Sinh ra và lớn lên ở bản người Rục, một tộc người mới rời hang đá, thoát khỏi cảnh “ăn lông ở lỗ” mới hơn 50 năm nay, anh Tư hiểu rất rõ những khó khăn, khắc nghiệt nơi rừng thiêng nước độc cũng như những thiệt thòi mà đồng bào của anh đã trải qua.
|
Lứa lợn rừng giống của anh Trần Xuân Tư chuẩn bị xuất chuồng. |
Mới 40 tuổi nhưng Trần Xuân Tư đã được bà con người Rục ở bản Ón, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) tín nhiệm bầu làm trưởng bản từ hơn 10 năm nay. Điều này cũng dễ hiểu, bởi trong con mắt và cái bụng của người Rục, anh là người “nói được làm được”, biết giúp đỡ bà con dân bản lúc khó khăn cùng vươn lên xóa đói giảm nghèo.
Sinh ra và lớn lên ở bản người Rục, một tộc người mới rời hang đá, thoát khỏi cảnh “ăn lông ở lỗ” mới hơn 50 năm nay, anh Tư hiểu rất rõ những khó khăn, khắc nghiệt nơi rừng thiêng nước độc cũng như những thiệt thòi mà đồng bào của anh đã trải qua. Ngày mới rời hang đá ra sống định cư, dân bản Rục chỉ biết trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước và những mùa nương rẫy bấp bênh nên cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng mãi.
Ngày đó ở bản Rục, phần lớn bà con chưa học xong tiểu học đã bỏ giữa chừng, riêng Trần Xuân Tư một mình vượt hàng chục cây số đường rừng ra Trường Dân tộc nội trú huyện học hết lớp 9. Có trình độ văn hóa cao nhất bản, anh Tư được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng bản. “Làm trưởng bản mà cứ nghèo thì nói ai nghe. Làm gì để có cái ăn, cái mặc, thoát nghèo cho gia đình và cho bà con dân bản là điều làm tôi trăn trở hàng đêm” - anh Tư kể.
Đầu năm 2012, Trần Xuân Tư mạnh dạn đầu tư chuồng trại để nuôi lợn rừng. Trên diện tích 1.500m2, anh mua lưới chia thành từng khu vực và vào tận Quảng Trị mua lợn rừng giống về thả. Ban đầu anh Tư cũng gặp không ít khó khăn bởi thiếu vốn, giá thành con giống cao, kinh nghiệm chưa có… Nhưng với sự quyết tâm vươn lên làm giàu bằng chính đôi tay mình, vừa làm vừa học hỏi nên gia đình anh đã thành công với mô hình nuôi lợn rừng sinh sản. Chỉ từ đầu năm 2016 đến nay, anh đã bán được hơn 50 con lợn giống, thu về 100 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn nuôi gần 20 con trâu, bò và trồng 10ha keo lai. Hiện đã có trên 7ha chuẩn bị cho thu hoạch.
Nhờ chăn nuôi và trồng rừng, gia đình anh Tư đã làm được nhà khang trang, lo cho con cái ăn học đầy đủ, đồng thời có điều kiện giúp đỡ nhiều hộ khác cùng phát triển kinh tế, thoát nghèo.