“Cầu nối” tận tâm ở vùng cao
14:51 - 01/09/2016
 “Từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) cho vay, gia đình tôi đã đầu tư chăn nuôi trâu, bò hiệu quả. Đến nay, gia đình không những thoát nghèo mà còn xây được nhà cửa khang trang” - Đó là lời tâm sự của ông Lục Văn Hè (dân tộc Nùng), ở thôn Bảng Tèn, xã Yên Đĩnh, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn).
Từ vốn vay Ngân hàng CSXH, hàng ngàn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã đầu tư nuôi trâu hiệu quả.


“Bà đỡ” mát tay

Trước kia gia đình ông Lục Văn Hè thiếu đói triền miên. Ông Hè bảo, vợ chồng ông cũng chăm chỉ chịu khó nhưng không có vốn nên đói nghèo. Năm 2013, ông được Ngân hàng CSXH cho vay 30 triệu đồng chương trình hộ cận nghèo. Ông Hè đầu tư nuôi trâu sinh sản. Từ hộ khó khăn, đến nay ông Hè đã trở thành triệu phú khi sở hữu đàn trâu cả chục con.

 

Rót chén nước mời khách trong căn nhà khang trang mới xây còn thơm mùi vữa, ông khoe: “Căn nhà này là từ tiền bán trâu mà ra đấy. Vốn ưu đãi đã góp phần giúp tôi “lên đời” từ nhà dột nát sang nhà bê tông kiên cố”.

Ông Lương Đình Tâm – Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV) thôn Bảng Tèn chia sẻ: “Tôi làm Tổ trưởng tổ TKVV từ ngày có Ngân hàng CSXH đến nay đã hơn chục năm. Hiện, trong tổ có 53 hộ vay vốn với tổng dư nợ hơn 2 tỷ đồng, số dư tiết kiệm hơn 60 triệu đồng. Nhiều năm liền tổ không có dư nợ quá hạn”.

"Ngân hàng CSXH đang có dư nợ hơn 1.774 tỷ đồng với 78.615 lượt hộ vay vốn, trong đó các chương trình có doanh số cho vay lớn như cho vay hộ nghèo, hộ gia đình SXKD vùng khó khăn, hộ cận nghèo...”.

Ông Hà Sỹ Côn – Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Bắc Kạn 

 

 

Theo ông Tâm, dân cư ở thôn Bảng Ten hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian đầu triển khai vốn ưu đãi Ngân hàng CSXH, chẳng mấy hộ dám vay vì vay về không biết làm gì.

“Để bà con mạnh dạn vay vốn, bản thân tôi phải làm trước. Nhìn từ chính gia đình mình vay vốn đầu tư chăn nuôi, trồng trọt có lãi, bà con sẽ làm theo. Giờ thì ai cũng “mê” vốn vay ưu đãi. Ngoài cho vay vốn, bà con còn được Ngân hàng CSXH phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, biết cách làm ăn” - ông Tâm bộc bạch.

 

Tích tiểu thành đại

Theo chân cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Na Rì, chúng tôi lên thăm hộ gia đình anh Phạm Văn Tuân ở thôn Nà Đấu, xã Hảo Nghĩa, khi anh đang vận chuyển gỗ đi tỉnh. Anh Tuân cho biết, từ khi còn là hộ nghèo, anh đã vay vốn Ngân hàng CSXH số tiền 30 triệu đồng để đầu tư trồng rừng và kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Năm 2014, sau khi đã thoát nghèo và trả hết nguồn vốn vay cũ anh tiếp tục được vay 30 triệu đồng chương trình hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Anh đã chuyển hướng sản xuất sang lĩnh vực buôn bán và vận tải hàng hóa.

“Hiện tôi đã sắm được 2 chiếc ô tô bán tải để vận chuyển hàng hóa. Hàng năm, trừ chi phí gia đình tôi bỏ túi hơn 150 triệu đồng. Đấy là chưa kể “của để dành” là 13ha keo, mỡ, quế sắp đến kỳ khai thác trị giá cả tỷ đồng” - anh Tuân khoe.

Ông Phạm Huy Thanh – Phó Chủ tịch UBND xã Hảo Nghĩa cho biết: “Hảo Nghĩa là xã miền núi khó khăn, nguồn lực địa phương còn nhiều hạn hẹp. Những năm qua, nguồn vốn vay ưu đãi Ngân hàng CSXH đã “gỡ khó” cho địa phương rất nhiều. Nhờ được vay vốn ưu đãi, tổ chức lại sản xuất trên địa bàn xã đã có hàng trăm hộ thoát nghèo. Trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm mạnh từ 39,2% (năm 2010) xuống còn 9,3% (năm 2015)”.

Nguồn: danviet
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo