốn nhưng với niềm tin về hiệu quả mà mô hình mang lại nên anh và gia đình đã quyết tâm bám trụ với mô hình kinh tế mới này. Qua thực tế trồng rừng, anh nhận thấy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây rất thuận lợi để phát triển trồng rừng, nhất là trồng keo. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế từ rừng đạt khá cao, mang lại nguồn thu nhập tốt cho gia đình. Trên diện tích 45ha đất giao khoán, gia đình đã phát triển được 31ha diện tích trồng rừng với cây keo là cây trồng chủ lực kết hợp với các loại cây ăn trái như cam Canh, bưởi Diễn, chanh Đào.... Cây lấy gỗ được trồng phủ trên những đỉnh đồi, triền đồi nhằm thuận lợi cho quá trình thu hoạch, còn ở chân đồi nơi có độ dốc thấp và ở những diện tích đất bằng, gia đình tiến hành trồng cây ăn trái mang lại nguồn thu cả 4 mùa. Thực hiện phương châm lấy ngắn nuôi dài, vừa sản xuất vừa đầu tư, anh Hào kết hợp chăn nuôi lợn, mỗi lứa xuất bán từ 300 - 500 con lợn thương phẩm. Cứ như vậy, mô hình kinh tế rừng kết hợp trồng các loại cây ăn trái, chăn nuôi lợn của gia đình anh mỗi năm mang lại thu nhập trên dưới một tỷ đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, mô hình còn tạo việc làm thường xuyên cho từ 3 - 5 lao động địa phương và 15 - 20 lao động thời vụ với mức lương 3 triệu đồng/người tháng.
Nhờ biết kết hợp trồng các loại cây trên cùng một diện tích đất nên kinh tế của gia đình anh Hào ngày một phát triển. Để giúp đỡ bà con cùng phát triển kinh tế vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, anh thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. Từ đó, nhiều gia đình đã học tập, phát triển mô hình vươn lên thoát nghèo