Thành công ngoài mong đợi của Phù Yên
15:19 - 05/09/2016
Mặc dù đã di dân khỏi vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình hơn 30 năm, song nhiều xã ở huyện Phù Yên (Sơn La) vẫn còn những bản không có đất sản xuất, dù người dân làm nông nghiệp 100%. Trước tình hình đó, lãnh đạo huyện đã kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực phi nông nghiệp và đạt được thành công ngoài mong đợi.

Thay đổi tư duy sản xuất

Đến với Phù Yên hôm nay, cuộc sống ấm no hiện rõ trên những cánh đồng, nương vườn của bà con nông dân. Trao đổi với chúng tôi, bà Đinh Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Yên cho biết: “Mấy năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đã có những chuyển biến mạnh mẽ theo hướng sản xuất hàng hóa. Ngoài cây lúa nước truyền thống, bà con đã đẩy mạnh sản xuất rau xanh, các loại hoa, củ, quả. Trong đó, sản phẩm tỏi cô đơn của Phù Yên đã nức tiếng trên thị trường miền Bắc. Bên cạnh đó, người dân cũng phát triển nhiều diện tích cam, quýt, bưởi, mía… cho năng suất và chất lượng cao, được thị trường đón nhận”.

Những công nhân, quản đốc phân xưởng giày da xuất khẩu ở huyện Phù Yên. Ảnh: Kiều Thiện

Trong chăn nuôi, ngoài việc phát triển quy mô đàn trâu, bò, gà, lợn với số lượng lớn, người dân cũng mạnh dạn nuôi thêm nhiều con đặc sản như lợn rừng, cá tầm, lợn đen mõm dài, nuôi hươu lấy nhung, gà Mía lai Đông Tảo…

Để giúp bà con sản xuất hiệu quả, bền vững, các ngành chức năng huyện Phù Yên đã tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp như mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật, cử cán bộ khuyến nông bám sát cơ sở để hướng dẫn bà con ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tăng cường định hướng thông tin về thị trường; đầu tư, hỗ trợ nông dân giống, phân bón...

Anh Lường Văn Liên, dân bản Tưởng Hợp, xã Mường Cơi tâm sự: Mặc dù thuộc diện khó khăn nhưng trên địa bàn xã đã xuất hiện hàng trăm mô hình làm ăn khá giỏi, với các loại hình kinh tế trang trại, kinh tế hộ có tỷ lệ ứng dụng kỹ thuật cao như: Trồng cam, quýt ngọt, nuôi chim bồ câu, nuôi cá, lợn siêu nạc… Những mô hình ấy không chỉ giúp bà con nâng cao thu nhập mà còn phát huy sự đóng góp của họ trong xây dựng NTM. 
 

Ly nông không ly hương

“Từ ngày có xưởng giày da, 3 người trong gia đình em đã có việc làm ổn định, cuộc sống khá hơn nhiều. Cán bộ bảo chúng em đang tham gia làm NTM trên chính quê hương mình. Em thấy cán bộ nói đúng lắm, khi dân hết đói nghèo, biết sống sạch hơn, đẹp hơn thì chính là góp phần xây dựng NTM”.

Chị Cầm Thị Loan - công nhân nhà máy giày da Phù Yên

 

Trò chuyện với phóng viên, anh Liên cho biết thêm: “Khi bắt tay xây dựng NTM, nhiều xã trong bản gặp rất nhiều khó khăn do thiếu đất sản xuất nông nghiệp. Huyện, xã cũng đau đầu giải quyết nhưng không biết lấy đâu ra đất, bởi nơi nào cũng chật cả rồi, cũng không thể động tới diện tích rừng…”.

“Cái khó ló cái khôn”, huyện Phù Yên đã nỗ lực kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn và đến nay tại đây đã có 3 cơ sở sản xuất công nghiệp (2 cơ sở sản xuất giày da xuất khẩu, 1 cơ sở sản xuất gạch tuynel), giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động nông nghiệp.

“Chỉ tính mức lương mỗi công nhân 40 triệu đồng/năm, mỗi năm thu nhập của người dân trong huyện đã tăng thêm 80 tỷ đồng. Có đồng lương ổn định coi như bà con đã thoát nghèo bền vững” – ông Nguyễn Đắc Tĩnh, Bí thư huyện ủy Phù Yên cho biết. Anh Đinh Công Xuân, bản Tân Lương 1, xã Huy Tường cho biết: “Xã này vốn rất nghèo, nay nhiều con em đã đi làm công nhân giày da và làm gạch, cuộc sống thay đổi hẳn. Cứ nhìn gia đình nào có người làm công nhân hưởng lương là biết ngay. Vì thế, bà con đều mong muốn huyện có thêm nhà máy để con em mình được làm công nhân”.


Nguồn: Danviet.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo